12:20 02/12/2014

Giá dầu rẻ - Người thắng, kẻ thua - Kỳ cuối

Nhiều chuyên gia nhận định, việc giá dầu giảm như hiện nay tác động tiêu cực không nhỏ đến các nền kinh tế theo mức độ khác nhau.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc giá dầu giảm như hiện nay tác động tiêu cực không nhỏ đến các nền kinh tế theo mức độ khác nhau.

Ở châu Âu, trong khi nỗi lo giảm phát đang bao trùm khu vực này, giá dầu thấp có thể khiến cho thách thức giảm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lên khi họ nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tiêu dùng.

Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới tính toán ngân sách theo giá dầu.


Năm 2013, năng lượng nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) trị giá 500 tỷ USD, trong đó 75% là dầu mỏ. Bởi vậy nếu giá dầu ở mức 85 USD, con số có thể giảm xuống dưới mức 400 tỷ USD, tức EU “ăn ra” hơn 100 tỷ USD.

Nhưng lợi ích này có thể bị triệt tiêu vì giảm phát. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cho rằng 80% nguyên nhân khiến lạm phát của khu vực này ở mức thấp từ năm 2011 đến tháng 9/2014 là do giá dầu và giá thực phẩm giảm.

Nếu chỉ tính riêng ở Anh, ngành công nghiệp dầu mỏ và khí thiên nhiên chiếm khoảng 1% nguồn thu thuế của nước này vào năm 2013 (khoảng 9,8 tỷ USD) với sản lượng 900.000 thùng/ngày.

Anh từ lâu đã phải đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách và thâm hụt này thường được bù đắp phần nào từ các nguồn thu từ năng lượng. Do đó, giá dầu thấp sẽ gây tổn hại nhất định cho tình hình kinh tế của Anh.

Hay ở Na Uy chẳng hạn, năng lượng là một phần quan trọng của nền kinh tế nước này. Trong năm 2012, dầu thô, khí thiên nhiên và các dịch vụ giao thông vận tải đường ống chiếm 52% doanh thu xuất khẩu của đất nước, 23% GDP và 30% nguồn thu của chính phủ.

Tác động lớn nhất của việc giá dầu thấp đối với Na Uy là nó sẽ làm các dự án của nước này ở Biển Bắc bị chậm trễ, nhất là với các dự án dầu đang trong giai đoạn thẩm định, sau khi đã hoàn thành quá trình thăm dò và sẵn sàng đi vào khai thác.

Đối với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, dường như họ đang bị thiệt? Với giá dầu ở mức 115 USD/thùng, Saudi Arabia kiếm được 360 tỷ USD/năm. Khi giá là 85 USD/thùng, nước này chỉ kiếm được 270 tỷ USD/năm.

Hoàng tử Alwaleed bin Talal, một doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn, gọi xu hướng giá dầu giảm là một “thảm họa” và bày tỏ sự ngạc nhiên rằng chính phủ nước này đã không nỗ lực để nâng giá trở lại.

Trong những năm 1980, Saudi Arabia đã cắt giảm khoảng 3/4 dầu xuất khẩu của mình trong một nỗ lực nhằm duy trì mức giá cao. Nhưng nước này đã làm tổn thương chính mình khi mất đi lượng lớn thu nhập và thị trường.

Tuy nhiên, những nước thiệt thòi nhất là các quốc gia như Venezuela, Iran và Nga. Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro mới đây tuyên bố rằng: “Dù giá dầu thấp đến đâu, chính phủ vẫn luôn luôn đảm bảo quyền lợi tối thiểu của nhân dân”.

Tuy nhiên, hồi đầu tháng 10, lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ, dự trữ ngoại hối của Venezuela rơi xuống mức dưới 20 tỷ USD. Giá dầu giảm 1 USD tương đương với kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 450 - 550 triệu USD. Theo tính toán của Ngân hàng Deutsche, giá dầu phải ở mức 120 USD/thùng thì Venezuela mới có đủ tiền cho các kế hoạch chi tiêu.

