04:05 20/04/2020

Gặp gỡ ở Xuân Lộc

LTS: Những ngày chiến sự ác liệt cách đây 45 năm ở Xuân Lộc - phòng tuyến cuối cùng của địch để bảo vệ Sài Gòn, đến bây giờ vẫn luôn ghi dấu đậm nét trong chuỗi ký ức của nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN. Ở đó, mối "lương duyên" giữa TTXVN với Sư đoàn 304 ngày càng trở nên khăng khít.

Chú thích ảnh
Phiên làm việc cuối cùng của tổ phóng viên mũi nhọn của TTXVN với Tồng xã ở Hà Nội trước khi tiến vào Sài Gòn. Ảnh: Đinh Quang Thành 

Chúng tôi mải miết đi tiếp vào phía Nam. Chiến trường đang ở một giai đoạn bước ngoặt. Chiến thắng cuối cùng đang đến từng ngày. Trên quốc lộ 1, các lực lượng tăng cường vẫn tiếp tục hướng ra phía trước. Mấy anh em vẫn một xe com măng ca, một Honda chạy thay nhau trên từng đoạn. Một lần, trong một đoạn dừng chân, một chiếc xe U oát đời mới vượt qua chúng tôi, anh Tạo quay lại nói với tôi:

- Mấy anh trong Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 đấy. Lực lượng dự bị chiến lược của Bộ Tổng cũng đã có mặt rồi!

Tôi không biết mặt các tướng lĩnh nhiều, nhưng qua chi tiết anh Tạo nói, tôi hiểu rằng, một khi lực lượng chiến lược đã được tung vào chiến dịch thì thời gian chiến tranh kết thúc không còn xa nữa!

Những suy nghĩ ngổn ngang về công việc, về những sự kiện lịch sử sắp xảy đến cứ ám ảnh tôi suốt dọc đường. Có lúc, tôi không nghĩ rằng mọi điều xảy ra là chuyện có thực… Tôi nhớ đến những ngày còn nhỏ đi sơ tán và chia tay các anh chị lớn tuổi ra chiến trường, cảm giác về một ngày trở về xa xôi lắm. Rồi những ngày ở Quảng Trị bao khó khăn, ác liệt, chiến tranh giành giật từng xóm nhỏ, từng đoạn đường với bao hy sinh , rồi cả những đêm không ngủ mắt nhìn đăm đắm ra hướng Bắc mong một lá thư nhà mà sao thấy dài dằng dặc cảm giác cách chia. Chúng tôi đang được sống trong những ngày thật là đặc biệt trong cuộc đời của mỗi con người cũng như cả một dân tộc.

21/4, Xuân Lộc giải phóng sau những trận đánh ác liệt của quân chủ lực cả hai bên. Phía bên kia cố gắng xây dựng phòng tuyến cuối cùng để bảo vệ Sài Gòn. Họ tuyên bố tử thủ, dùng cả bom chân không cùng các vũ khí hạng nặng hiện đại nhất. Nhưng Xuân Lộc đã thất thủ trước sức tấn công như vũ bão của quân giải phóng. Tuyến phòng thủ của quân Sài Gòn lui về phía Biên Hòa, Đồng Nai.

Vài ngày sau đó, anh em trong tổ vào đến Xuân Lộc. Thành phố hoang vắng, chiến sự ác liệt đã làm dân sơ tán hết và chưa kịp trở về. Chỉ có một số bộ đội đang làm nhiệm vụ chốt giữ, còn đại quân cũng đang dồn cả lên phía trước. Chúng tôi phải tự lo liệu chỗ ăn ở trong mấy ngày đầu, đồng thời vẫn chụp ảnh tư liệu về Xuân Lộc. Nhưng câu hỏi  lớn nhất đặt ra là: Làm thế nào có thể theo đại quân vào Sài Gòn? Tổng xã ở quá xa. Mặt trận đang biến động, chưa biết tìm mối vào đâu để lo mọi chuyện, trong khi giờ G đang tới.

