09:10 14/09/2012

Gắn hội nhập kinh tế quốc tế với đổi mới kinh tế - xã hội trong nước

Thực tế cho thấy, nhiều cơ hội cũng như vô vàn thách thức từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã xuất hiện và tồn tại đan xen nhau tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế Việt Nam- Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định như vậy khi đánh giá về việc sau 5 năm nước ta gia nhập WTO.

Thực tế 5 năm qua cho thấy, nhiều cơ hội cũng như vô vàn thách thức từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã xuất hiện và tồn tại đan xen nhau tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế Việt Nam- Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định như vậy khi đánh giá về việc sau 5 năm nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

 

Nhân dịp tròn 5 năm nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời phỏng vấn TTXVN, nội dung như sau.

 

 Năm năm gia nhập WTO, nước ta đã đạt được nhiều thành quả tích cực. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những nét nổi bật nhất?

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trong giai đoạn 2007 đến giữa 2008, các chỉ tiêu kinh tế đạt ở mức cao, tăng trưởng GDP năm 2001 đạt 8,5%, cao nhất so với 10 năm trước đó, nhưng từ giữa năm 2008 đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại do các yếu tố bên ngoài như giá nguyên, nhiên liệu trên thế giới tăng cao (trừ 2009), tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng GDP trung bình trong 5 năm (2007-2011) sau khi Việt Nam gia nhập WTO đạt 6,5%/năm, mức tăng trưởng tương đối cao so với nhiều nước trên thế giới, nhất là trong bối cảnh khủng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

 

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: baocongthuong

 

Về tổng thể, chúng ta đã đạt được những thành quả tích cực như sau: Cải cách hệ thống pháp luật nhằm thực hiện cam kết gia nhập WTO đã tạo ra khung khổ pháp lý hiệu quả và ngày càng minh bạch, tạo niềm tin với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; cải thiện tiếp cận thị trường xuất khẩu, nâng cao đáng kể kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

 

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2011 đạt gần 97 tỷ USD, tăng gấp 2,5 lần kim ngạch xuất khẩu năm 2006; giúp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế về phía các ngành có thế mạnh xuất khẩu và có lợi thế cạnh tranh tương đối; doanh nghiệp Việt Nam đã có thái độ kinh doanh nghiêm túc hơn, chăm lo hơn đến thương hiệu, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn trong việc ứng phó với những đối xử bất lợi trong thương mại quốc tế (ví dụ như các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp); đã bắt đầu hình thành được các vùng chuyên canh được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, các mô hình sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ vao, giống tốt đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm được nhân rộng hơn trước; công nghệ có chuyển biến, tuy nhiều mặt hàng còn chưa bắt kịp với trình độ chung của thế giới; chất lượng hàng hóa dịch vụ đa dạng hơn được nâng cao đáng kể.

 

Việc tham gia WTO đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách đối với việc hoạch định chính sách, công tác quản lý, hoạt động của các doanh nghiệp... Xin Bộ trưởng cho biết, chúng ta đã làm gì để vượt những thách thức đó và tới đây sẽ chú trọng vào những vấn đề gì để có thể hội nhập kinh tế quốc tế chủ động và vững chắc hơn?

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Thực tế trong 5 năm qua cho thấy nhiều cơ hội cũng như vô vàn thách thức từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã xuất hiện và tồn tại đan xen nhau tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế Việt Nam . Việc thực hiện cam kết mở cửa thị trường và cải cách hệ thống pháp luật là một thách thức lớn đối với công tác hoạch định chính sách và quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Lường trước được những thách thức này, ngay từ khi đang tiến hành đàm phán gia nhập WTO, ta đã tiến hành cải cách từng bước hệ thống chính sách thương mại, đầu tư, tài chính theo hướng phù hợp với các nguyên tắc của thương mại quốc tế, tiến hành công tác phổ biến tuyên truyền cho các doanh nghiệp, đồng thời thực hiện chuyển dịch dần cơ cấu nền kinh tế về phía các ngành có thế mạnh xuất khẩu và có lợi thế cạnh tranh tương đối như dệt may, thủy sản, giày dép... Kết quả là môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã không những không bị sốc khi Việt Nam gia nhập WTO mà đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu đã tăng mạnh vào năm 2007 ngay sau khi gia nhập.

