03:22 24/03/2015

Gặp người chỉ huy xe tăng 846

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Hòa, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2, là chỉ huy xe tăng 846, 1 trong những chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến vào Sài Gòn.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Hòa (Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2) đã có mặt tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ông là chỉ huy xe tăng 846, một trong những chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến vào Sài Gòn. Đây cũng là chiếc xe tăng trong bức ảnh nổi tiếng “Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975” của tác giả Trần Mai Hưởng (Thông tấn xã Việt Nam).

Khai màn chiến dịch

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại đội 5 đánh căn cứ Nước Trong, cửa ngõ của Sài Gòn. 5 giờ chiều ngày 26/4, xe tăng 846 nổ phát súng đầu tiên khai màn chiến dịch. Địch chống cự ác liệt hai ngày đêm, căn cứ rền vang tiếng súng. Trận đánh kéo dài đến ngày 29/4 mới kết thúc.

“Đại đội 5 có 6 xe thì bị địch bắn cháy mất 3 xe, nên sáng hôm sau được bổ sung thêm một xe nữa là xe 380 của đại đội 4. Sáng 28/4, xe 846 bị hết đạn nên báo lại Sở chỉ huy và được bổ sung thêm đạn, sau đó tất cả 4 xe đều quay về. Sáng ngày 29/4 thì bổ sung một đại đội nữa, gồm có 4 xe của đồng chí Bùi Quang Thận”, ông Hòa kể.

Ông Nguyễn Quang Hòa (cầm bức ảnh) và các chiến sĩ trên chiếc xe tăng 846 cùng các phóng viên TTXVN và báo Quân đội Nhân dân gặp mặt sau 40 năm.


Đến trưa ngày 29/4 thì giải quyết xong căn cứ Nước Trong, quân ta bắn cháy hai xe tăng M48, một xe M41, hai xe thiết giáp của địch. Sau đó đội hình tiến ra đường 15, đến cầu Long Bình. Nhưng đến đoạn cầu Bông thì địch phá cầu, phải chờ công binh khắc phục.

Đến 12 giờ đêm ngày 29/4 thì khắc phục xong cầu. Khi ấy, đồng chí Bùi Tùng là chính ủy, đồng chí Tài là Lữ đoàn trưởng 203, gọi ông Hòa và Bùi Quang Thận hội ý và yêu cầu đại đội 4 và đại đội 5 sáp nhập làm một để tiện chỉ huy. “Tôi là chỉ huy xe 846 và là đại đội phó, đồng chí Thận là đại đội trưởng, kiêm trưởng xe 843. Như vậy đội hình tăng tiến vào Sài Gòn có 7 xe, xe 846 đi đầu”, ông Hòa kể.

Ngay sau đó, đồng chí Thận giao nhiệm vụ cho ông Hòa điều 3 xe của đại đội 5 lên ngã ba Long Bình trước. Lúc này, pháo địch dập rất mạnh ở khu vực này, đội hình tăng cứ nổ máy tiến lùi để tránh đạn, đến gần sáng thì pháo không bắn nữa. Khoảng 6 giờ sáng 30/4, được lệnh của Lữ đoàn, đội hình tăng của đại đội 5 vượt cầu Long Bình trên xa lộ Biên Hòa tiến vào Sài Gòn.

Khi đến chân cầu Sài Gòn thì gặp đội hình của tiểu đoàn 1 đi trước, có một xe bị sa lầy nên đại đội dừng lại ở đó. Một lúc sau, có hai máy bay địch lượn mấy vòng rồi ném bom phá cầu nhưng không phá được, bom thả hết xuống sông. Đồng thời ở ngoài sông xuất hiện một chiếc tàu. Xe tăng ta quay pháo bắn nhưng do khoảng cách khá xa nên không bắn trúng.

