05:07 08/05/2011

Gấu váy

Ông Sùng Pao ngồi ôm đầu gối bên bếp lửa. Gương mặt ông xương xẩu, nên ánh lửa hắt lên tạo thành những hình khối khắc khổ. Bà Pao đi ra đi vào. Khuya thế này mà con bé Pằng vẫn chưa về.

Ông Sùng Pao ngồi ôm đầu gối bên bếp lửa. Gương mặt ông xương xẩu, nên ánh lửa hắt lên tạo thành những hình khối khắc khổ. Bà Pao đi ra đi vào. Khuya thế này mà con bé Pằng vẫn chưa về.

Gió núi hú từng cơn qua chái nhà lợp proximăng. Đêm vùng cao yên tĩnh. Có chút trăng và chút mây. Trời cao hun hút.

Con Pằng mới mười lăm tuổi. Ngày ngày nó mang thổ cẩm do bà Pao làm ra đi bán trên phố huyện. Thổ cẩm của nhà họ Sùng có những miếng thêu tay dùng để đính vào cánh tay, ven cổ áo và đẹp nhất là dải gấu váy. Những họa tiết hình ngọn rau dớn và cây thông, đường gấp khúc kỷ hà… nhiều màu sắc, nhưng theo gam màu xanh lạnh, hơi trầm và huyền bí. Đó là tất cả những gì trong vốn thêu thùa mà mẹ của bà Pao truyền lại trước khi theo con gà ma đưa lối về tổ tiên. Họa tiết hoa văn của người Mông không chỉ nối tiếp thế hệ do truyền tay, mà còn là bao bài ca, cảm xúc, nỗi niềm theo đường kim mũi chỉ. Mẹ ngồi thêu, con gái tròn xoe mắt ngồi bên và lắng nghe từng lời hát của mẹ. Bài hát làm dâu bao nỗi niềm, bao câu chuyện ngắn gọn mà thú vị. Chuyện trên trời, dưới nước, chuyện ba cõi thiên - địa – nhân, chuyện linh hồn trẻ con nghịch ngợm chơi đùa… Bà Pao cũng đang truyền lại cho con Pằng những vốn quý ấy, nhưng không theo bài bản như giáo án, mà hết sức tự nhiên. Cách truyền khả năng thêu thùa của người Mông là như thế. Không gò ép, không lên lớp như ở trường học, không răn dạy như đài và tivi. Con Pằng cũng sáng dạ, nghe đến đâu nhớ đến đó, nhìn đến đâu bắt chước được gần như thế, thêu một lần chưa đẹp, nhưng thêu đến lần thứ ba là giống mẹ rồi. Cách phối màu, cách bắt sợi chỉ theo ý mình để tạo nên hoa văn… con Pằng đã học tốt, nó như bông hoa vừa he hé, độ tươi xinh chơm chớm mắt trai làng.

Minh họa: Trần thắng

Pằng bỏ học từ hồi lớp năm. Nhà ít người, nên nó phải nghỉ học để giúp “txis, nả” (bố, mẹ) làm ruộng, nương, nuôi lợn, gà. Bà Pao thể chất không được khoẻ, đi vác cây chuối về để băm cho lợn ăn, loạng choạng thế nào mà bị ngã giữa dòng suối, sụn xương sống. May mà khi đưa ra bệnh viện tỉnh, các bác sĩ chạy chữa cho kịp thời, không thì cũng đi về nơi hoa thơm cỏ lạ rồi. Bà ít đi làm hơn, ngồi nhà thêu thùa nhiều hơn. Lâu nay, mọi thứ sáng sủa, khách du lịch đến huyện nhiều hơn và xuống tham quan bản Mông nhiều hơn. Tự nhiên có một chị người Kinh đến xem bà thêu thùa, rồi bảo: “Mang cái này lên phố huyện bán, được nhiều tiền lắm”. Một lối đi của nhà ông bà Pao được mở. Trong khi làm ra đồng tiền từ ruộng nương thật khổ, thì việc chỉ ngồi hiên nhà mà thêu chơi cũng được tiền - là một sự kiện thay đổi cuộc sống gia đình. Ông Pao đảm nhiệm hoàn toàn việc ruộng nương, dành thời gian cho bà Pao và con Pằng thêu thổ cẩm mang đi bán. Con Pằng đành bỏ học hẳn, mặc dù nhiều lần cô giáo bản mang cả đèn dầu và sách vở đến cho nó, vận động nó đến trường. Nó mang thổ cẩm mẹ nó làm ra đi bán ở phố huyện. Mỗi ngày mang về vài chục nghìn đồng, nhà ông bà Pao thoát khỏi cái túng bấn đeo đẳng bao năm. Trước đây mua sắm cái gì là phải lo bán thóc, bán ngô, có khi cả lứa lợn. Nay thì có đồng ra đồng vào.

Đêm dần khuya, con chim ăn đêm bay phần phật qua mái nhà. Ông Pao không chịu được nữa, đứng bật dậy:

- Tôi phải đi tìm con Pằng đây.

Bà Pao vẫn đi ra đi vào từ nãy giờ, đứng lại nói nhỏ, giọng đầy thảng thốt:

- Vâng, ông đi đi, nhớ mang đèn và… dao nhọn nhé ông.

- Ừ, tôi đi đây.

Ông Pao đeo bao dao vào hông, cầm cây đèn pin sạc Trung Quốc sáng như đèn pha ôtô lao ra cổng, lên đường mòn.

Đường ra huyện chập chùng sỏi đá, dốc lên dốc xuống. Mấy lần ông Pao trượt chân, suýt lăn xuống vực. Mọi khi con Pằng về muộn thì bao giờ cũng về cùng mấy đứa trẻ con nhà bà Máy ở quả đồi bên kia suối. Đến ngang nhà bà Máy, ông Pao đứng lại gọi to:

- Bà Máy ơi, con Pằng nhà tôi có ở đấy không?

