12:10 25/12/2014

“Gấu” Nga không dễ khuất phục

Việc Mỹ và Liên minh châu Âu đồng loạt áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga và bán đảo Crimea trong tuần qua được xem là cú ra đòn nhằm hạ nốc ao nền kinh tế Nga vốn đang chao đảo sau sự kiện đồng Ruble và giá dầu mỏ tuột dốc.

Việc Mỹ và Liên minh châu Âu đồng loạt áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga và bán đảo Crimea trong tuần qua được xem là cú ra đòn nhằm hạ nốc ao nền kinh tế Nga vốn đang chao đảo sau sự kiện đồng Ruble và giá dầu mỏ tuột dốc. Mỹ và phương Tây cho rằng các đòn kinh tế mới này có thể sớm khuất phục được nước Nga và Tổng thống Vladimia Putin. Tuy nhiên, triệt hạ “gấu” Nga đồng nghĩa với việc phương Tây đang tự bắn vào chân mình.

Cú ra đòn nhằm hạ nốc ao

Ngày 18/12 vừa qua, EU đã thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với bán đảo Crimea. Theo đó, việc đầu tư vào Crimea và Sevastopol bị cấm hoàn toàn. Cá nhân và doanh nghiệp ở châu Âu không thể mua tài sản cố định hoặc các công ty tại Crimea, cũng như không thể cung cấp các dịch vụ liên quan. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ B.Obama cũng ký Đạo luật số 5859 về "Luật về hỗ trợ nền tự do của Ukraina 2014", trong đó bao gồm các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, cũng như cấm tuyệt đối công dân và doanh nghiệp đầu tư vào Crimea.

Kinh tế Nga đang ở giai đoạn lao đao.



Thực tế, từ nhiều tháng qua Mỹ và phương Tây đã tìm mọi cách bóp nghẹt Nga về kinh tế, tài chính để trừng phạt thái độ cứng rắn của chính quyền Putin trong các cuộc can thiệp vào Ukraine. Trong 4 tháng gần đây, giá trị đồng ruble đã giảm hơn 50% và chỉ riêng trong ngày 16/12 - ngày mà người dân Nga gọi là "Thứ ba đen tối", đồng ruble giảm 10% giá trị so với đồng USD, khiến thị trường Nga chao đảo.

Từ khi Mỹ và phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt Nga vào tháng 7 vừa qua chủ yếu nhằm vào ngành năng lượng, ngân hàng và quốc phòng, Nga không nhận được sự tài trợ quốc tế quan trọng nào, ngay cả từ phía các ngân hàng của Trung Quốc, bởi toàn thế giới đều sợ bị các nhà điều hành tài chính Mỹ trừng phạt. Nga đang bị bóp nghẹt về tài chính do nguồn tín dụng bị cắt. Theo tính toán của các nhà kinh tế phương Tây, với nguồn dự trữ tiền mặt bằng ngoại tệ hiện có khoảng 400 tỷ USD, nhưng nợ nước ngoài 600 tỷ USD, Nga có thể bị sụp đổ hoàn toàn trong hai năm tới. Kinh tế Nga có được nguồn thu rất lớn từ dầu mỏ và khí đốt (chiếm hơn một nửa nguồn thu quốc gia) nhưng việc giá dầu giảm thảm hại như hiện nay, ngoài nhiều nhân tố kinh tế thế giới, còn có lý do là Mỹ và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong đó đặc biệt là Saudi Arabia, bắt tay hòng làm "gấu Nga" sớm kiệt sức.

Phương Tây chớ vội ăn mừng

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm lớn nếu nghĩ rằng kinh tế Nga sẽ sụp đổ. Nước Nga ngày nay không phải là Liên Xô trước đây, vốn có ít quan hệ với kinh tế thế giới. Nước Nga giờ đây cũng không phải là nền kinh tế đang phải vật lộn với cải cách trong thập niên 1990. Đây là nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới và đã hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu. Nếu Nga rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài thì không chỉ Nga mà các nước khác trên thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả. Khu vực phải chịu tác động đầu tiên là Liên minh châu Âu (EU), với một số nước thành viên đang có quan hệ thương mại sâu rộng với Nga.

