11:09 01/11/2012

Gặp “khó” vì không có mặt bằng

Mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải nhưng dự án Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Thậm chí Ban quản lý dự án 2, đã đề xuất thay tới 21 nhà thầu phụ nhưng vẫn chưa đủ để giải quyết những bất cập này.

Mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải nhưng dự án Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Thậm chí Ban quản lý dự án 2 (QLDA 2), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề xuất thay tới 21 nhà thầu phụ nhưng vẫn chưa đủ để giải quyết những bất cập ở dự án giao thông được coi là trọng điểm này.

 

Nhà thầu “bó tay”


Theo Ban QLDA 2 (Bộ GTVT) - đơn vị được giao làm đại diện chủ đầu tư, một số gói thầu trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (QL3 mới), đang bị chậm tiến độ khoảng 7 tháng. Tính đến thời điểm hiện nay, giá trị sản lượng của cả 4 gói thầu xây lắp mới đạt 1.610 tỷ đồng. Giá trị giải ngân (gồm cả tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành) đạt 2.350 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban QLDA 2 đã thành lập riêng một tổ điều hành do lãnh đạo ban trực tiếp phụ trách thường trực 24/24h trên công trường để chỉ đạo, giám sát tiến độ.


Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó phòng điều hành dự án (PID5, Ban QLDA 2) cho biết, đến nay các địa phương đã bàn giao 58,523 km/61,313 km mặt bằng, còn lại gần 2,8 km chưa bàn giao. Hầu hết, mặt bằng tuyến đường bị vướng mắc ở các điểm giao cắt tại các huyện thuộc địa bàn Hà Nội. Dự án đường cao tốc quốc lộ 3 đi qua địa bàn Hà Nội được chia làm 3 gói thầu PK1A, PK1B, PK1C có chiều dài 26 km với thời gian thi công toàn tuyến là 42 tháng thì có tới 3 khu vực có 5 điểm cắt ngang chưa thể giải phóng mặt bằng.


Gói thầu PK1A dài 7 km từ Gia Lâm - Đông Anh tại thôn 1 xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) đã 32 tháng vẫn chưa có mặt bằng sạch. Tại gói thầu này do Tổng công ty Xây dựng Thăng Long thực hiện vẫn có tới 16 điểm “xôi đỗ”. Có điểm chỉ dài khoảng 200 m nhưng đã hơn một năm nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn “dậm chân tại chỗ”. Ông Hà cho biết, công tác GPMB của các địa phương vẫn chưa được thực hiện tích cực, công tác đền bù, đầu tư xây dựng các khu tái định cư không kịp thời đã dẫn tới các nhà thầu không được bàn giao mặt bằng "sạch".


Tương tự, Đại tá Trần Văn Tiến, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án PK1B đoạn Đông Anh - Yên Phong thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, cả gói thầu dài hơn 10,8 km thì còn khoảng 500 m cần phải xử lý đất yếu thuộc địa phận xã Dục Tú (Đông Anh). Tuy nhiên, đoạn đường này vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng do dân chưa đồng tình với giá đền bù. Tại gói thầu này, công trình cầu vượt đường ngang số 1 xã Vân Hà (Đông Anh) chỉ làm được vài ba trụ cầu và đắp chiếu hoàn toàn trong thời gian hai năm qua vì vướng đường điện 110KV, mặc dù từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp cùng thành phố Hà Nội chỉ đạo di dời công trình phục vụ cho công tác thi công dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.


Còn tại gói thầu PK2 (dài 34 km) từ tỉnh Thái Nguyên về huyện Sóc Sơn - Hà Nội, theo Đại tá Nguyễn Viết Đoan, Giám đốc Ban điều hành dự án của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, đơn vị chỉ đảm nhiệm hơn 5,3 km và mố cầu Phù Lôi thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn, nhưng vẫn còn 4 khu dân cư chưa chịu bàn giao mặt bằng do chính quyền địa phương vẫn chưa đầu tư hạ tầng cho khu tái định cư nên người dân vẫn “cố thủ” ở đất của mình. Đại tá Đoan cho biết, cầu Phù Lôi ở gói thầu này có tới 180 m có nền đất yếu phải xử lý và thời gian khoảng 200 ngày nhưng đến nay nhà thầu vẫn chưa thể triển khai thi công vì không có mặt bằng. “Thời gian xử lý nền đất yếu không thể tùy tiện hay rút ngắn. Nhà thầu vẫn đang chờ đợi từng ngày để có mặt bằng thi công…”, Đại tá Đoan sốt ruột.

 

Có mặt bằng, các nhà thầu sẽ “về đích” đúng kế hoạch


Để “thúc” tiến độ dự án, mới đây, Ban QLDA 2 đã báo cáo Bộ GTVT về việc thay thế 21 nhà thầu thuộc dự án. Tuy nhiên theo ông Mặc Văn Nghiệp, Phó phòng điều hành dự án 5 (PID5, Ban QLDA 2, Bộ GTVT), mấu chốt của vấn đề là các nhà thầu phải có mặt bằng để thi công.


Thực tế cho thấy, với các gói thầu trên tuyến Thái Nguyên - Sóc Sơn, công tác GPMB được thực hiện tương đối tốt do sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh Thái Nguyên và các cấp địa phương. Hiện nay, cơ bản mặt bằng của dự án đã được bàn giao cho các nhà thầu. Theo ông Nghiệp, nếu thời tiết thuận lợi và các nhà thầu tích cực hơn nữa thì chắc chắn Dự án đường cao tốc quốc lộ 3 gói PK2 sẽ “về đích” đúng kế hoạch.


Ông Hidefumi Ezawa, Giám đốc Tư vấn dự án quốc lộ 3 cũng cho biết thêm: Tiến độ chậm một phần do các nhà thầu chưa làm hết sức, chưa tăng ca, ngày làm nhưng thời gian lại không lấp đầy. Tuy nhiên, theo ông Hidefumi Ezawa, với mặt bằng trên tuyến này đã được bàn giao như hiện nay thì dự án chắc chắn sẽ đạt tiến độ.


Đồng quan điểm, ông Nghiệp cho rằng: “Mặc dù tiến độ dự án so với ban đầu chậm đôi chút nhưng liên danh các nhà thầu sẽ cam kết thông tuyến Thái Nguyên - cầu Phù Lôi (Sóc Sơn) vào tháng 6/2013”.


Hồng Ninh