Tôi nhớ mấy hôm ở đó, an ninh cũng là vấn đề. Không loại trừ còn tàn quân Sài Gòn còn đâu đó. Chúng tôi chọn một  ngôi nhà còn tương đối chắc chắn, có tầm quan sát rộng và kín đáo để có thể ở. Anh Hứa Kiểm còn trực tiếp chỉ huy việc chèn các cửa sổ và cửa ra vào cho thật chắc chắn, chỉ để một lối ra vào duy nhất. Đêm, anh em thay nhau canh chừng, mặc dù ban ngày đều đi làm việc và khá mệt mỏi. Anh Kiểm còn đi hái rau, kiếm nồi niêu xoong chảo để nấu cơm.

Sau hôm đến, có được tài liệu về Xuân Lộc, tôi cũng đã viết xong bài, nhưng liên lạc về nhà rất khó, lúc được, lúc không. Mấy anh em bàn nhau đi Vũng Tàu vì nghe tin thành phố này cũng đã giải phóng. Chiều hôm ấy, chúng tôi đã đi đến chỗ đường rẽ về Vũng Tàu thì được bộ đội đang chốt chặn ngăn lại. Hú vía! Hóa ra là quân Sài Gòn còn mấy điểm chốt trên đường từ Xuân Lộc đi Vũng Tàu, đường chưa thông. Nếu chúng tôi không gặp anh em bô đội thì không hiểu cơ sự sẽ thế nào!

Chiều hôm ấy, tôi cùng anh Vũ Tạo đang đi trong thị xã thì có người gọi:

- Vũ Tạo à?

Một anh sĩ quan còn khá trẻ từ trên xe Jeep nhảy xuống, ôm lấy anh Tạo. Anh Tạo rất vui mừng giới thiệu với tôi:

- Đây là anh Toàn, tuyên huấn Sư đoàn Vinh Quang kết nghĩa với Thông tấn xã đấy!

Chúng tôi mừng quá. Anh Toàn hỏi thăm tình hình anh em trong tổ, ghé chỗ chúng tôi ở. Anh nói mọi việc gấp lắm rồi, nhưng rất tốt là chúng tôi đã có mặt ở đây. Anh sẽ báo cáo với cấp trên về chuyện gặp anh em trong tổ.

Ngay chiều tôi hôm ấy, anh Toàn quay lại. Anh cho anh Vũ Tạo và anh em trong tổ biết, anh đã báo cáo với anh Trần Bình, Chính ủy Sư đoàn. Chính ủy Trần Bình nói rằng, gặp được thì nhất định phải đưa anh em đi cùng với Sư đoàn. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Anh Tạo và anh Kiểm cho tôi biết, anh Trần Bình cũng đã có thời gian làm trưởng phòng thông tấn quân sự và rất thân thiết với anh em thông tấn báo chí. Tôi nhớ rất rõ gương mặt gày guộc vì lăn lộn đường trường của anh Tạo nở một nụ cười rất thoải mái. Anh nói:

- Chúng mình gặp may rồi!

Tôi hiểu niềm vui của anh Vũ Tạo. Anh là tổ trưởng, nhiệm vụ lúc này rất khẩn trương và khó khăn. Xa cơ quan, anh là người chịu trách nhiệm về mọi mặt. Đi theo Sư đoàn với một cơ duyên như vậy là chúng tôi đã có rất nhiều cơ hội để thực hiện tốt nhiệm vụ “mũi nhọn” của mình vào những thời khắc lịch sử này!

Ngay tối hôm ấy, chúng tôi thu xếp đồ đạc theo anh Toàn về sở chỉ huy Sư đoàn 304 đóng trong một vạt rừng cao su gần căn cứ Nước Trong, cách thành phố Biên Hòa không xa.

