03:11 08/03/2015

Giá dầu ảm đạm, vàng mất giá mạnh

Sau những phiên trồi sụt trong tuần, chủ yếu là đi xuống, giá vàng đã để mất gần 3% trong phiên cuối tuần qua (6/3) trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ vẫn ở mức thấp.

Sau những phiên trồi sụt trong tuần, chủ yếu là đi xuống, giá vàng đã để mất gần 3% trong phiên cuối tuần qua (6/3) trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ vẫn ở mức thấp.

Giá vàng giảm sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo tích cực về thị trường việc làm tháng Hai của Mỹ, qua đó làm dấy lên những nghi ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến, trong khi đồng USD thì tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong 11 năm rưỡi trở lại đây - tất cả đều là những nhân tố khiến ánh lấp lánh của vàng bị lu mờ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters


Theo báo cáo công bố cuối ngày 6/3 của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng Hai, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra được 295.000 việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp trong tháng giảm xuống còn 5,5%, thấp hơn so với mức 5,7% của tháng Một, đồng thời là tháng có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ tháng 5/2008.

Thông tin này khiến thị trường củng cố dự đoán cho rằng Fed sẽ chịu thêm áp lực trong lộ trình nâng lãi suất, đồng thời nâng giá trị của đồng USD, khiến giá cả các hàng hóa được giao dịch bằng đồng bạc xanh như vàng, dầu, trở nên đắt đỏ hơn, nhu cầu giảm đi, dẫn đến các hoạt động bán tháo và đẩy giá dầu, vàng đi xuống.

Đóng cửa phiên cuối tuần 6/3 tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm mạnh 2,6% xuống chốt phiên và chốt tuần ở 1.167,40 USD/ounce, ghi dấu phiên giảm giá thứ năm liên tiếp của vàng.

Phiên cuối tuần 6/3 là phiên sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2013 trên thị trường vàng và tuần qua là tuần giảm mạnh nhất của vàng trong một tháng qua. Giá vàng giao tháng 4/2015 cũng để mất 31,90 USD (2,7%) xuống chốt phiên và chốt tuần ở 1.164,30 USD/ounce,

Theo các nhà phân tích, với triển vọng dự báo nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục mạnh lên thì đà tăng giá của đồng USD cũng sẽ vẫn tiếp diễn và như vậy, sức ép giảm giá lên thị trường vàng vẫn chưa hết.

Tuy nhiên, trên thị trường vàng vật chất, nhu cầu đối với vàng tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai trên thế giới, vẫn được duy trì ở các mức cao. Điều này phần nào hỗ trợ cho giá vàng.

Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua diễn biến khá trồi sụt, với những phiên tăng, giảm xen kẽ và kết tuần bằng một phiên sụt giảm khá mạnh, đẩy giá dầu ngọt nhẹ Mỹ rơi trở lại xuống dưới mốc 50 USD/thùng.

Đẩy giá dầu đi xuống trong phiên cuối tuần 6/3 là báo cáo tích cực của Bộ Lao động Mỹ về thị trường việc làm tháng Hai của nước này. Theo đó, trong tháng Hai, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra được 295.000 việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp trong tháng giảm xuống còn 5,5%, thấp hơn so với mức 5,7% của tháng Một, đồng thời là tháng có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ tháng 5/2008.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters


Thông tin này khiến đồng USD tăng mạnh, giá dầu trở nên đắt đỏ hơn và đẩy giới đầu tư bán tháo dầu, đưa giá dầu ngọt nhẹ Mỹ trở về mức dưới 50 USD/thùng. Cũng trong phiên này, đồng bạc xanh đã có lúc tăng lên mức cao nhất so với đồng euro trong 11 năm rưỡi trở lại đây.

Đóng cửa phiên cuối tuần 6/3 tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4/2015 giảm khá mạnh 1,15 USD xuống chốt phiên và chốt tuần ở 49,61 USD/thùng, trở lại về gần với mức thấp nhất của một tuần trước đó. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 75 xu Mỹ xuống chốt phiên và chốt tuần ở 59,73 USD/thùng.

Trong các phiên trước đó, thị trường dầu mỏ thế giới cũng đã lao đao trước thông tin lượng dầu dự trữ của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 27/2 đã tăng thêm tới 10,3 triệu thùng, lên 444,4 triệu thùng, đánh dấu mức dự trữ hàng tháng cao nhất trong vòng 84 năm qua và là tuần thứ năm liên tiếp liên tục đứng ở mức cao kỷ lục. Điều này cho thấy nỗi lo của nhà đầu tư về nguồn cung dầu dồi dào là có cơ sở.

Nhà đầu tư dường như phớt lờ một thông tin mang tính hỗ trợ cho thị trường dầu mỏ là báo cáo mới nhất của Baker Hughes về tình trạng hoạt động của giàn khoan của các công ty dầu mỏ Mỹ. Theo báo cáo này, trong tuần kết thúc vào ngày 27/2, số giàn khoan dầu đang triển khai đã giảm tuần thứ 13 liên tiếp, với 64 giàn khoan tiếp tục bị đóng cửa (tương đương với tỷ lệ 6,5%).

Trước đây, thông tin này có thể giúp đẩy giá dầu lên, vì điều này cho thấy sản lượng dầu sẽ giảm. Song thời gian gần đây, số giàn khoan ngừng hoạt động đã giảm dần, trong khi lượng dầu dự trữ vẫn tăng, bởi thế tác động của thông tin này đến thị trường không còn nhiều, nhà đầu tư vẫn không ngừng lo ngại về nguồn cung hiện vẫn đang dư dả.

Tuy nhiên, trong tuần qua, thị trường dầu mỏ vẫn được hậu thuẫn bởi một số nhân tố địa chính trị như tình hình bất ổn tại Libya, và Ukraine.

Theo nhận định của một số nhà phân tích, về tổng thể, cán cân cung/cầu trong lĩnh vực dầu mỏ nhiều khả năng vẫn lệch về phía cung trong nửa đầu năm 2015 và vì vậy, giá dầu khó có cơ hội tăng mạnh trong thời gian này.


Thùy Chi (Theo AFP/Reuters)