11:15 08/11/2017

Gặp mặt các đại biểu Quốc hội khóa XIV là chức sắc tôn giáo

Ngày 8/11, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức gặp mặt các đại biểu Quốc hội khóa XIV là chức sắc tôn giáo. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chủ trì buổi gặp mặt.

Tại buổi gặp mặt, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà đã thông tin một số nội dung chính của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 và việc triển khai Luật này trong thời gian tới. Theo ông Bùi Thanh Hà, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là luật đầu tiên về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Để luật đi vào cuộc sống, ngay sau khi dự án luật được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã xác định rõ mục đích, nội dung triển khai, tổ chức quán triệt, tập huấn, tuyên truyền phổ biến nội dung của luật tới các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tổ chức, nhân dân.

Ban Tôn giáo Chính phủ cũng rà soát các văn bản pháp luật hiện hành, ban hành mới các văn bản có liên quan, tham mưu cho Chính phủ xây dựng các văn bản quy định chi tiết về một số điều quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Phát biểu tại buổi gặp mặt, các chức sắc tôn giáo đánh giá cao việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho rằng Việt Nam là đất nước đa tôn giáo, sự hiện diện của tôn giáo trong đời sống xã hội, trong cộng đồng dân tộc rất quan trọng, cần hệ thống pháp luật chặt chẽ, tôn giáo dựa vào đó để hoạt động.

Các đại biểu bày tỏ vui mừng về dự buổi gặp mặt thường niên, được trao đổi các ý kiến, quan điểm và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm để các tôn giáo ngày càng phát triển tốt.

Cảm ơn các chức sắc tôn giáo, đại diện các ban, ngành đến dự cuộc gặp mặt, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao quá trình chuẩn bị và ban hành Luật, trong đó có việc lấy ý kiến rộng rãi, chuẩn bị hướng dẫn thi hành luật… 

Trước băn khoăn của các tổ chức tôn giáo về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, bà Trương Thị Mai cho rằng đây là lần đầu tiên có nghị định liên quan đến vấn đề này, dựa trên Luật Xử lý vi phạm hành chính, vì vậy cần có quá trình vận động và cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng, lùi thời điểm thực hiện nghị định trong 6 tháng.

Bà Mai đề nghị Ban Tôn giáo Chính nghiên cứu và Mặt trận Tổ quốc có kênh phối hợp tham gia để nghị định khi đi vào thực hiện nhận được sự đồng tình ủng hộ và có sức thuyết phục. Bà Trương Thị Mai cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ để Luật đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu hợp pháp, chính đáng của các chức sắc, tín đồ…

Để luật đi vào cuộc sống tốt nhất, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền vận động cũng như vai trò quan trọng của các chức sắc tham dự buổi gặp mặt - những vị đạo cao, đức trọng, là người đại diện tiêu biểu, là cầu nối của chức sắc với đại biểu Quốc hội, cử tri, tín đồ.

Theo Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực sẽ thúc đẩy tôn giáo phát triển, các luật chuyên ngành có liên quan đến Luật Tín ngưỡng tôn giáo phải được xem xét, sửa đổi đồng bộ. Bà Mai cũng đề nghị các cơ quan liên quan tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ của cán bộ làm công tác tôn giáo; tập huấn cho các chức sắc để thực thi pháp luật một cách tốt nhất. Các vị chức sắc là đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát.

Khẳng định sự đóng góp của các chức sắc tôn giáo là rất quan trọng, bà Trương Thị Mai đề nghị 4 cơ quan gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ban Tôn giáo Chính phủ cùng tổ chức gặp mặt với các chức sắc tôn giáo.

Chu Thanh Vân (TTXVN)