09:10 17/09/2020

Gây nuôi và quản lý động vật hoang dã - Bài 1: Thực trạng nuôi thương mại và nuôi bảo tồn

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 70% bệnh truyền nhiễm lây sang người đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã như HIV, Ebola, H5N1, SARS...

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đang hoàng hành hiện nay cũng được truy xét là có nguồn gốc lây nhiễm từ động vật hoang dã. Chính vì vậy, ngày 14/2/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 679 về tăng cường quản lý động vật hoang dã và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép. 

Chú thích ảnh
Chà vá chân xám ở rừng Kon Plông. Ảnh: TTXVN phát

Tiếp đó ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, yêu cầu các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc các giải pháp quản lý động vật hoang dã gây nuôi, tăng cường chỉ đạo các biện pháp giám sát dịch bệnh, vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh động vật hoang dã.                                   

Nuôi thương mại vẫn mang tính tự phát

Nghệ An là địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (trên 1 triệu 600 nghìn ha), nguồn lao động dồi dào, trong đó phần lớn sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hoạt động gây nuôi động vật hoang dã. Khởi điểm từ những năm 80 của thế kỷ trước, cho đến nay một số loài động vật hoang dã được nuôi phổ biến trên địa bàn tỉnh Nghệ An là hươu, hai, nhím, lợn rừng... đã mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể và tạo thêm việc làm cho một phần lao động nhàn rỗi ở vùng nông thôn. Nên trong những năm gần đây, cơ sở chăn nuôi và quy mô chăn nuôi tăng lên đáng kể, dẫn đến số lượng cá thể, số loài gây nuôi gia tăng nhanh chóng.

Theo cơ sở dữ liệu bảo tồn thiên nhiên của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An: Trên địa bàn tỉnh hiện có 13.540 cá thể thuộc 92 loài của 2.357 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã. Trong đó có 53 loài động vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp với 1.448 cá thể được nuôi tại 29 cơ sở (4 tổ chức và 25 hộ gia đình). Còn đa số là các gia đình nuôi động vật hoang dã thông thường như Hươu, Nai, Lợn rừng…(không nằm trong danh mục loài quý, hiếm), đều gây nuôi theo kiểu tự phát, kỹ thuật nuôi nặng về truyền miệng, người nuôi sau học kinh nghiệm của người nuôi trước. 

Tuy vậy, nhờ chăn nuôi những loài vật này ít dịch bệnh, chi phí thấp, sản phẩm thu được tiêu thụ dễ dàng, nên không ít các gia đình vùng nông thôn của Nghệ An có điều kiện về đất nông nghiệp và có chút lưng vốn đều nuôi động vật hoang dã thông thường. Họ coi đó là chuyển dịch cơ cấu vật nuôi từ các động vật truyền thống như lợn, trâu, bò sang các loài có nguồn gốc hoang dã thông thường. Nhất là Hươu, Nai lấy nhung (lộc) và nhân giống.

Đến thăm khu nuôi Nai của gia đình anh Phạm Xuân Bạng ở thôn 6, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu. Anh cho biết trước kia gia đình cũng nuôi lợn nhưng chi phí cao, giá cả bấp bênh nên năm 2016 anh chuyển qua nuôi Nai với 7 con đực và 2 con cái. Mức đầu tư khoảng từ 10 đến 20 triệu đồng/con tùy vào chất lượng con giống (bố mẹ). Sau 1 - 2  năm nuôi, bình quân mỗi con Nai sẽ cho cặp lộc từ 2-3,5 kg tương đương từ 8-10 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt và cắt lộc 2 lần/năm thì giá trị tăng gấp rưỡi. Nai cái tuy thời gian đến kỳ sinh sản dài hơn, nhưng nếu sinh được con đực thì lãi gấp đôi. Đây là mức lãi mà không phải vật nuôi nào cũng đạt được. Bởi vậy thời gian tới anh sẽ phát triển tổng đàn lên 20 con.

Minh chứng cho phong trào nuôi động vật hoang dã thông thường của vùng nông thôn Nghệ An đang lên là ngay cả cựu chiến binh Đỗ Huy Bằng ở xóm 11, xã Quỳnh Tân tuy đã 77 tuổi, có con trai ông nguyên là lính Hải quân đóng ở Nhà giàn ĐK tuy bị ảnh hưởng thần kinh, vẫn hăng hái cùng với bố gây nuôi 6 con Hươu sao và 8 con Lợn rừng.

Ông Bằng hào hứng kể: "Tôi được xã cho đấu thầu 4,1 ha đất lâm nghiệp. Thấy nhiều nhà nuôi Hươu, Nai, Lợn rừng có lãi hơn hẳn nuôi lợn, trâu, bò. Tôi lại có ông anh làm thú y truyền đạt cho cách nuôi và phòng bệnh. Nên tháng 4 năm nay tôi với  con trai mua giống ngay trong xã về nuôi. Nai và Lợn rừng ăn thức ăn thô không phải đun nấu như nuôi lợn nhà mà vẫn chóng lớn".

Tuy tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành xã hội Đại học Vinh, nhưng anh Chu Đức Thành lại lập nghiệp bằng nghề hàn sì cùng nuôi con Dúi và Chồn hương. Với diện tích đất khoảng 200m2 tại xóm 7, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, ngoài nhà ở và nơi hàn sì, anh dành khoảng 80m2 nuôi 120 con Dúi và 5 con Chồn hương. Gây nuôi từ năm 2016 song 2 năm liên tiếp do chưa nắm vững được kỹ thuật nuôi, nên số Dúi và Chồn hương anh mua về chết gần hết vì bị nóng và ánh sáng quá mức, kèm theo thức ăn chưa thật phù hợp.

