12:08 13/12/2014

Giá dầu thô lao dốc xuống mức thấp kỷ lục mới

Thị trường nhiên liệu thế giới ngày 12/12 tiếp tục chứng kiến đà rớt giá nghiêm trọng của dầu thô, xuống mức thấp kỷ lục mới trong nhiều năm qua.

Thị trường nhiên liệu thế giới ngày 12/12 tiếp tục chứng kiến đà rớt giá nghiêm trọng của dầu thô, xuống mức thấp kỷ lục mới trong nhiều năm qua. Nguồn cung có khả năng dư thừa và nhu cầu tiêu thụ của nền kinh tế toàn cầu giảm là hai nguyên nhân chính tiếp tục tác động mạnh vào giá dầu thô.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn số liệu từ sàn giao dịch hàng hóa New York cho biết, đến cuối phiên giao dịch ngày 12/12, giá dầu thô Texas Intermediate (WTI) của Mỹ tiếp tục giảm 2,14 USD, tương đương với 3,6%, xuống 57,81 USD/thùng. Đây là mức giá thấp kỷ lục của loại dầu thô này kể từ thời điểm tháng 5/2009.

Giá dầu thô Brent trong ngày cũng giảm 1,83 USD, tương đương với 2,9%, xuống còn 61,85 USD/thùng, mức thấp chưa từng có kể từ ngày 22/7/2009. Riêng trong tuần qua, giá dầu Brent giảm hơn 7 USD, tương đương với 11% và giá dầu thô của Mỹ giảm hơn 8 USD, tương đương với 12%.

Ông Bjarne Schieldrop, chuyên gia phân tích hàng hóa hàng đầu của công ty SEB, cho biết dự báo đưa ra cùng ngày của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu thô của toàn cầu trong năm 2015 có thể giảm từ 230.000 đến 900.000 thùng/ngày là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung sẽ dự thừa, nhất là trong bối cảnh các nước không thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ tiếp tục tăng sản lượng khai thác.

Ảnh minh họa.


Tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong tháng 11 chỉ đạt 7,2% so với 7,7% trong tháng Mười, cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ giảm. Trong ba tháng qua, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiêu thụ ở mức trung bình hơn 10 triệu thùng/ngày.

Chứng khoán Mỹ và châu Âu nhuộm sắc đỏ

Ngay lập tức, giá dầu tiếp tục giảm đã tác động mạnh tới thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu. Sàn giao dịch chứng khoán Mỹ ngày 12/12 tiếp tục “rực đỏ” do giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục đà lao dốc xuống mức thấp kỷ lục mới. Tuần qua được coi là tuần rớt giá nghiêm trong của các chỉ số chứng khoán Mỹ.

Số liệu từ sàn giao dịch New York cho biết đến phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn doanh nghiệp lớn giảm trung bình 204 điểm, tương đương với 1,2%, xuống còn 17.391 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 và chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite cũng lần lượt mất giá 0,9% và 0,5%. Trong ngày, ba loại chỉ số chứng khoán Dow Jones, Standard & Poor 500 và Nasdaq có lúc thậm chí còn mất giá lần lượt 1,79%, 1,62% và 1,16%.

Như vậy, riêng trong tuần qua, chỉ số Standard & Poor 500 bị mất giá tổng cộng 3,5% sau 7 tuần liên tiếp tăng giá. Kể từ đầu tháng 12 tới nay, chỉ số Standard & Poor 500 đã bị mất giá 4,9%. Chỉ số chứng khoán danh giá này bị mất giá nghiêm trọng do cổ phiếu của các công ty dầu khí, thành viên nhóm Standard & Poor 500, riêng trong ngày 12/12 giảm tiếp 2,2% và giảm tổng cộng 16,5% kể từ đầu năm tới nay. Cổ phiếu XOM.N của tập đoàn dầu khí ExxonMobile và cổ phiếu CVX.N của tập đoàn Chevron Corp lần lượt giảm thêm 2,91% và 1,82%, xuống mức thấp nhất trong vòng 52 tuần qua.

Các chỉ số chứng khoán lớn của châu Âu trong ngày cũng bị tác động mạnh bởi giá dầu tiếp tục lao dốc. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 2,5%, DAX của Đức giảm 2,7% và CAC 40 của Pháp giảm 2,8%. Đồng USD trong ngày mất giá 0,2% so với đồng Yên của Nhật Bản và mất giá 0,5% so với đồng Euro.

Kể từ đầu năm tới nay giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm tổng cộng 41%, trong đó giá dầu Brent giảm 45%, kể từ mức giá đỉnh cao 115 USD/thùng. Một số chuyên gia dự báo, nếu OPEC không sớm can thiệp, cắt giảm sản lượng khai thác hàng ngày, giá dầu thô, về mặt kỹ thuật có thể giảm xuống mức 50 đến 55 USD/thùng, thậm chí 40 USD/thùng.

Tuyên bố của Bộ trưởng Dầu khí Saudi Arabia, thành viên lớn nhất trong OPEC, tái khẳng định chủ trương không cắt giảm sản lượng khai thác hàng ngày, chắc chắn sẽ còn làm cho giá dầu giảm hơn nữa. Trong tháng 11 vừa qua, sản lượng khai thác hàng ngày của Saudi Arabia 9,61 triệu thùng, giảm 80.000 thùng.

Do giá dầu giảm, riêng trong tuần qua, các công ty dầu khí của Mỹ đã ngừng hoạt động 29 giàn khoan, nhiều nhất trong vòng hai năm qua. Theo số liệu của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, trong tuần kết thúc ngày 12/12, trên toàn lãnh thổ Mỹ chỉ còn 1.546 giàn khoan thăm dò dang hoạt động so với đỉnh cao 1.609 giàn hồi tháng Mười. Giá dầu giảm đã làm cho cổ phiếu của các tập đoàn dầu khí, từ đầu năm tới nay đã bị mất giá tổng cộng 16,5%.


TTXVN/Tin Tức