02:09 27/02/2020

Giá dầu mỏ và vàng thế giới tiếp tục giảm

Giá dầu mỏ thế giới ngày 26/2 tiếp tục giảm trong bối cảnh những lo ngại về việc sụt giảm nhu cầu ngày càng lớn tiếp tục gây sức ép lên thị trường.

Chú thích ảnh
Đổ xăng cho phương tiện ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chốt phiên giao dịch trên sàn New York (Mỹ) ngày 26/2, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ WTI giao tháng 4/2020 giảm 1,17 USD xuống 48,73 USD/thùng. Trên sàn giao dịch London ICE Futures, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 1,52 USD xuống 53,43 USD/thùng.

Giới chuyên gia nhận định vẫn tồn tại nhiều quan ngại về các rủi ro liên quan đến dịch bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đối với nhu cầu "vàng đen".

Các báo cáo về dự trữ dầu thô của Mỹ - vốn là một cơ sở phản ánh tình hình nguồn cung ngắn hạn tại nước này - cũng không thể hỗ trợ thị trường.

Báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố cùng ngày cho biết dự trữ dầu thô thương mại của nước này, không bao gồm dầu trong kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược, trong tuần kết thúc ngày 21/2 vừa qua tăng 500.000 thùng so với tuần trước đó.

Cũng theo EIA, sản lượng "vàng đen" của Mỹ tuần qua vẫn ở mức 13 triệu thùng/ngày, tương đương so với tuần trước đó và tăng khoảng 900.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đây là tuần thứ hai sản lượng dầu thô Mỹ duy trì ở mức không đổi sau một tuần tăng trước đó. 
Trong dự báo Triển vọng Năng lượng mới nhất công bố đầu tháng 2 này, EIA dự báo giá dầu Brent Biển Bắc giao ngay sẽ ở mức trung bình 61 USD/thùng trong năm 2020, thấp hơn so với mức 65 USD/thùng trong tháng 1 vừa qua.  

Tương tự diễn biến trên thị trường dầu mỏ, giá vàng trên sàn giao dịch COMEX (Mỹ) tiếp tục nối dài đà sụt giảm trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và thị trường chứng khoán Mỹ dần có những dấu hiệu khởi sắc. Giá vàng giao tháng 4/2020 giảm 6,9 USD xuống 1.643,1 USD/ounce.

Thị trường chứng khoán thế giới biến động trái chiều trong phiên giao dịch cùng ngày, sau khi chứng kiến hai phiên lao dốc mạnh trước đó nhờ xu hướng mua vào cổ phiếu giá hời đã lấn át phần nào mối quan ngại về sự lây lan của dịch COVID-19.

Chốt phiên trên sàn giao dịch Phố Wall của Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,5%, xuống 26.957,59 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 0,4%, xuống 3.116,39 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lại tăng 0,2% và chốt phiên ở mức 8.980,77 điểm.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi trong gần hết phiên giao dịch buổi sáng, song đà tăng đã bị chặn lại sau đó, giữa bối cảnh lo ngại về dịch COVID-19 vẫn gây áp lực lên các nhà đầu tư, dù số ca tử vong vì dịch bệnh này tại Trung Quốc trong 24 giờ qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba tuần.  

Bên kia bờ Đại Tây Dương, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của thị trường châu Âu cũng biến động trái chiều, khi một số nước châu Âu như Áo, Hy Lạp vừa mới phát hiện các trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên. Chốt phiên, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,4%, lên 7.042,47 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp cũng nhích nhẹ 0,1%, lên 5.684,55 điểm, còn chỉ số DAX 30 của Đức lại hạ 0,1%, xuống 1.774,88 điểm.

Minh Tâm  (TTXVN)