Sự sụp đổ về kinh tế của Ukraine đã khiến châu Âu phải lo lắng. Tuy nhiên, sự sụp đổ này không thấm tháp gì so với sự sụp đổ của Nga nếu nó xảy ra. Trong thời buổi quan hệ đan xen chặt chẽ như hiện nay, với đầy rẫy rủi ro trên quy mô toàn cầu, việc "để mất" nước Nga chẳng khác gì hành động tự bắn vào chân mình, thậm chí vào đầu mình.

Thiên tài về chiến lược của ông Putin đang bị lu mờ trước những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế do các biện pháp trừng phạt của phương Tây và do giá dầu giảm sâu. Tuy nhiên, đây không đơn thuần là một cơn ác mộng về kinh tế khiến nhiều người quan ngại. Điều đáng quan ngại hơn là hậu quả về chính trị. Một số nhân vật ở phương Tây mừng thầm rằng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Nga sẽ dẫn đến sự sụp đổ của ông Putin, có thể thông qua một cuộc đảo chính.

Tuy nhiên, đó là một giấc mơ viển vông. Cuộc khủng hoảng năm 1998 đã dẫn tới sự nổi lên một cách ngoạn mục của ông Putin (khi người Nga hoan nghênh các biện pháp "cứng rắn" nhằm khôi phục sự ổn định), vì thế, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay có khả năng sẽ mang đến một "Putin" mới, người có thể sẽ tìm cách áp đặt trật tự trong nước thông qua các biện pháp hà khắc và tiến hành các cuộc phiêu lưu quân sự ở ngoài nước.

Hãy luôn nhớ rằng nước Nga đang có một quân đội mạnh bậc nhất thế giới và một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Nguy cơ xảy ra hỗn loạn về chính trị hay một cuộc đảo chính làm nổi lên một nhân vật có thể còn tồi tệ hơn ông Putin là một trong những vấn đề mà cộng đồng quốc tế không thể xem nhẹ.

Những gì xảy ra ở Crimea là khủng khiếp. Những gì xảy ra ở Ukraine là một thảm họa. Và những gì đang xảy ra ở Nga hiện nay là một mối đe dọa đối với trật tự thế giới. Mức độ rủi ro từ những diễn biến này đã vượt quá ngưỡng nguy hiểm mà cộng đồng quốc tế có thể chấp nhận. Thời gian càng chứng minh sức sống mạnh liệt và lòng yêu nước của người dân Nga và không ai khác chính châu Âu cũng đang gánh chịu thiệt hại về kinh tế, bước đầu đã có gần 70 tỷ Euro bị thiệt hại vì hàng hóa không được bán vào Nga và các dự án làm ăn tại nước này bị đình đốn, hàng ngàn công nhân sẽ mất việc làm, nhiều công xưởng sẽ lâm vào tình trạng bị phá sản. Nhiều tập đoàn lớn như Ford, Volkswagen, Carlsberg, Adidas, ExxonMobil, Total, McDonald's, Danone, Siemens và nhiều ngân hàng của châu Âu cũng thiệt hại nặng nề do cuộc chiến trừng phạt giữa phương Tây và Nga. Nếu nhìn một cách tổng quát, toàn diện để đưa ra những nhận định sáng suốt thì cả hai phía đều thiệt hại đau đớn. Giờ đã đến lúc "gấu" Nga không còn gì để mất, nó sẽ bảo vệ hũ ong mật của nó và sẵn sàng vả những cái tát trời giáng lên kẻ nào định cướp đi của nó.

"Ăn mừng chiến thắng" không phải là hành động khôn ngoan tại bước ngoặt quan trọng hiện nay. "Giải cứu" cho ông Putin có thể là một việc làm khác thường. Nhưng trước những bước ngoặt thường đòi hỏi các quyết định khác thường về chính sách. Cần phải nhìn xa trông rộng để giữ được đại cục. Phương Tây đang tạm thời chiến thắng nhưng cũng phải hành động ngay để đảm bảo chiến thắng này không đi vào lịch sử như một "chiến thắng trong thất bại".

Thanh Bình