02:10 18/02/2011

Gắn Lễ hội với phát triển du lịch(Bài cuối)

Để thu hút khách và phát triển bền vững loại hình du lịch lễ hội, cả ngành văn hóa và du lịch cần hợp tác để đầu tư, xúc tiến quảng bá.

Để thu hút khách và phát triển bền vững loại hình du lịch lễ hội, cả ngành văn hóa và du lịch cần hợp tác để đầu tư, xúc tiến quảng bá.


Bên cạnh đó, muốn biến lễ hội thành “món ăn” hấp dẫn du khách, thì việc tổ chức cần phải đảm bảo giá trị nguyên gốc của lễ hội đó, chứ không phải là một lễ hội bị lai căng, biến tướng.

Bài cuối: Làm thế nào để hút khách?

Đầu tư có trọng điểm

Ông Phùng Quang Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch (Tổng Công ty Du lịch Hà Nội) nhận xét: Du lịch lễ hội khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của nước sở tại có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách.

Với một kho tàng lễ hội phong phú, Việt Nam có thừa tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này. Bài học kinh nghiệm từ các nước cho thấy, muốn đưa lễ hội trở thành một sản phẩm du lịch vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, từ công tác tổ chức đến cách thức quảng bá phải thật bài bản và chuyên nghiệp. Thế nhưng, cả hai điều kiện cần và đủ trên, chúng ta đều chưa làm được.

Một thực tế buồn là chúng ta thừa lễ hội đặc sắc nhưng lại đang thiếu một chiến dịch quảng bá chuyên nghiệp. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như văn hóa, cần phải có một chiến lược hợp lý trong việc đầu tư cho các lễ hội. Không nên đầu tư dàn trải, mà chọn lọc một số lễ hội đặc sắc, ấn tượng để từ đó xây dựng thành sản phẩm “đinh” và đưa ra chiến lược quảng bá phù hợp.

"Việc tổ chức lễ hội thành công, thu hút nhiều du khách sẽ tạo nguồn thu cho địa phương. Việc lấy lễ hội “nuôi” lễ hội sẽ giúp các địa phương có nguồn kinh phí ổn định để tiếp tục duy trì và phát triển lễ hội ngày một tốt hơn" - ông Thắng nhấn mạnh.

Trên thực tế, việc đầu tư cho lễ hội đã mang lại những hiệu quả khá thiết thực. Lào Cai là một ví dụ. Từ khi 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ tổ chức chương trình du lịch về nguồn, thì lượng khách đến Lào Cai bình quân đã tăng 25 - 35%. Với những địa phương khác, hình thức đầu tư cho lễ hội cũng đã được triển khai.

Ngay từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình hành động quốc gia du lịch từ năm 2000, để phát triển sản phẩm du lịch mới gắn với các lễ hội truyền thống, ngành du lịch đã chọn 15 lễ hội tiêu biểu cho các vùng, miền, các dân tộc, trong đó có lễ hội Xuống đồng (Lồng tồng) của người Tày, lễ hội Katê của người Chăm, lễ hội Ooc Om bok của người Khmer... để đầu tư, chuẩn hóa thông tin, kịch bản với mục đích vừa tôn trọng tính truyền thống đặc sắc của lễ hội, vừa bảo đảm tính khoa học trong công tác tổ chức, đáp ứng yêu cầu của du khách.

Tìm lại những giá trị nguyên gốc

Theo bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thời gian qua, việc khai thác các lễ hội văn hóa của các vùng dân tộc thiểu số để phát triển du lịch còn hạn chế một phần là do công tác quản lý, tổ chức các lễ hội còn bất cập. Một số lễ hội ngày càng bị mất đi giá trị nguyên gốc, bị sân khấu hóa, bổ sung, xen kẽ những yếu tố hiện đại, lai căng không phù hợp.

Một số lễ hội mang tính chất tâm linh, thần bí, có sự tham gia quá ồn ào ảnh hưởng đến không gian, tính chất lễ hội nên không nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng dân cư địa phương. Thậm chí, có lễ hội được tổ chức tràn lan, bị thương mại hóa gây bức xúc trong dư luận.

Theo bà Điệp, để lễ hội dân gian là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, ngành văn hóa cần kết hợp với ngành du lịch, chính quyền địa phương rà soát lại, sau đó, căn cứ vào quy mô, tính chất, thời gian, địa điểm và các điều kiện về cơ sở vật chất, lựa chọn 20 - 30 lễ hội đưa vào khai thác với yêu cầu khi tổ chức, các lễ hội này phải đảm bảo những giá trị nguyên gốc, không bị lai căng, sân khấu hóa.

Đơn cử như ngành văn hóa - du lịch Hà Nội  thời gian qua đã chọn một vài lễ hội điển hình rồi quy hoạch, đầu tư trọng điểm để hình thành sản phẩm chuyên biệt đón khách. Riêng Lễ hội Gióng, 1 trong 3 di sản văn hóa được UNESCO công nhận trong năm 2010, sẽ là điểm nhấn để thu hút khách, ngành du lịch Thủ đô sẽ có quy hoạch riêng trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 và sẽ sớm trình TP Hà Nội phê duyệt trong quý II/2011.  

Xuân Cường