 

Tuy nhiên, trước mắt chúng ta vẫn còn tồn tại một số thử thách như: chưa xử lý kịp thời và hiệu quả những biến động bất lợi của nền kinh tế thế giới, chưa xử lý được 3 điểm yếu trong nền kinh tế để có thể tận dụng tốt các cơ hội - đó là nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và thể chế. Để có thể hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và vững chắc hơn, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung vào các công việc sau: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế đối với các cấp ngành, địa phương và trong toàn dân; hoàn thiện thể chế nhằm đẩy nhanh việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn đầu tư; đẩy nhanh và tạo chuyển biến căn bản trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; điều phối và phối hợp tốt giữa chính sách tiền tệ và chính ách tài khóa nhằm hướng tới mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục củng cố ổn định hệ thế và thị trường tài chính; tiếp tục cải cách thể chế, chính sách thị trường lao động nhằm phát triển việc làm, nâng cao tính cạnh tranh của lao động Việt Nam, cải cách chính sách tiền lương tăng thu nhập của người lao động; tăng cường hiệu quả công tác giảm nghèo, hỗ trợ người lao động tiếp cận đến hệ thống an sinh xã hội.

 

Kim ngạch xuất khẩu của nước ta đã tăng lên 3 lần sau 5 năm gia nhập WTO (từ 30 tỷ USD lên gần 99 tỷ USD) - điều đó chứng tỏ chúng ta đã nắm bắt được cơ hội thuận lợi. Bộ trưởng nhận định như thế nào về các cơ hội triển vọng mới, đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa hứa hẹn sáng sủa trong thời gian tới?

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trong những năm gần đây, việc đàm phán để hình thành các khu vực thương mại tự do (FTA) đã trở nên khá phổ biến, nhất là sau những bế tắc của Vòng đàm phán Đôha của WTO. Do chưa thể đạt được thỏa thuận nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống thương mại đa biên nên nhiều thành viên WTO đã từng bước chuyển hướng sang đàm phán để xây dựng các liên kết khu vực quy mô nhỏ hơn nhưng hiệu quả rõ rệt hơn. So với cam kết tự do hóa trong khuôn khổ WTO, các liên kết kinh tế khu vực thường có mức độ mở cửa thị trường mạnh mẽ, sâu sắc và triệt để hơn rất nhiều. Do vậy, điều này mang đến nhiều cơ hội thúc đẩy thương mại cho các nước tham gia FTA.

 

Việt Nam tiếp cận và tham gia FTA từ khá sớm. Ngay khi là thành viên ASEAN từ năm 1995, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện giảm thuế theo chương trình thuế quan ưu đãi có hiệc lực chung nhằm thiết lập khu vực thương mại tự do ASEAN(CEPT/AFTA) từ năm 1996. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 FTA với các đối tác. Việc xuất khẩu sang những thị trường này được hỗ trợ rất nhiều khi mức thuế quan của các nước thành viên hiệp định được xóa bỏ hoặc cắt giảm theo lộ trình.

 

Trên thực tế, dưới góc độ trực diện nhất, cơ hội xuất khẩu đối với các mặt hàng cụ thể của nước ta trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia cũng rất đáng kể. Với Nhật Bản, 79% xuất khẩu nông sản của ta sẽ được hưởng ưu đãi thuế 0%. Mức thuế trung bình nhờ cam kết FTA đã giảm từ 8,1% xuống 4%. Với thị trường Ốtxtrâylia và Niu Dilân, mặc dù là thị trường có mức bảo hộ bằng thuế quan tương đối thấp nhưng khoảng 14% xuất khẩu của Việt Nam (chủ yếu là hàng may mặc, giày dép, một số sản phẩm kim loại) đang chịu mức thuế từ 7-100% sẽ được giảm thiểu đáng kể từ năm 2013. Các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc về cơ bản đã không áp dụng thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam .

 

Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Việt Nam cũng đang cùng các nước ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ốtxtrâylia, Niu Dilân bàn thảo và dự kiến tuyên bố đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại Hội nghị Cấp cao (Summit) cuối năm 2012 và sự kiến khởi động đàm phán vào đầu năm 2013.

 

Cùng với sự mở rộng của các FTA trong khuôn khổ ASEAN, lợi ích xuất khẩu của nước ta sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nữa nhờ các FTA song phương mà ta đã chủ động khởi xướng hoặc tham gia. Hiện nay, Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam cũng khởi động đàm phán FTA với khối EFTA (gồm 4 nước là Thụy Sĩ, Na Uy, Lichetenstein, Aixơlen) vào tháng 7/2012. Cũng trong khuôn khổ về chiến lược đàm phán FTA song phương, Việt Nam cũng bắt đầu nghiên cứu, xem xét đám phán FTA với EU, và liên minh thuế quan gồm 3 nước Nga, Bêlarút, Kadắcxtan. Việc thiết lập các FTA với các đối tác lớn như EU, Mỹ và Nga sẽ hoàn tất chuỗi khu vực thương mại tự do mà Việt Nam tham gia với các đối tác kinh tế lớn trên thế giới. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch gần 12 tỷ USD, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch 10 tỷ USD. Đây là hai thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt nhất, khoảng 400% trong vòng 7 năm từ 2003 đến 2010. Đây cũng là thị trường mà Việt Nam luôn duy trì trạng thái xuất siêu ổn định. Với Nga, dù thương mại chưa cao như mong đợi nhưng Nga luôn là thị trường xuất khẩu truyền thống và rất nhiều tiềm năng. Việc thiết lập FTA với các thị trường nãy sẽ là cú hích lớn cho thương mại Việt Nam .