Hôm ấy, vào khoảng 25/4. Anh Trần Bình đón chúng tôi với tình người nhà thân thiết. Người chính ủy rất gắn bó với báo chí, thông tấn ấy có dáng thấp đậm, da đen, gương mặt rất điềm tĩnh của một người dày dạn trận mạc, nhưng cái cười vẫn hồn hậu ấm áp.

Anh nói ngắn gọn:

- Thời gian gấp lắm rồi. Các cậu đi cùng với Bộ Tư lệnh Sư đoàn, cụ thể làm việc với Toàn và anh em tuyên huấn. Nên tính cách hoạt động sao cho phù hợp với điều kiện để theo sát được chiến trường và các đơn vị tuyến trước! Cần coi trọng việc giữ gìn an toàn cho con người và phương tiện để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ!

Chúng tôi rất cảm động vì sự quan tâm của anh. Lần duy nhất tôi gặp anh Trần Bình trước đó là vào năm 1973, ngay sau khi ký Hiệp định Paris. Khi đó anh đang là Phó Chính ủy sư đoàn 304, dẫn anh em đi khảo sát địa hình. Tôi quay lại Quảng Trị để đưa tin về hoạt động trao trả tù binh ở Thạch Hãn. Tôi gặp anh ở đoạn đường 1 gần sân bay Ái Tử. Các anh trong đoàn biết anh, giới thiệu với tôi. Nhớ nhất hình ảnh của anh với nụ cười chân tình, dễ mến, người thấp nhỏ, ba lô súng ống trĩu vai, tay chống một chiệc gậy, quần xắn ngang đầu gối. Khi tôi nhắc lại kỷ niệm đó với anh, Trần Bình cười, anh bảo:

- Hồi đó khác xa bây giờ, thế và lực trên chiến trường khác hẳn. Chúng tôi đang trong chiến dịch cuối cùng của một cuộc hành trình dài!

Anh thân mật gọi tôi là bạn trẻ, vỗ vai rất thân mật như với một cậu em nhỏ trong gia đình.

Sau buổi gặp gỡ đó, chúng tôi chia nhóm ra làm hai theo gợi ý của anh Trần Bình. Chiếc xe Honda được giao cho Ban tuyên huấn Sư đoàn bởi vì ở ngay mặt trận rồi, điều kiện không cho phép mang Honda theo nữa. Anh Vũ Tạo và tôi, cùng với Bình lái xe, Thái điện báo viên đi theo Sở chỉ huy Sư đoàn.

Ngày hôm sau, chúng tôi vào đến trường bắn Nước Trong thì ở luôn với Sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn 2. Các anh Hứa Kiểm và Đinh Quang Thành thì đi theo Trung đoàn 66 để chụp ảnh và tiện cho yêu cầu tác nghiệp. Do địa hình ở ngoại ô Xuân Lộc tương đối thoáng, chỉ có các cánh rừng cao su, không có nhà cao tầng, nên việc liên lạc với Hà Nội bằng điện đài dễ hơn. Tuy nhiên, mỗi lần lên sóng cũng phải đi ra xa để khỏi lộ nơi chỉ huy sư đoàn đóng quân. Ban tuyên huấn Sư đoàn tăng cường cho chúng tôi hai vệ binh, vừa giúp bảo vệ thiết bị, xe máy, vừa giúp quay máy phát khi hoạt động. Điều ấy đỡ vô cùng, vì hành quân lâu ngày, sức cũng đã mệt, mỗi ca quay máy khi có bài đòi hỏi cường độ lao động khá cao.

