05:19 14/05/2019

Gần 100 hộ dân xã nông thôn mới vẫn 'ngóng' điện lưới quốc gia

Nằm dọc tuyến lộ nông thôn khang trang, nhưng gần 100 hộ dân ở khu vực Lung Tào Kê, ấp Mỹ Tường 1, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, phải sống và sinh hoạt trong điều kiện vô cùng khó khăn khi thiếu điện lưới quốc gia. Họ phải kéo và sử dụng điện "chia hơi", tiềm ẩn nguy cơ tai nạn điện, chịu nhiều tốn kém hoặc không kéo được điện "chia hơi" thì phải sống trong bóng tối.

Mỗi ngày 2 lần với khoảng 40 thùng nước được xách tay để vệ sinh chuồng trâu là việc làm thường xuyên của ông Huỳnh Văn Luôn ở ấp Mỹ Tường 1, xã Hưng Phú, huyện Phước Long.

Theo ông Luôn, gia đình ông vượt qua mọi khó khăn để phát triển kinh tế, chăm lo cho con cái học hành và gần đây cuộc sống đã khá hơn trước rất nhiều. Trước nhà, đường giao thông khang trang sạch sẽ nên việc đi lại của gia đình, bà con trong xóm cũng thuận tiện hơn. Thế nhưng, khu vực này lại không có đường điện quốc gia nên sinh hoạt của gia đình ông không khác gì nhiều so với 1 thập kỷ trước, đó là vẫn phải đốt đèn dầu, vẫn phải nấu cơm củi. Trăn trở nhất của ông hiện nay là thiếu điện, nên không thể đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi như mong muốn.

Khó khăn của gia đình ông Huỳnh Văn Luôn cũng là trăn trở, mong muốn của hàng trăm người dân sống ở khu vực Lung Tào Kê chưa có đường điện kéo qua. Theo các hộ gia đình gần 10 năm trước, khi đường điện kéo về gần tới khu vực, bà con rất phấn khởi sẽ có điện và cuộc sống sẽ đổi thay.

Tuy nhiên, niềm vui không trọn vẹn và gần chục năm qua mọi người phải sử dụng điện "chia hơi". Đó là đối với những hộ có điều kiện và sống gần đường điện quốc gia, còn lại với những gia đình khó khăn hơn hay cách quá xa lưới điện, không thể câu đuôi thì phải sống trong bóng tối.

Song, đối với hộ sử dụng điện chia hơi hay hộ không có điện cũng đều gặp những khó khăn riêng. Khó khăn lớn nhất là giá điện chia hơi khá cao và điện rất yếu nên mọi người cũng chỉ có thể sử dụng bóng đèn, quạt gió chứ không thể sử dụng được các thiết bị, đồ dùng điện khác có mức tiêu thụ điện cao hơn. Bên cạnh đó, mọi người cũng luôn nơm nớp lo sợ tai nạn về điện bởi đường dây kéo câu đuôi chỉ là tạm bợ.

Ông Văn Công Tùng ở ấp Mỹ Tường 1, xã Hưng Phú, huyện Phước Long chia sẻ: "Gia đình tôi sống thiếu nguồn điện quốc gia đến nay đã hơn 7 năm, do đó phải kéo điện chia hơi song chi phí cao gấp đôi so với các hộ gia đình khác. Trong các giờ cao điểm sinh hoạt thì các đồ dùng điện gia đình như nồi cơm điện, quạt điện, đèn… không sử dụng được hoặc các tháng cao điểm thì nguồn điện không đủ phục vụ sản xuất. Gia đình bây giờ hầu như toàn làm thủ công như mấy chục năm về trước. Ngoài ra, do kéo điện chia hơi nên các cây cột và đường dây điện chỉ làm tạm bợ, không cố định, rất dễ xảy ra tai nạn".

Trao đổi về vấn đề gần 100 hộ dân ở khu vực Lung Tào Kê, ấp Mỹ Tường 1, xã Hưng Phú, chưa có nguồn điện lưới quốc gia để sinh hoạt mặc dù là xã nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã Hưng Phú, huyện Phước Long Lê Hoàng Ân cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã đều đã kéo điện cho các hộ nhưng có nhiều đoạn đường đơn vị thi công kéo điện bị đứt khúc.

Xã đã làm báo cáo gửi đơn vị kinh tế hạ tầng, tham mưu UBND huyện Phước Long, gửi trình Sở Công thương Bạc Liêu kéo điện đầy đủ cho bà con ở những nơi còn thiếu để đáp ứng đầy đủ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, tiến tới công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Chủ tịch UBND xã Hưng Phú cũng cho biết thêm, riêng khu vực Lung Tào Kê, ấp Mỹ Tường 1, trong năm nay, UBND huyện Phước Long đã có văn bản trình Sở Công Thương để Sở tham mưu cho UBND tỉnh Bạc Liêu ưu tiên kéo hơn 1.300 m đường điện. Ông Lê Hoàng Ân mong muốn các sở, ngành, đơn vị chức năng quan tâm hơn nữa để xã có đầy đủ nguồn điện cho người dân yên tâm sinh hoạt và phục vụ sản xuất.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, giải bài toán về điện "chia hơi" không phải là chuyện dễ. Song, đây không phải là việc không làm được và rất cần nhận được sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương, ngành chức năng nói chung đối với những nơi chưa có đường điện đi qua. Bởi điện không chỉ là một phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn để thúc đẩy phát triển sản xuất, từ đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Nhật Bình (TTXVN)