Nhờ tìm ra nguyên nhân thất bại để sửa sai, anh Thành đã có "bí quyết" chăm nuôi 2 loài này. Nên từ năm 2018 đến nay đàn Dúi và Chồn hương của anh đã sinh sản. Riêng Dúi mỗi năm đẻ bình quân 3-4 lứa, mỗi lứa từ 2-3 con. Hầu hết con giống anh bán nội tỉnh mang lại 100 triệu đồng/năm. Khác với nhiều hộ nuôi động vật hoang dã thông thường, anh Thành đang ấp ủ thuê khoảng 2.000m2 đất ở xã Diễn Lợi để lập trang trại nuôi Dúi và Chồn hương thương phẩm quy mô lớn.

Về nuôi Hươu, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh Nghệ An ước tính có tổng đàn Hươu khoảng 15.000 con, trong đó huyện Quỳnh Lưu 13.000 con, huyện Hoàng Mai trên 1.500 con và huyện Diễn Châu gần 1.000 con.

"Trung tâm lưu trữ, bảo tồn và nhân giống"

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến tháng 9/2020, trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở lớn gây nuôi động vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp gắn với du lịch sinh thái. Đó là Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm tại xóm Đồng Nông, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu; Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn tại xóm 14, xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu. Nhưng quy mô gây nuôi với số lượng và các loài nhiều nhất là Mường Thanh Safari Land, thuộc Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm.

Từ một vùng đồi núi hoang sơ, năm 2014, Tập đoàn Mường Thanh đã đầu tư biến cải 300ha nơi đây thành Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm trở thành một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh Nghệ An. Trong đó "điểm nhấn" là hạng mục Mường Thanh Safari Land - vườn thú hoang dã 35ha-lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ, đang nuôi dưỡng và bảo tồn hơn 1.000 cá thể thuộc 72 loài động vật. Trong đó có nhiều cá thể quý hiếm từ châu Phi, Nam Mỹ, châu Úc như Trăn, Rái cá, Rùa vàng, Kỳ nhông, Đại bàng, Hổ trắng, Tê giác, Linh dương, Linh cẩu, Hươu cao cổ…

Ông Trần Văn Hải-Phó Giám đốc phụ trách chăn nuôi trồng trọt Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm khẳng định: Ngay khi lập Dự án Khu sinh thái này, lãnh đạo Tập đoàn Mường Thành đã định hướng rõ việc hình thành Mường Thanh Safari Land với mục đích sẽ trở thành trung tâm lưu trữ, bảo tồn và nhân giống các loài động vật quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Với không gian rộng rãi, khí hậu trong lành và thiết kế chuồng trại giống điều kiện sống tự nhiên của các loài vật hoang dã. Riêng việc thiết kế chuồng Tinh tinh phải làm đi làm lại 5 lần mới đạt tiêu chuẩn quy định. Cùng với việc chăm sóc, nhân giống và bảo vệ nghiêm ngặt nên số lượng động vật quý, hiếm ở đây không ngừng gia tăng. Tất cả động vật tại vườn thú hầu như đều có khả năng sinh sản và sinh sản tốt, đặc biệt là Hổ, Sư tử, Vượn và Linh dương. Đơn cử là đã nuôi và nhân giống thành công 23 cá thể Hổ trắng châu Phi đặc biệt quý hiếm từ 2 cá thể ban đầu.

Để đưa được những loài động vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp từ nước ngoài về Việt Nam, Tập đoàn Mường Thanh phải dày công hoàn thiện các văn bản pháp lý của quốc tế đến nước xuất bán và các quy định trong nước. Đồng thời, nhằm gây nuôi thành công và phát triển được các loài này, Mường Thanh Safari Land đã liên kết chặt chẽ với Hiệp hội vườn thú Việt Nam và Vườn thú những nước đã bán các loài thú hoang dã cho Tập đoàn. Để được thường xuyên tư vấn về công tác quản lý, phòng chống dịch, chữa bệnh cho từng loài và cả về vấn đề sinh sản của chúng, đội ngũ lao động của Mường Thanh Safari Land có tới 60 người, chưa kể 5 bác sĩ thú y. 

Nói về những hậu quả của dịch COVID-19 gây ra trong thời gian qua, ông Hải cho biết: Với phương châm đầu tư cho Mường Thanh Safari Land không giới hạn. Do đó từ đầu năm đến nay tuy lượng khách đến tham quan, du lịch nghỉ dưõng giảm mạnh, nhưng không lao động nào phải nghỉ việc, không bỏ đói và bỏ rơi con thú nào. Thậm chí lại là cơ hội để Ban lãnh đạo Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm đầu tư nâng cấp các hạng mục cần thiết, mở rộng sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, để có thể đáp ứng được 80% thức ăn cho các loài động vật hoang dã của Mường Thanh Safari Land.

Ông Trần Đại Thắng-Phó trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An nhận xét: Qua theo dõi và kiểm tra định kỳ, kể từ khi đưa các loài động vật hoang dã quý, hiếm đến các loài động vật hoang dã thông thường vào gây nuôi, Vườn thú Mường Thanh Safari Land chỉ nuôi dưỡng, bảo tồn, không mua bán, giết mổ. Ngay cả nhung Hươi, nhung Nai , Vườn thú này cũng không hề thu hoạch mà để phát triển tự nhiên như nó vốn có.

Bài cuối- Còn nhiều bất cập trong quản lý 

Văn Hào (TTXVN)