11:17 30/11/2011

Gần 50% số người nhiễm HIV ở Mỹ không đi điều trị

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nhận định "khủng hoảng HIV ở Mỹ thực sự rất tồi tệ".

Gần 3/4 trong số 1,2 triệu người Mỹ nhiễm HIV không kiểm soát được tình trạng lây nhiễm của mình, khiến nguy cơ tử vong vì AIDS và nguy cơ lây truyền tăng cao. Đây là kết quả nghiên cứu "Vital Signs" của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 30/11, ngay trước Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12).

Nghiên cứu của CDC cho biết cứ 5 trường hợp bị nhiễm loại virút (virus) gây suy giảm miễn dịch ở người này thì có 1 người không biết mình mắc bệnh. Trong số những người biết mình bị nhiễm HIV, chỉ 51% tham gia điều trị. Trong số các bệnh nhân HIV ở Mỹ (dù biết mình bị nhiễm hay không), chỉ 36% dùng liệu pháp thuốc kháng virút và 28% có lượng virút HIV thấp trong cơ thể.


CDC nhận định "khủng hoảng HIV ở Mỹ thực sự rất tồi tệ" và việc thu hẹp khoảng cách trong xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV là cần thiết nhằm đảo ngược thảm họa này. Thực tế, việc điều trị HIV bằng các thuốc kháng virút (ARV) cho thấy hiệu quả đạt được với 77% người bệnh tuân thủ tốt phác đồ điều trị, đồng thời giảm nguy cơ truyền nhiễm tới 96%.

Cứ 5 trường hợp bị nhiễm HIV tại Mỹ thì có 1 người không biết mình mắc bệnh. Ảnh Internet



CDC đưa ra các biện pháp đối phó với nguy cơ lây nhiễm HIV gia tăng trong cộng đồng bao gồm giúp cho nhiều người đã bị lây nhiễm nhận ra tình trạng của họ và đảm bảo những người bị nhiễm HIV được chăm sóc điều trị thường xuyên. Chuyên gia của CDC đặc biệt khuyến cáo những người thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV nên kiểm tra y tế ít nhất một lần trong năm.

Hàng năm, ở Mỹ có 50.000 trường hợp lây nhiễm HIV mới và 16.000 người tử vong vì AIDS.

Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc, trong năm 2010, trên thế giới có khoảng 34 triệu người bị nhiễm HIV và 1,8 triệu người chết vì AIDS. Phương pháp điều trị bằng thuốc ARV cũng đã cứu sống 700.000 người trong năm qua./.

TTXVN/Tin Tức