 

Việc thúc đẩy xuất khẩu sang những thị trường hiện đã có FTA với Việt Nam , cùng với việc sẽ ký kết các FTA với các đối tác lớn nói trên trong tương lai sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu đầy triển vọng cho hàng hóa Việt Nam .

 

Tại hội nghị toàn quốc ở Hà Nội ngày 14/8/2012 nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 16/2007/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có những ý kiến chỉ đạo quan trọng đối với công tác hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ triển khai những giải pháp gì để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng : Kết quả triển khai nghị quyết 08-NQ/TW về một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Nghị quyết 16/2007/NQ-CP thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW đã khẳng định tính đúng đắn của các nhận định, kết luận chủ trương và giải pháp được đề ra trong Nghị quyết và đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt.

 

Tại hội nghị toàn quốc đánh giá thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 16/2007/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh và định hướng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của ta trong thời gian tới cần bám sát các chủ trương là: Hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn tới với mục tiêu cao nhất là tất cả vì lợi ích quốc gia, lợi ích của dân tộc cần đặt trong bối cảnh thực hiện Cương lĩnh xây đựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2012; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quán triệt nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế trong toàn Đảng, toàn dân. Phải coi hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó trung tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, là tất yếu, khách quan là sự nghiệp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

 

Nhân dân, đặc biệt là doanh nghiệp, là chủ thể của hội nhập, người được hưởng thành quả và cũng là người chịu tác động từ hội nhập; hội nhập kinh tế quốc tế cần gắn kết hơn nữa với quá trình đổi mới kinh tế - xã hội trong nước để nâng cao hiệu quả và tăng cường sự thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu phát triển chung. Nội lực là quyết định, đổi mới trong nước là nền tảng, là gốc, mang ý nghĩa quyết định, ngoại lực là quan trọng. Trên cơ sở đó, cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiêu quả hội nhập kinh tế quốc tế để góp phần cải thiện đáng kể năng lực cạnh trạnh của nên kinh tế, thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc và đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau; hội nhập kinh tế quốc tế cần được đặt trong mối quan hệ hài hòa với hội nhập trong các lĩnh vực khác nhưng hội nhập kinh tế quốc tế phải là trọng tâm, là nội dung chính quan trọng nhất của tiến trình hội nhập. Hội nhập kinh tế quốc tế cần đi trước một bước để tạo cơ sở, thúc đẩy hội nhập và hợp tác trong các lĩnh vực khác.

 

 Mặt khác, hội nhập tốt, có hiệu quả các lĩnh vực khác sẽ góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả hơn; hội nhập kinh tế quốc tế phải nhằm thúc đẩy các quan hệ có hợp tác song phương khu vực và đa phương; tiếp tục nâng cao vị trí vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế; chủ động xây dựng các quan hệ đối tác mới thực sự mang lại lợi ích quốc gia. Kết hợp chặt chẽ hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững độc lập tự chủ, chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng của đất nước.

 

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai các công việc cụ thể để triển khai chủ trương và tích cực hội nhập quốc tế của Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết 08 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào các nội dung chính là: Hoàn thiện báo cáo tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW và kết quả 5 năm đầu gia nhập WTO; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới trên cơ sở các chủ trương lớn nêu trên, đặc biệt là gắn kết hơn nữa hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình đổi mới kinh tế - xã hội trong nước.

 

Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ gắn các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế với các mục tiêu cụ thể như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thông qua việc tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài, hướng dẫn doanh nghiệp phương thức tiếp cận với các thị trường mới, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội tận dụng triệt để ưu đãi trong giao thương với các đối tác thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Về trung và dài hạn, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy việc tham gia WTO, đàm phán và thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thỏa thuận kinh tế, thương mại khác theo hướng góp phần cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh nền kinh tế, thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc và đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-1020.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

 

Ban Biên tập tin Kinh tế (thực hiện)