Khoảng hơn 10 giờ sáng 30/4, được lệnh của Lữ đoàn vượt cầu Sài Gòn thì xe tăng 846 hết dầu. Lúc ấy, đội hình tăng do đồng chí Bùi Quang Thận chỉ huy cũng tới nơi. Từ phía sau, xe 843 của đồng chí Bùi Quang Thận đi lên. “Lúc ấy, tôi nói: Báo cáo anh, xe tôi hết dầu, đề nghị anh cấp thêm dầu để xe tiếp tục nổ máy. - Bây giờ không giải quyết, đại đội tự đi tìm lấy. Tôi cử hai đồng chí là lái xe và pháo thủ số 2 xách thùng 20 lít đi xin dầu của các xe bạn. Xin được 2 - 3 thùng đổ vào. Lúc đó có lệnh xung phong, chúng tôi cùng với đội hình vượt qua cầu”, ông Hòa kể tiếp.

Tiến vào Dinh Độc Lập

“Trên đường tiến vào Sài Gòn vẫn có những đợt quân địch chặn ta lại. Nhưng sau khi giải quyết xong căn cứ Nước Trong, tinh thần anh em rất phấn khởi, tin tưởng. Khi vượt qua cầu Sài Gòn, không riêng gì tôi mà cả 3 chiến sĩ trên xe tăng đều cảm thấy hồi hộp xúc động. Chiến tranh ác liệt như thế mà bây giờ mình đã vào đến cửa ngõ Sài Gòn rồi.

Khi vào đến cửa ngõ Sài Gòn, tôi động viên anh em phải bình tĩnh, quan sát để khi có địch thì tiêu diệt được ngay. Lúc này khí thế của anh em rất phấn khởi, không một chút do dự vì nghĩ rằng chiến tranh sắp kết thúc, chúng ta nhất định giành được thắng lợi”.

Ông Nguyễn Quang Hòa nhập ngũ năm 1970, khi đang là sinh viên của Đại học Lâm nghiệp năm thứ nhất. Khi vào quân đội, ông ở Sư đoàn 325 bộ binh, tháng 10/1970 thì chuyển sang tăng thiết giáp.

Năm 1972, bắt đầu hành quân vào Nam chiến đấu theo đội hình độc lập và thọc sâu. Khi vào Thừa Thiên - Huế thì đóng quân ở đấy, cho đến năm 1974 tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.


Với khí thế đầy hứng khởi của chiến thắng đang tới gần, đội hình xe tăng cứ thế thẳng tiến về hướng Dinh Độc Lập. Trên đường vào thấy người dân rất phấn khởi, kéo ra hết ngoài đường vẫy chào xe tăng của quân giải phóng.

“Khi vào trong Dinh Độc Lập, anh em vẫn được lệnh trong tư thế sẵn sàng chiến đấu nếu như địch phản ứng lại. Khoảng 4 giờ chiều 30/4 chúng tôi được lệnh rút ra tập kết ở Tổng kho Long Bình. Lúc đó, đại đội 5 tách 3 xe về tiểu đoàn và không có lúc nào quay lại”, ông Hòa vẫn trong dòng hồi tưởng.

- Còn bức ảnh “Xe tăng chiếm Dinh Độc lập ngày 30/4/1975, bác có biết chiếc xe tăng do mình chỉ huy là xe tăng trong bức ảnh nổi tiếng không?

- Tôi biết đến bức ảnh “Xe tăng chiếm Dinh Độc Lập” từ năm 1980, khi còn đang tại ngũ do một đồng chí tặng. Lúc đó tôi chưa nhận ra đó là bức ảnh chụp chiếc xe tăng của mình, chỉ ngờ ngợ thôi vì thấy có số đuôi 6 trên xe. Sau đó, tôi dán ảnh này vào cái vali bằng gỗ, một thời gian sau bị gián nhấm hết. Sau này, khi đồng chí pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ vào Sài Gòn chơi, có đến Dinh Độc Lập. Khi nhìn thấy bức ảnh thì gọi cho tôi, nói: Đúng xe của mình rồi anh ạ. Tứ đã chụp lại bức ảnh và tặng tôi.

Kể từ đó, tấm ảnh của chiếc xe tăng 846 đã luôn được treo trang trọng nơi phòng khách, cùng với những tấm ảnh ông chụp trong các dịp kỷ niệm cùng với đồng đội cũng như gia đình mình.


Bài và ảnh: Xuân Phong

Kỳ tới: Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động Sài Gòn “luồn sâu, đánh hiểm”