06:08 21/06/2012

Gần 60 năm lưu giữ tờ báo tù “Phá Ngục”

Ngoài 90 tuổi đời, hơn 60 tuổi Đảng, tóc đã bạc phơ, người cựu tù chính trị Kiều Xuân Cư vẫn nhớ những ký ức một thời làm báo tại nhà tù của thực dân ở nhà lao Chí Hòa; một thời khó khăn, gian khổ nhưng tràn đầy niềm tin, lý tưởng, khát khao hòa bình, độc lập của những người tù cách mạng...

Ngoài 90 tuổi đời, hơn 60 tuổi Đảng, mái tóc đã bạc phơ, nhưng người cựu tù chính trị Kiều Xuân Cư (hiện sống tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) vẫn nhớ những ký ức một thời làm báo tại nhà tù của thực dân ở nhà lao Chí Hòa; một thời khó khăn, gian khổ nhưng tràn đầy niềm tin, lý tưởng, khát khao hòa bình, độc lập của những người tù cách mạng...


Ông Kiều Xuân Cư nguyên là cán bộ tình báo, có nhiều năm hoạt động ở thị xã Nha Trang từ trước năm 1945. Ông từng bị địch bắt trong quá trình hoạt động cách mạng. Lần cuối cùng ông bị địch bắt và giam ở nhà lao Khám Lớn Sài Gòn vào năm 1952, sau đó thực dân chuyển ông đến nhà lao Chí Hòa. Tại đây, ông Cư đã có một thời gian tham gia làm tờ báo tù “Phá Ngục” cùng với các bạn tù. Ông cũng chính là người gửi “Đặc san Bác Hồ” cho Bác Hồ vào năm 1960 và vinh dự được gặp Bác. Ông kể lại: “Khi tôi gặp Bác, Bác có hỏi làm thế nào trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn cùng với sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù trong nhà lao Chí Hòa, mà các cháu làm được Đặc san như vậy, lại còn trình bày rất công phu, nhiều bức vẽ màu rất đẹp? Tôi đã kể lại cho Bác nghe quá trình làm Đặc san, nhất là tình cảm, lòng kính yêu vô hạn của anh chị em tù chính trị với Bác. Bác rất cảm động và đã khen ngợi những việc làm của tù nhân trong nhà lao Chí Hòa”.


 

Ông Kiều Xuân Cư và tờ báo “Phá Ngục” mà ông lưu giữ đến bây giờ. Ảnh: Quang ức

 

Cầm tờ báo “Phá Ngục” đã ngả vàng, đôi trang bị rách vì thời gian, ông Cư cẩn thận lật từng trang viết. Gần 60 năm nay, ông coi nó là báu vật của đời mình. Tờ báo của ông Cư lưu giữ được ra đời năm 1954, nhân dịp xuân Giáp Ngọ, dày 36 trang. Đây là tiếng nói của Liên đoàn tù nhân Chí Hòa, với ảnh bìa là hình đôi nam nữ dẫn hai con ngựa biểu trưng cho sự tiến bộ, bìa sau in hình con chim bồ câu bay qua bản đồ Đông Dương, tượng trưng cho ước mơ hòa bình đến với khu vực này. Trong báo Phá Ngục, những người tù chính trị thể hiện rất phong phú các loại hình báo chí như: Chính luận, bình luận, bài kinh tế, âm nhạc, trò chơi, vè chúc tết... Trong đó có những bài đặc sắc, như bài viết “Bức thơ Xuân” do chính ông Kiều Xuân Cư viết với ký bút danh Văn Lang; bài viết “Có ai nhớ đến” viết về đời sống kinh tế đắt đỏ ở Sài Gòn thời đó do ông Nguyễn Thọ Chân, Bí thư Đảng ủy của nhà tù viết, với bút danh Vạn Lý; bài viết “Thư Côn Đảo” của những chiến sĩ vượt ngục ở nhà tù Côn Đảo vào đất liền nhưng bị bắt lại, giam giữ ở Chí Hòa... Ngoài tờ Phá Ngục, ông Cư còn lưu giữ nhiều ấn phẩm khác như: “Lửa đấu tranh”, “Bản án xâm lược pháp”, “Mốc tèo vấn đáp”, tập thơ “Căm Thù”... để tố cáo tội ác thực dân Pháp.


