07:17 26/07/2021

Giá dầu châu Á giảm gần 1 USD/thùng phiên 26/7

Giá dầu châu Á giảm gần 1 USD trong phiên chiều 26/7 trong bối cảnh những lo ngại về nhu cầu nguồn cung đã “lấn át” những đồn đoán về nguồn cung thắt chặt lại từ nay đến cuối năm 2021.

Chú thích ảnh
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào lúc 13 giờ 27 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2021 giảm 95 xu Mỹ (1,3%) xuống 73,15 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 96 xu Mỹ xuống 71,11 USD/thùng. Trước đó, hai hợp đồng dầu chủ chốt này đều giảm hơn 1 USD.

Số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng trong cuối tuần qua, khi một số nước thống báo số ca mắc cao kỷ lục trong một ngày và kéo dài các biện pháp phong tỏa mà có thể làm giảm nhu cầu “vàng đen”. Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng, trong lúc đang phải đối phó với trận lũ lụt lịch sử tại miền Trung nước này.

Ngoài ra, việc Trung Quốc mạnh tay xử lý việc lạm dụng hạn ngạch nhập khẩu, cùng với tác động của giá dầu thô tăng cao có thể dẫn đến hoạt động nhập khẩu dầu của nước này sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập niên trong năm 2021, dù cho tỷ lệ lọc dầu dự kiến tăng trong nửa cuối năm.

Nhà quản lý hàng hóa cấp cao Avtar Sandu thuộc công ty môi giới đầu tư Phillips Futures có trụ sở tại Singapo cho hay giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp chính sách sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và số liệu về dự trữ dầu của Mỹ công bố vào cuối tuần này để định hướng giá.

Nhu cầu dầu tại Mỹ tăng mạnh và đồn đoán về nguồn cung thắt chặt đang hỗ trợ giá, giúp các hợp đồng dầu chủ chốt phục hồi từ mức giảm 7% trong phiên 19/7, và ghi nhận mức tăng đầu tiên trong 2-3 tuần trong tuần trước.

Nhà kinh tế Howie Lee thuộc ngân hàng OCBC của Singapore cho hay hoạt động “săn hàng” giá rẻ diễn ra trong bối cảnh giá dầu Brent rơi xuống dưới mức 70 USD/thùng và nhu cầu năng lượng có vẻ tăng mạnh.

Nguồn cung dầu trên thế giới dự kiến sẽ vẫn thấp bất chấp quyết định tăng sản lượng cho đến hết năm của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.

Triển vọng về sự trở lại thị trường dầu mỏ của Iran cũng đang giảm dần khi các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã bị lùi lại sang tháng 8/2021.

Số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ trở lại hoạt động cũng ở mức khiêm tốn do các nhà sản xuất hạn chế chi tiêu. Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã tăng 7 giàn lên 387 trong tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Minh Hằng/TTXVN (Theo Reuters)