07:12 24/07/2021

Giá dầu thế giới phục hồi ấn tượng nhờ kỳ vọng nguồn cung vẫn thắt chặt

Giá dầu thế giới đi lên trong phiên 23/7, tiếp tục phục hồi mạnh mẽ từ cú trượt dốc của ngày thứ Hai nhờ kỳ vọng rằng nguồn cung dầu vẫn sẽ thắt chặt trong năm nay.

Chú thích ảnh
Đổ xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Phiên này, giá dầu Brent tăng 31 xu (tương đương 0,4%) lên 74,10 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến thêm 16 xu (0,2%) và khép phiên ở mức 72,07 USD/thùng.

Nhìn chung, thị trường dầu thế giới đã có một cú lội ngược dòng ấn tượng trong tuần qua.

Phiên đầu tuần 19/7, thị trường năng lượng đã có ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2021, với thỏa thuận tăng sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn khác (còn gọi là nhóm OPEC+) làm dấy lên lo ngại về thặng dư nguồn cung. Cùng với đó, số ca mắc COVID-19 gia tăng một lần nữa "đe dọa" ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu năng lượng. Phiên này, giá dầu Brent giảm tới 6,8% còn giá dầu WTI để mất tới 7,5%.

Sang phiên 20/7, giá dầu thế giới đảo ngược quay đầu tăng khi giới đầu tư tận dụng giá “vàng đen” xuống mức thấp nhất trong hai tháng qua để mua vào. Phiên này, giá dầu Brent tăng 1,1% còn giá dầu WTI tiến 1,5%.

Giá dầu tiếp tục tăng hơn 4% trong phiên giao dịch 21/7, khi dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của nước này bất ngờ tăng 2,1 triệu thùng trong tuần trước lên 439,7 triệu thùng. Diễn biến này trái ngược với mức giảm 4,5 triệu thùng do giới phân tích dự báo.

Đà tăng tiếp tục trong các phiên 22 - 23/7. Tính chung trong cả tuần, giá dầu Brent đã tăng 0,7% sau khi giảm trong ba tuần liên tiếp. Giá dầu WTI cũng dứt chuỗi hai tuần giảm với mức tăng 0,4%.

Trong một ghi chú mới đây, ngân hàng Commerzbank nhận định những lo ngại về nhu cầu dầu đã được chứng minh là bị phóng đại. Đó là lý do cho sự phục hồi đáng chú ý của giá “vàng đen” trong tuần qua.

Giới giao dịch giờ đây tin tưởng rằng dù sản lượng dầu của các nhà sản xuất chính có tăng lên, thị trường sẽ vẫn thiếu nguồn cung cho đến cuối năm.

Tăng trưởng nhu cầu dự kiến sẽ vượt nguồn cung sau khi OPEC+ đạt được thỏa thuận “rót thêm” 400.000 thùng dầu/ngày kể từ tháng 8 - 12/2021.

Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết trong một báo cáo rằng, giới đầu tư đang bắt đầu cảm thấy các thỏa thuận của OPEC+ không đủ để giữ cho thị trường cân bằng. Do đó, lượng dầu dự trữ ở Mỹ và các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ tiếp tục giảm.

Theo thống kê mới nhất, lượng dầu thô dự trữ tại các kho của Mỹ đã tăng 2,1 triệu thùng vào tuần trước. Nhưng lượng dầu dự trữ tại Cushing, cơ sở giao vận các thùng dầu WTI tại bang Oklahoma đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020.

Trong khi đó, số liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho hay số giàn khoan dầu tại Mỹ đã tăng thêm 7 giàn và lên 387 giàn trong tuần này - cao nhất kể từ tháng 4/2020. Song sự phục hồi trong hoạt động khoan dầu tại Mỹ chỉ ở mức khiêm tốn khi các nhà sản xuất có xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Một báo cáo ngắn mới đây của ngân hàng Bank of America cho hay họ vẫn tin tưởng các động thái của OPEC+ sẽ đẩy giá đi xuống. Ngân hàng này cũng dự báo giá dầu Brent có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào năm tới.

H.Thủy  (TTXVN)