03:09 30/03/2012

Gia đình thờ ơ với HIV

Theo nghiên cứu, chỉ có 1,4% nam và 2,6% nữ cho biết đã tìm hiểu kiến thức về HIV qua gia đình. Tỷ lệ này quá thấp nếu so với hơn 90% thanh thiếu niên cho biết họ tìm hiểu thông tin về HIV qua ti vi, 70% tìm hiểu qua sách báo.

Theo nghiên cứu, chỉ có 1,4% nam và 2,6% nữ cho biết đã tìm hiểu kiến thức về HIV qua gia đình. Tỷ lệ này quá thấp nếu so với hơn 90% thanh thiếu niên cho biết họ tìm hiểu thông tin về HIV qua ti vi, 70% tìm hiểu qua sách báo.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc và tìm hiểu về tâm sinh lý tuổi vị thành niên, bác sĩ Vũ Minh Phượng - Đại học Y Hà Nội khẳng định: “Với nếp sống và sinh hoạt ở Việt Nam thì gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tâm sinh lý và phát triển ở trẻ. Nhưng thực tế, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn “né tránh” chia sẻ với con về những chuyện liên quan đến giáo dục giới tính, trong đó bao gồm cả những kiến thức về HIV”.

Cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV tại cơ sở y tế xã, phường của tỉnh Nam Định - địa phương hiện có hơn 4.000 người nhiễm HIV và gần 2.000 bệnh nhân AIDS. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

Gia đình không chỉ là nguồn thông tin quan trọng mà còn đóng vai trò cốt yếu là nền tảng trong việc phòng ngừa nhiễm HIV. Một điều dễ nhận thấy ở các nước phương Tây là chuyện gia đình trao đổi với nhau về những vấn đề giới tính rất tự nhiên, cha mẹ khuyến khích, hướng dẫn con cái nên sử dụng những biện pháp cần thiết trong quan hệ tình dục và chống HIV. Trong khi đó ở Việt Nam, việc trò chuyện giữa cha, mẹ với con cái về HIV còn rất ít, hầu như là không có.

Kết quả cuộc điều tra Savy 2 (Cuộc điều tra Quốc gia về vị thành niên Việt Nam) cho thấy hầu hết thanh thiếu niên tìm hiểu thông tin về HIV qua ti vi, sách báo. Trong khi đó việc tìm hiểu thông tin qua gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội là rất ít.

Đồng đẳng viên truyền thông tư vấn và cung cấp dịch vụ dự phòng tại cộng đồng. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Về thực trạng này, PGS.TS Vũ Mạnh Lợi không khỏi băn khoăn, nhiều bậc cha mẹ còn cho rằng việc nói về vấn đề quan hệ tình dục cũng như sử dụng các biện pháp phòng tránh là “xúi giục làm bậy” hay “vẽ đường cho hươu chạy” mà quên mất rằng tình dục là do bột phát. Trong khi đó thanh thiếu niên là lứa tuổi dễ sa ngã, dễ bị lôi kéo nhất và đó cũng là một trong những nguyên nhân chính để lây truyền HIV.

Một thực tế hiện nay ở Việt Nam, những thanh thiếu niên khi ra ngoài mang theo bao cao su (BCS) cũng sẽ bị dư luận lên án và dè bỉu, cho rằng người thanh niên ấy không đứng đắn. Thậm chí vẫn còn tâm lý e ngại trong việc mua và bán sản phẩm BCS. Vừa rồi trên một tờ báo mạng Việt Nam có viết về một người mẹ đều đút BCS vào túi cho con tuổi vị thành niên mỗi khi ra ngoài khiến nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng đa phần đều phản đối và cho rằng bà mẹ “làm hư” con.

Phóng viên đã làm một cuộc khảo sát nhỏ trong phạm vi 10 bạn ở độ tuổi thanh thiếu niên thì có đến 8 bạn nói rằng hầu như chưa bao giờ bố mẹ và họ ngồi nói chuyện về giáo dục giới tính và HIV. Những hiểu biết của họ chủ yếu thu thập từ các nguồn tin khác nhau. Chỉ có 2 người cho biết bố mẹ cũng đã đề cập đến vấn đề giới tính nhưng cũng rất hời hợt và không phải là những kiến thức chính mà họ thu lượm được. Điều này phần nào thể hiện sự “buông lỏng” của cha mẹ đối với những vấn đề này.

“Rất cần thiết nâng cao vai trò của gia đình trong việc cung cấp thông tin về HIV cho trẻ. Các thành viên trong gia đình cần trao đổi với nhau về phòng tránh HIV và xóa bỏ kỳ thị với người có HIV. Như vậy không những cha mẹ có thể giúp con cái mà con cái cũng có thể giúp cha mẹ có hiểu biết tốt hơn về phòng chống HIV và về những người có HIV”, ông Lợi nhấn mạnh.

Về mặt chuyên môn, bác sĩ Phượng chia sẻ: “Một trong những nguyên nhân chính lây nhiễm HIV ở tuổi vị thành niên là do quan hệ tình dục không lành mạnh. Trong khi đó, tuổi vị thành niên là tuổi mà tâm sinh lý thay đổi, hệ sinh dục bắt đầu tiết hoóc môn, nó tác động vào cảm xúc và ở tuổi này thì chưa đủ kinh nghiệm để kiềm chế cảm xúc của mình. Họ không vượt qua nổi cảm xúc tình dục và nhu cầu tình dục. Cho nên, tình dục của thành niên và vị thành niên là “tình dục ngẫu hứng.”

Từ đó, bác sĩ Vũ Minh Phượng đưa ra khuyến nghị rằng con đường duy nhất là phải thẳng thắn và cởi mở trong tuyên truyền tình dục. Thay vì cấm đoán, tuổi vị thành niên cần được chỉ dạy về những biện pháp an toàn tình dục, trong đó nên cung cấp những hiểu biết cần thiết về HIV. Qua quá trình nhận thức, tự bản thân các bạn sẽ nhận ra đâu là tốt, đâu là xấu để lựa chọn và tự có trách nhiệm với chính mình.

Cầm Trang - Thu Trang