Ông Kiều Xuân Cư cho biết: Tờ báo tù Phá Ngục ra đời năm 1946, người sáng lập là ông Huỳnh Tấn Phát - nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969 - 1976), người sau này giữ chức Phó Thủ tướng và Phó Chủ tịch nước. Năm 1946, ông Huỳnh Tấn Phát bị bắt khi làm cho tờ báo Thanh Niên và bị đưa vào nhà tù Khám Lớn. Tại nhà tù này, ông Huỳnh Tấn Phát cùng các ông Hoàng Xuân Bình, Trương Công Phòng và một số tù chính trị đã tổ chức cuộc cách mạng khám đường, biểu tình phản đối, đòi được nhốt riêng tù thường phạm với tù chính trị. Sau khi được nhốt riêng, những người tù chính trị hình thành các tổ bình dân học vụ, tổ y tế, tổ trật tự vệ sinh, tổ cấp dưỡng... Một phòng tù từ 50 - 60 người đều Đảng. Tổ chức Đảng ở nhà tù hết sức chặt chẽ với việc họp chi bộ, tổ chức học tập, học văn hóa, dạy chính trị, bồi dưỡng cách mạng... Các chi bộ có các bản thông tin, vẽ ảnh Hồ Chủ tịch, cờ Tổ quốc để phục vụ các ngày lễ kỷ niệm lớn.


Trong bối cảnh đó, báo “Phá Ngục” đã ra đời với mục đích tuyên truyền đường lối Đảng; cổ vũ động viên tinh thần các chiến sĩ, nâng cao tính chiến đấu... Sau năm 1946, nhiều anh em tù chính trị ở Khám Lớn bị chuyển qua khám Chí Hòa. Tại đây tờ báo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đồng thời phụ nữ ở nhà lao Chí Hòa cũng cho ra tờ báo “Tung Xiềng”.


 Trong bối cảnh của nhà tù với 4 bức tường giam, tờ báo ra đời là một kỳ tích, là nguồn cổ vũ vô cùng lớn lao cho người tù chính trị. Ông Cư xúc động kể lại: “Tờ báo phát triển mạnh trong nhà tù, cứ 1 - 2 phòng lại ra 1 tờ báo, có tờ Phá Ngục tầng 1, Phá Ngục tầng 2, Phá Ngục tầng 3. Những tờ Phá Ngục có tính chiến đấu cao, giúp anh em tù nâng cao ý chí chiến đấu, là món ăn tinh thần không thể thiếu. Anh em quý tờ báo này vô cùng”.


 Tờ báo lúc đó có Ban biên tập đàng hoàng. Ban biên tập thường xuyên phát động người tù chính trị viết bài vở. Khoảng 10 ngày sau, các bài viết được gửi về cho Ban biên tập xem, chỉnh sửa, tổ chức viết lại. Một số báo thường cách nhau 45 - 60 ngày. Gian nan nhất là công đoạn in. Để có mực in, nguyên liệu in phải đi qua 6 lớp cửa sắt của nhà tù, đó quả là một điều không dễ dàng.


 Ông Cư cho biết, hồi đó những người tù chính trị đã móc nối ba đường dây là nhà bếp, người thân và luật sư. Khuôn in làm từ bột nếp, được các nhà bếp giấu dưới thùng thức ăn; người thân đưa sữa bột có bột nếp để phía dưới hộp. Mực in bằng 2 - 3 ngón tay được các luật sư đưa vào khi gặp mặt tù nhân. Màu đỏ được dùng từ thuốc đỏ, màu xanh là thuốc chữa ghẻ, màu vàng thuốc chữa sốt rét. Riêng về giấy, tù chính trị sau nhiều lần yêu sách đòi học văn hóa, giấy đã được chuyển công khai.


 Sau khi các bài viết được tuyển chọn, những người viết chữ đẹp sẽ viết lại bằng mực in. Việc in ấn cũng hết sức công phu. Bài viết sau khi viết bằng mực in sẽ úp lên bột nếp. Bột nếp trở thành khuôn in, người phụ trách chỉ việc lấy giấy trắng úp lên bản bột nếp để có một bản hoàn chỉnh. Một khuôn nếp in được 40 bản, tuy nhiên cứ 2 tối mới in được khoảng 50 bản in. Bàn làm việc lúc đó là cái thùng rác. Việc bồi dưỡng cho người viết thức đêm cũng chỉ được 2 miếng đường. Các phòng giam chuyền tay nhau đọc những tờ báo ấy, nhưng cũng rất khó khăn vì sợ cai ngục phát hiện. Thông thường những người tù chính trị ngồi vòng tròn với nhau, đọc cho cả phòng nghe.


 “Việc tồn tại tờ báo Phá Ngục, cai ngục cũng biết và lùng sục gắt gao hòng ngăn cản việc in ấn, phát hành. Chúng tôi thường giấu ở nắp nhà vệ sinh, trong vách của nhà tù... Tuy vậy, nhiều lần báo của anh em vẫn bị phát hiện và tịch thu. Dù có làm cách gì đi nữa thì kẻ thù vẫn không ngăn cản được ý chí kiên cường của người tù cộng sản chúng tôi” - vừa nói đôi mắt ông Cư rực lên một cách tự hào.


Sau Hiệp định Giơnevơ, ông Cư được địch trao trả và tập kết ra Bắc và theo học tại Trường đại học y khoa Hà Nội, rồi về làm việc tại tỉnh Hòa Bình, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về quê Khánh Hòa, làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho đến lúc về hưu. Hiện ông vẫn tham gia tích cực các hoạt động xã hội ở địa phương.


Quang Đức