06:08 28/06/2016

Giá dầu có thể rơi xuống 35 USD/thùng

Xu hướng đi xuống vẫn tiếp diễn trên thị trường năng lượng thế giới trong phiên ngày 27/6 giữa bối cảnh những lo ngại về sự kiện người dân Vương quốc Anh chọn rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, tiếp tục “khuấy đảo” các thị trường tài chính.

Các bể dự trữ dầu ở đảo Jurong (Singapore). Ảnh: AFP/TTXVN

Cuối phiên này, trên sàn giao dịch hàng hóa NYMEX (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8/2016 giảm 1,31 USD xuống 46,33 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn hạ 1,25 USD xuống 47,16 USD/thùng.

Giới phân tích nhận định, sự kiện Brexit có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm, đặc biệt là ở châu Âu. Sự kiện này cũng đã đẩy đồng USD lên giá so với các đồng tiền khác, qua đó làm giảm nhu cầu dầu cũng như các hàng hóa khác được giao dịch bằng đồng bạc xanh.

Chuyên gia phân tích Tim Evans thuộc Citi Futures dự đoán giá dầu có thể rơi xuống 35 USD/thùng một phần do những dấu hiệu cho thấy hoạt động khai thác dầu tại Nigeria, đang dần quay trở lại.

Vàng duy trì đà tăng giá

Trong phiên giao dịch ngày 27/6, giá vàng thế giới áp sát mức cao nhất trong hơn hai năm qua khi Brexit đã khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang các tài sản an toàn.

Tại thị trường New York, giá vàng giao ngay đã có thời điểm vọt lên 1.335,30 USD/ounce, và đứng ở mức 1.326,26 USD/ounce vào cuối phiên giao dịch, tăng 0,8% so với phiên trước. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 8/2016 tăng 0,2% lên 1.324,70 USD/ounce.

Cửa hàng bán đồ trang sức bằng vàng ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN

Sự kiện Brexit tác động đến thị trường tài chính toàn cầu cũng như ảnh hưởng đến chính sách của ngân hàng Mỹ và EU. Ngoài ra, Brexit còn làm giá trái phiếu tăng và đồng bảng Anh rớt giá mạnh.

Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết, lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng 2% hôm 24/6 lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2013.

Chứng khoán Âu-Mỹ chưa thoát khỏi “bóng đen” Brexit

Chứng khoán Mỹ và châu Âu giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 27/6, tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23/4 tại Anh.

Kết thúc phiên này, tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones, chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất lần lượt 1,5%, 1,8% và 2,4% xuống còn 17.140,24 điểm, 2.000,54 điểm và 4.594,44 điểm. Trong đó, S&P 500 đã để mất đến 974,2 tỷ USD chỉ trong hai phiên giao dịch.

Trong khi đó, ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương đã xuất hiện một đợt bán tháo mới theo sau những diễn biến tiêu cực trên Phố Wall. Chỉ số FTSE 100 của Anh, chỉ số CAC 40 của Pháp và chỉ số DAX 30 của Frankfurt đồng loạt hạ 2,6%, 3% và 3%, chốt phiên ở các mức 5.982,20 điểm, 3.984,72 điểm và 9.268,66 điểm.

Trên các sàn chứng khoán, những lĩnh vực bị giảm điểm nhiều nhất đó là ngân hàng, du lịch và công nghệ. David Levy, phụ trách danh mục đầu tư của hãng tư vấn tài chính Republic Wealth Advisors nhận định tâm lý e ngại rủi ro đang bao trùm các thị trường.

Tại Anh, chỉ số FTSE 100 giảm điểm sau thông tin hai hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Standard & Poor's và Fitch đồng loạt điều chỉnh hạ xếp hạng tín nhiệm của Anh, cùng những quan ngại xung quanh khả năng Scotland có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập “hậu” Brexit.

M.H, QC, Phương Nga (Theo AFP, Reuters)