01:09 22/01/2021

Gắn phát triển công nghiệp với giải quyết việc làm cho người lao động

Tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho lao động trẻ ở cả vùng nông thôn và đô thị.

Điều này đã góp phần giúp bức tranh kinh tế- xã hội của tỉnh ngày càng chuyển biến tích cực, góp phần tích cực nâng cao đời sống của đông đảo người dân. Điều đáng chú ý là thu nhập người lao động ở nhiều địa phương trong tỉnh ngày càng tăng. Người lao động đã bắt đầu xác định gắn bó với doanh nghiệp, cụm cộng công nghiệp và làng nghề chứ không còn làm nghề theo mùa vụ như trước. 

Chú thích ảnh
Người làm nghề mộc ở Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên tập trung sản xuất các mặt hàng đồ gỗ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. 

Đào tạo nghề, truyền nghề, tạo nhiều cơ hội cho người dân tìm việc

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn cho biết: Xác định tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động là yếu tố tiên quyết giúp xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội thuận lợi tìm kiếm việc làm thường xuyên tại các đơn vị, doanh nghiệp, làng nghề...

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ đào tạo nghề, làm tốt công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn; hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động; đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề phù hợp, linh hoạt. Giai đoạn 2015- 2020, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 17.828 lao động; 1.650 lao động và 232 người được các nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh truyền nghề. Vĩnh Phúc phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%; trong đó, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 40%.

Những năm gần đây, bình quân mỗi năm, Vĩnh Phúc giải quyết việc làm cho trên 21.000 - 22.000 lao động. Kết quả này có được là nhờ số lượng doanh nghiệp, làng nghề phát triển mạnh. Năm 2014, Vĩnh Phúc có 90 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thu hút 37.790 lao động và thu nhập bình quân của công nhân lao động trong các khu công nghiệp đạt trên dưới 3,4 triệu đồng/người/tháng.

Đến hết tháng 6/2017, các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc có trên 140 doanh nghiệp FDI, sử dụng khoảng 72.000 lao động và thu nhập bình quân của công nhân lao động trong các khu công nghiệp đạt trên dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Đến cuối năm 2020, tỉnh đã có 402 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư lên hơn 5,7 tỷ USD. Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc hiện đang hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 90.000 lao động và lao động phổ thông ở các khu công nghiệp với mức thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. 

Bước sang năm 2021, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Vĩnh Phúc vẫn đang tuyển dụng nhiều lao động. Điển hình như Khu Công nghiệp Khai Quang (thành phố Vĩnh Yên), Khu Công nghiệp Bá Thiện, Khu Công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc (huyện Bình Xuyên)... Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mời gọi lao động vào làm việc với mức thu nhập bình quân từ 9 - 10 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Dương Văn Hướng, ở thôn Bảo Sơn, xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên cho biết: Hiện nay, lao động trẻ, nhất là những thanh niên có tay nghề tại xã Bá Hiến và cả các xã lân cận không thiếu việc làm vì các nhà máy tại khu công nghiệp mới đi vào hoạt động, tuyển dụng lao động số lượng lớn và mức thu nhập ổn định trên dưới 8 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập ổn định ở mức khá, nhiều lao động quê Bình Xuyên đang làm việc ở các tỉnh phía Nam lại quay về. Người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh giờ đây không còn cảnh "ly nông bất ly hương".

Bên cạnh các khu công nghiệp, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động ở nông thôn. Vĩnh Phúc hiện có 25 làng nghề; trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới, thu hút khoảng 45.000 - 50.000 lao động. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề cao gấp 2 - 3 lần lao động nông nghiệp thuần túy. Điển hình như các làng nghề sản xuất đồ gỗ, mức thu nhập của lao động phổ thông từ 200.000-  300.000 đồng/người/ngày và thợ có kinh nghiệm 400.000 - 500.000 đồng/người/ngày. 

Tiếp tục mời gọi doanh nghiệp mạnh và cải thiện môi trường đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định: Để có được kết quả thu hút đầu tư và giải quyết việc làm cho đông đảo người dân, Vĩnh Phúc đã tích cực tham gia các hội nghị, diễn đàn, lễ ký kết, tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài do các bộ, ngành tổ chức. Thông qua đó, Vĩnh Phúc giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng, kết nối với các tổ chức nước ngoài; tổ chức hiệu quả các chuyến xúc tiến đầu tư và đối thoại doanh nghiệp nhằm nắm bắt, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là vấn đề nhân lực. Cùng với đó, tỉnh làm tốt các hoạt động chăm sóc các nhà đầu tư tại chỗ, nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư tại thị trường truyền thống và hướng đến thị trường các nước, khu vực có thế mạnh về khoa học công nghệ như: Hoa Kỳ, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc....

Chú thích ảnh
Các sản phẩm gốm Hương Canh. 

Tỉnh Vĩnh Phúc xác định luôn mời gọi các doanh nghiệp có trình độ khoa học, công nghệ tiến tiến đến với địa phương; tạo mọi điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai; đầu tư hạ tầng điện, nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào các khu công nghiệp. Tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tiết giảm về thủ tục, thời gian giải quyết các thủ tục; vận hành tốt Trung tâm Hành chính công tỉnh, huyện, Bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Vĩnh Phúc ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp theo phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”.

Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục thực hiện hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, đẩy mạnh các hoạt động khuyến công và phát triển công nghiệp giai đoạn 2020 – 2025; thực hiện điều tra, tổng hợp số liệu thông tin cung, cầu lao động trong giai đoạn 2020-2025. Tỉnh yêu cầu tổ chức Công đoàn, các ngành chức năng và địa phương thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp thực hiện tốt các quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức sắp xếp lại một số cơ sở đào tạo nghề để nâng cao trình độ đào tạo chuyên môn nghề nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác đào tạo thợ lành nghề, giỏi việc, đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà tuyển dụng lao động... Tỉnh cử các đoàn công đi đến các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc để mời gọi lao động trẻ về Vĩnh Phúc làm việc; có chính sách đãi ngộ về nhà ở, giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp...

Vĩnh Phúc đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làm tốt công tác môi trường, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý các loại nước thải, chất thải công nghiệp và phải chịu trách nhiệm nếu cố tình để xảy ra các sai phạm, gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, môi trường sống của cộng đồng dân cư... 

Bài và ảnh: Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)