Không giống như các quốc gia khác, Venezuela còn đối mặt với một vấn đề nữa. Năm ngoái, tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Venezuela lên tới 17% GDP. Phản ứng với tình trạng này, chính phủ Venezuela in thêm tiền, đẩy lạm phát lên cao trên 60%.

Tháng trước, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P vừa hạ bậc xếp hạng nợ của Venezuela xuống còn CCC+. Các nước láng giềng của Venezuela cũng bị ảnh hưởng vì nước này đang thực hiện Chương trình cung cấp tín dụng giá rẻ PetroCaribe cho các nước vùng Caribe để mua dầu của Caracas.

Với Guyana, Haiti, Jamaica và Nicaragua, các nước này đã trì hoãn trả khoảng 4% GDP của họ theo chương trình này. Nhưng nếu Venezuela quyết định chấm dứt PetroCaribe vì thua lỗ, cú sốc sẽ làm chấn động cả vùng Caribe.

Iran thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn so với Venezuela. Nước này cần dầu mỏ ở mức giá 136 USD/thùng để tài trợ cho các kế hoạch chi tiêu. Năm ngoái, Iran chi 100 tỷ USD để thực hiện các chương trình bình ổn giá tiêu dùng (tương đương 25% GDP).

Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa lên nhậm chức năm ngoái và bước đầu đã tạo nên sự ổn định về kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, ông thắng cử nhờ lời hứa sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống. Vẫn chưa rõ liệu giá dầu thấp có buộc Iran phải cải cách mạnh hơn nữa hay sẽ tăng sức ép đối với một thỏa thuận với Mỹ về chương trình hạt nhân của Tehran.

Với Nga, bất kỳ biến động nào của giá dầu đều có tác động mạnh. Doanh thu từ xuất khẩu năng lượng chiếm tới một nửa ngân sách của chính phủ và 1/4 GDP của Nga. Trong các nguồn thu năng lượng, 80% là từ dầu mỏ, khiến cho giá của mặt hàng này có vai trò quan trọng nhất tới sự ổn định tài chính của Nga.

Trước đây, ngân sách của chính phủ năm 2015 được tính với mức giá dầu khoảng trên 100 USD/thùng. Do đó, nội các Nga đang phải thảo luận để sửa đổi dự báo này xuống từ 80 USD đến 90 USD/thùng. Thậm chí, một kịch bản về ngân sách dựa trên mức giá 60 USD/thùng cũng đang được soạn thảo.

Tất cả những sửa đổi sẽ buộc chính phủ hoặc phải thực hiện cắt giảm ngân sách mạnh hoặc chấp nhận tình trạng thâm hụt ngân sách - một điều mà điện Kremlin hiếm khi trải qua.

Trong khi đó, điện Kremlin đang ở vào một thế khó khăn. Với cuộc khủng hoảng ở Ukraine và căng thẳng với phương Tây lên tới đỉnh điểm, Moskva cảm thấy cần tăng cường năng lực quốc phòng, một điều đòi hỏi phải gia tăng chi tiêu ngân sách.

Nếu giá dầu tiếp tục giữ ở mức hiện tại hoặc giảm hơn nữa, sự căng thẳng tài chính ở Nga sẽ còn lớn hơn nhiều. Với giá dầu ở mức 80 - 85USD/thùng, thâm hụt ngân sách của Nga có thể vào khoảng 1% GDP trong năm tới.

Dù giá dầu có lẽ đã chạm đáy, song sự sụt giảm mạnh về giá thời gian gần đây là lời nhắc nhở rằng giá năng lượng có thể tác động đến tình hình kinh tế thế giới. Năng lượng là xương sống của các ngành công nghiệp hiện nay và là mặt hàng xuất khẩu tối quan trọng của các quốc gia có trữ lượng lớn.

Khi nguyên liệu hóa thạch vẫn là nguồn năng lượng chính, ít nhất là trong vài thập kỉ tới, nguồn cung dầu mỏ và giá dầu sẽ vẫn giữ vai trò quan trọng.


Công Thuận