02:17 27/02/2018

Gần 52.000 tỷ đồng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

51.775 tỷ đồng là số tiền ngân sách nhà nước bố trí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017, trong đó ngân sách Trung ương dành 15.231 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển là 11.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 4.231 tỷ đồng.

Ngân sách địa phương bố trí cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt khoảng 36.544 tỷ đồng, trong đó bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khoảng 33.887 tỷ đồng, đối ứng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên 2.657 tỷ đồng.

Người dân tham gia làm đường nông thôn mới tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng, ngành ngân hàng đã thực hiện đầu tư tín dụng trên địa bàn các xã toàn quốc, góp phần thúc đẩy thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nổi bật là các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thông qua 20 chương trình tín dụng, năm 2017 Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay với tổng doanh số 55.114 tỷ đồng, trong đó doanh số cho vay hộ nghèo đạt 11.160 tỷ đồng, hộ cận nghèo đạt 9.266 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo đạt 10.405 tỷ đồng; cho vay thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 7.258 tỷ đồng; cho vay theo chương trình hỗ trợ tín dụng cho hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 6.839 tỷ đồng; cho vay tại các xã nông thôn mới gần 34.000 tỷ đồng và cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a 4.365 tỷ đồng.

Hệ thống điện lưới được kéo đến hầu hết các bản trong xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Nguồn vốn của ngành ngân hàng đã góp phần thúc đẩy thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết năm 2017, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn các xã trong toàn quốc đạt 871.034 tỷ đồng, tăng 20,02% so với cuối năm 2016. Như vậy, trong năm 2017, dư nợ tín dụng tăng thêm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn các xã đạt 145.309 tỷ đồng.

Bên cạnh nguồn lực bố trí từ ngân sách nhà nước và hỗ trợ từ các chính sách tín dụng ưu đãi, các chương trình mục tiêu quốc gia còn được bổ sung nguồn lực đáng kể từ sự ủng hộ của các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người dân. Tính đến năm 2017, đã huy động được trên 64.233 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, cá nhân để thực hiện công tác an sinh xã hội; hỗ trợ nguồn vốn thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo...

Tại Chương trình truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo năm 2017” trên VTV1 đã tiếp nhận ủng hộ và cam kết ủng hộ cho người nghèo với số tiền hơn 264 tỷ đồng; đợt vận động nhắn tin ủng hộ người nghèo đã huy động được 4.439,6 triệu đồng. Một số nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ nguồn vốn ODA để thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 với tổng mức vốn khoảng 3.646 tỷ đồng, trong đó từ Ngân hàng Thế giới là 153 triệu USD, từ Chính phủ Ireland là 12 triệu USD.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân nguồn vốn đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017 trung bình ước đạt 74,6%, trong đó Bắc Kạn, Lai Châu, Hải Dương, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Tiền Giang có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đạt 100%. Tuy nhiên, các tỉnh Cao Bằng, Lâm Đồng, Phú Yên, Quảng Bình, Thái Bình, Phú Thọ và Đăk Nông chỉ giải ngân đạt dưới 50%. Việc cho vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi được thực hiện theo quy định của từng chính sách tín dụng và quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng. Nguồn huy động khác được sử dụng theo cam kết giữa Chính phủ Việt Nam và đối tác hỗ trợ (đối với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại hoặc vốn vay ưu đãi) hoặc quy chế sử dụng của từng địa phương (đối với nguồn vốn huy động tại địa phương).

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình, xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới. 

Bằng các giải pháp quyết liệt như ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, chỉ công nhận các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới khi không có nợ đọng xây dựng cơ bản, tính đến hết tháng 11/2017, tổng số nợ xây dựng cơ bản thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn khoảng 5.142 tỷ đồng (giảm 10.076 tỷ đồng, tương đương 66% so với tháng 1/2016), trong đó có 27 tỉnh không nợ xây dựng cơ bản. Đặc biệt, một số địa phương nằm trong 10 địa phương có số nợ lớn nhất cả nước vào thời điểm tháng 1/2017 như Bắc Ninh, Hải Dương, Bạc Liêu, Hà Nội đến nay đã hoàn toàn xử lý xong nợ.

Chu Thanh Vân (TTXVN)