Hà Nội rất mừng vì chúng tôi đi cùng Sư đoàn Vinh Quang và được Chính ủy Trần Bình quan tâm. Đây là sư đoàn kết nghĩa với TTXVN từ nhiều năm trước, nên việc tổ mũi nhọn hành quân với Sư đoàn trong những ngày cuối cùng của chiến dịch được coi là có “duyên phận” và không có gì may mắn hơn. Ngoài anh Trần Bình thì anh Đỗ Ân, Sư trưởng, rồi các anh Nguyễn Hữu An, Tư lệnh trưởng Quân đoàn 2, Hoàng Đan, Phó tư lệnh và nhiều đồng chí trong cơ quan Bộ Tư lệnh, dù là tham mưu, chính trị, hậu cần… đối với chúng tôi đều rất thân thiết, quý mến.

Chú thích ảnh
Đồng bào vùng mới giải phóng theo dõi bản đồ chiến sự những ngày cuối cùng của chiến tranh. Ảnh: Trần Mai Hưởng

Tôi sẽ không bao giờ quên những ngày cuối cùng ở trường bắn Nước Trong. Sở chỉ huy tiến sát lên trận tuyến cuối cùng để phối hợp tác chiến giữa các đơn vị trước khi chiếm Long Thành, cầu xa lộ trên sông Đồng Nai để mở toang cánh cửa vào Sài Gòn. Những trận đánh cuối cùng rất ác liệt, căng thẳng. Mũi co cụm ở trường sĩ quan thiết giáp của quân Sài Gòn quyết chống cự đến cùng. Các mũi tiến công của quân giải phóng phải giành giật từng điểm một và không ít thương vong. Không những phải chỉ huy, đạn dược, cứu thương... các sĩ quan tác chiến, hậu cần còn phải lo từng xe nước cho bộ đội. Mùa khô, rừng cao su không có nước. Chiến sĩ không thiếu ăn nhưng thiếu nước uống. Điều quan trọng hơn cả là việc phối hợp các cánh quân trên toàn hướng Đông.

Gương mặt của tướng Nguyễn Hữu An, Tư lệnh quân đoàn, sau nhiều đêm mất ngủ, ngồi trầm tư bên ngọn đèn nhỏ khắc sâu trong ký ức tôi. Qua các mệnh lệnh truyền đi, tôi hiểu được Bộ chỉ huy đang phải phối hợp để đặc công giữ các cầu  trên xa lộ, cho pháo binh vào hướng đến các mục tiêu dọc đường tiến vào Sài Gòn. Trong khi phải lo tiêu diệt các điểm chốt chặn còn lại, thì việc phối hợp giữa bộ binh, xe tăng, thiết giáp... rất khẩn trương để hình thành một mũi thọc sâu tiến vào trung tâm Sài Gòn vào thời điểm thích hợp.

Tôi biết các tướng Nguyễn Hữu An, Hoàng Đan... đều là những tài năng quân sự lỗi lạc của quân đội. Các ông chiến đấu từ kháng chiến chống Pháp, chỉ huy những đơn vị chủ công ở Điện Biên Phủ rồi qua bao gian nan của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở hầu hết các chiến trường, tham gia nhiều chiến dịch lớn. Và nay họ đang tham gia vào trận đánh có ý nghĩa nhất trong cuộc đời cầm quân của mình.

Mấy ngày ở Nước Trong, tôi còn trải nghiệm về không khí trận mạc của người phóng viên chiến trường. Tôi cũng đã ở Quảng Trị những ngày gian nan khi giải phóng, rồi chống phản kích... Nhưng ở Nước Trong, chiến sự ác liệt theo cách khác. Trận đánh diễn ra ngay phía trước, chỗ chúng tôi trú chân nằm ngay trong tầm bắn thẳng của đối phương. Tiếng súng nổ suốt đêm ngày, sự nguy hiểm luôn rình rập. Nhưng  tôi thấy rất bình tĩnh. Tình thế đã khác trước rồi, chiến thắng chỉ còn cách một tầm tay. Phải tự tin và táo bạo thế nào thì những tướng lĩnh chủ chốt của cả một quân đoàn mới dám đưa bộ chỉ huy lên sát tiền duyên như vậy!

Trần Mai Hưởng