Tiếng chó sủa râm ran, ông Pao gọi lại lần nữa. Có tiếng trả lời:

- Nó không về cùng con nhà tôi đâu ông ạ.

Chột dạ, ông Pao cắm đầu lao về phía trước. Có điều gì thúc giữa ngực ông, hết sức bất thường.

Phố huyện đã hiện ra xa xa trước mắt. Mọi ngày chỉ cuốc bộ nửa giờ đồng hồ. Tối nay ông Pao đi nhanh lắm. Đã đến dãy phố đầu tiên xuôi theo hướng về bản Mông. Ánh đèn điện sáng lù mù vì sương đêm đã buông. Ở phố, nhà nào cũng giành mặt nhà hướng ra đường để bán hàng hoá. Cả dãy phố là cả dãy cửa hàng san sát, đủ thứ vật dụng, kẹo bánh, quần áo lộn xộn, có cả vài cửa hàng mới mở bán đồ lưu niệm và thổ cẩm của đồng bào thiểu số làm bằng tay cho khách Tây mua. Người Tây họ chỉ thích thổ cẩm làm bằng tay, nghe con Pằng nói thì là “hen c-ráp” (hand craft) dịch nghĩa theo kiểu Hán là “thủ công”, còn hàng may công nghiệp thì họ không bao giờ đả động đến. Nhìn xa xa như dáng con Pằng, ông Pao chạy đến, hoá ra không phải. Ông đi tiếp về phía công viên giữa thị trấn, hình như trong bóng cây sa mu tôi tối góc công viên kia có người. Hai đứa trai gái đang ôm nhau, thì thầm nhỏ to. Ông đến soi đèn vào, không phải con ông.

Đến giữa thị trấn, người dạo phố vẫn còn đông, tiếng nhạc ông ổng từ nhà nào đó hát toàn bài giống nhau, nghe ngang ngang. Bài nào cũng có câu “đau đớn, tan vỡ”. Ông nhổ toẹt, rồi đưa mắt nhìn khắp nơi.

Hình như bóng con Pằng ở trong cái cửa hàng kia, đó là cửa hàng đề chữ “HAND CRAFT” đầu tiên gần công viên trung tâm. Ông đến gần. Đúng con Pằng rồi.

Con Pằng đang cãi nhau với một đứa con gái tầm ba mươi tuổi, to ục ịch, mặt dầy, có vẻ là chủ quán. Cãi nhau găng lắm. Mặt cả hai đứa đỏ gay. Ông Pao đã nhìn thấy con, nên chưa vào vội. Ông yên tâm đứng nghe xem chúng nó nói gì.

Tiếng con Pằng:

- Chị đã đặt mua thì chị phải trả đủ tiền chứ. Tôi giao hàng đủ mà. Toàn bộ là dải hoa văn gấu váy, đẹp nhất đấy.

Tiếng người kia:

- Tôi trả ba mươi, sao cô cứ đòi năm mươi.

Con Pằng:

- Trước đây tôi chưa biết giá, của nhà tôi làm ra bán bao nhiêu chả được, tôi mới lấy ba chục. Bây giờ biết các người bán mấy trăm, ăn lãi nhiều thế, phải trả cho tôi nhiều hơn một tí chứ. Khi tôi giao hàng cũng nói là năm mươi rồi. Chị bảo cứ đi bán hàng đi, tối về trả tiền, thế sao bây giờ không trả?

- Con này cãi ngang nhỉ. Ba mươi là ba mươi, chỉ trả tiền, không trả hàng.

- Tại sao không trả hàng cho tôi?

- Vì bán hết rồi, lấy đâu ra mà trả. - Người chủ hàng đổi giọng xoa dịu, cười nhăn nhở - Thôi, lấy tiền nhá, vẫn ba mươi thôi, tháng sau chị nâng giá lên cho em.

Con Pằng tức tưởi:

- Cả nhà bố mẹ tôi trông chờ vào tiền bán thổ cẩm này, chị làm thế không sợ là làm điều xấu hay sao.

Người chủ hàng quắc mắt:

- Cầm lấy tiền rồi biến. Sắp đóng cửa rồi.

Ông Pao điên tiết, tay cầm chặt cứng cái chuôi dao đến nóng bỏng. Ông muốn lao vào băm kẻ bán hàng lá mặt lá trái một nhát cho bõ ghét, nhưng ông vẫn kiềm chế. Thôi, chịu thiệt cũng không sao. Từ nay bán cho người buôn khác đàng hoàng hơn. Nghĩ vậy, ông gọi to:

- Về thôi con ơi, Pằng ơi!

Con Pằng quay ra nhìn thấy bố. Nó òa khóc to, rồi cầm nắm tiền do người chủ cửa hàng đưa, không thèm đếm lại, chạy ra phía bố.

Ông Pao vòng tay ôm lấy vai con gái:

- Thôi, bố biết hết rồi. Không sao con ạ. Về thôi không mẹ mong đỏ hết mắt.

Con Pằng không khóc nữa, nó nép mình vào nách ông Pao. Hai bố con đi về phía cuối phố, bước chân mỗi ngày một nhanh để mau về nhà, chắc chắn bà Pao đang có cảm giác lửa cháy trong ruột.

Ra khỏi phố, trời đã nhiều sao hơn. Ánh sáng từ bầu trời trong veo rọi xuống, ông Pao không cần phải bật đèn. Ngoái lại, ánh sáng của khu phố vẫn vàng nhạt lù mù, không thoát được làn sương mỏng từ núi rừng hoang sơ phủ xuống.

Mã Anh Lâm