Nhiều geisha Nhật Bản đã không có việc làm trong nhiều tháng khi nước này ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19.
Các geisha buộc phải làm quen với khẩu trang. Ảnh: Reuters
Ikuko là “đại tỷ” tại quận geisha ở Tokyo. Bà đến thủ đô Nhật Bản vào năm 1964 để tìm kiếm vận may. Đó là năm Tokyo lần đầu tổ chức Thế vận hội Olympic. Trải qua nhiều thập niên, đến năm 2020, dịch COVID-19 thực sự khiến người phụ nữ 80 tuổi lo lắng về sự tồn tại của ngành nghề đã có từ hàng thế kỷ.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết bà Ikuko và đồng nghiệp đã không có việc làm trong nhiều tháng do Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19.
Bà Ikuko chia sẻ: “Từng có trên 400 geisha tại quận Akasaka khi tôi đến. Quá đông nên tôi không thể nhớ tên họ. Nhưng thời gian đã thay đổi”. Giờ chỉ còn 20 geisha và ngành này không còn đủ thu hút giới trẻ đến thực tập.
Mặc dù cố đô Kyoto nổi tiếng về các geisha nhưng Tokyo cũng có tới 6 quận geisha. Cách đây 30 năm, chỉ riêng quận Akasaka có 120 geisha nhưng nay toàn Tokyo chỉ còn khoảng 230 người gắn bó với nghề.
Việc học nghề và mua kimono khá đắt đỏ. Trong khi đó, tiền lương lại dựa trên mức độ nổi tiếng của geisha. Kỹ năng chuyện trò cuốn hút như bà Ikuko chỉ có thể gặt hái được qua thời gian.
Hình ảnh của bà Ikuko khi còn trẻ. Ảnh: Reuters
Các geisha luyện múa. Ảnh: Reuters
Geisha không còn là nghề thu hút giới trẻ Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Các geisha đến một nhà hàng ở Tokyo. Ảnh: Reuters
Bà Ikuko trong lớp trang điểm. Ảnh: Reuters
Nhân viên trang điểm cho các geisha cũng đeo khẩu trang. Ảnh: Reuters
Các geisha chuẩn bị biểu diễn. Ảnh: Reuters
Tóc giả khiến các geisha khó đeo khẩu trang. Ảnh: Reuters
Ngành nghề đã tồn tại nhiều thế kỷ nhưng nay gặp khó khăn nghiêm trọng vì COVID-19. Ảnh: Reuters
Khi dịch COVID-19 ập đến, các geisha phải làm quen với quy tắc mới là không rót rượu, không chạm và bắt tay với khách hàng, ngồi cách xa 2 mét. Các geisha đội tóc giả nên khó đeo khẩu trang và họ gần như họ không sử dụng vật dụng này.
Tuy nhiên, bà Ikuko nói: “Khi phải ngồi cách xa 2 mét, việc nói chuyện gặp nhiều khó khăn”.
Các geisha có thể đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ 1 triệu yên từ Chính phủ Nhật Bản, nhưng bà Ikuko cũng lo sợ dịch COVID-19 có thể khiến một số geisha phải bỏ nghề.
Geisha không phải là nhóm nghệ sĩ truyền thống duy nhất của Nhật Bản gặp khó khăn trong dịch COVID-19. Những người biểu diễn điệu nhảy cổ jiutamai cũng lo lắng dịch bệnh khiến công việc của họ gặp nhiều khó khăn.