03:08 27/03/2020

Giá dầu thế giới giảm trong phiên 26/3 do nhu cầu ảm đạm

Trong phiên giao dịch ngày 26/3, giá dầu thế giới giảm hơn 1 USD/thùng do các lệnh giới hạn đi lại liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gia tăng đang làm giảm mạnh nhu cầu nhiên liệu toàn cầu, lấn át cả những kỳ vọng rằng gói kích thích 2.000 tỷ USD của Mỹ sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Chú thích ảnh
Đổ xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 18/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Khép phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 1,89 USD, hay 7,7%, xuống còn 22,6 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,05 USD, hay 3,8%, và đóng phiên ở mức 26,34 USD/thùng. Giá cả hai loại dầu này đã giảm khoảng 60% kể từ đầu năm tới nay.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lương Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu của thế giới có thể giảm 20 triệu thùng/ngày, hay 20% tổng cầu, trong bối cảnh 3 tỷ người đang chấp hành các lệnh phải ở trong nhà do dịch COVID-19.

Cú sốc kép từ dịch COVID-19 và sự gia tăng nguồn cung từ Saudi Arabia và Nga sau khi hai nước này không thể đi đến thỏa thuận giới hạn sản lượng đã khuấy đảo các thị trường dầu thô vốn đã mất khoảng một nửa giá trị trong tháng 3. Các công ty dầu khí hàng đầu trên thế giới đã cắt giảm chi tiêu khoảng 20%, trong khi các công ty lọc dầu cũng giảm mức độ hoạt động do nhu cầu ảm đạm.

Giá dầu thô Mỹ yếu hơn hẳn so với giá dầu Brent. Bộ Năng lượng Mỹ đã bỏ kế hoạch mua dầu thô trong nước cho Kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) sau khi nguồn vốn để thực hiện kế hoạch này không nằm trong gói kích thích của chính phủ.

Thượng viện Mỹ ngày 25/3 thông qua gói kích thích trị giá 2.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ các ngành và người lao động Mỹ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua gói thích thích này trong ngày 27/3. Tuy nhiên, việc Thượng viện “bật đèn xanh” cho dự thảo trên dường như không thể xoa dịu những lo ngại của giới đầu tư.

Cùng lúc đó, sự đổ vỡ của thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu khác, đứng đầu là Nga, hay còn gọi là OPEC+, được dự đoán sẽ làm gia tăng nguồn cung dầu. Trong đó, Saudi Arabia dự định sẽ xuất khẩu hơn 10 triệu thùng/ngày từ tháng 5 tới.

Khánh Ly/TTXVN (Theo Reuters)