05:09 28/05/2011

Gạch không nung xi măng cốt liệu: Đánh thức tiềm năng

Theo thống kê sơ bộ, hiện tổng công suất các dây chuyền sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu (XMCL) trên toàn quốc đạt hơn 2 tỷ viên mỗi năm.

Theo thống kê sơ bộ, hiện tổng công suất các dây chuyền sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu (XMCL) trên toàn quốc đạt hơn 2 tỷ viên mỗi năm. Trong “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020”, Chính phủ yêu cầu lấy sản phẩm gạch không nung XMCL làm sản phẩm chủ đạo để đưa tỷ lệ vật liệu xây không nung chiếm 70% vật liệu trong các công trình xây dựng. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu này cần có sự hợp lực của cả nhà sản xuất, người tiêu dùng cùng các thành phần tham gia hoạt động xây dựng.

Cần lực đẩy

Tiến sỹ Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhận định: Gạch không nung XMCL ra đời vừa tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có tại các địa phương, vừa bảo vệ môi trường và còn giúp giải được bài toán năng lượng do tiết kiệm than đốt. Yếu tố này cũng giúp giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Sở hữu lợi thế cả về nguồn nguyên liệu, thị trường, chất lượng và giá cả... nên tiềm năng phát triển của gạch không nung XMCL rất lớn.

Bốc xếp gạch không nung tại Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Thịnh Cường TP.HCM. Ảnh: CTV


Ngoài yếu tố giá cả cạnh tranh, gạch không nung XMCL còn chinh phục các chủ đầu tư bởi chất lượng tốt, đảm bảo độ bền vững cho công trình. So với gạch nung, sản phẩm này có cường độ chịu nén cao hơn từ 50 - 150% (tùy chủng loại); kích thước viên gạch lớn giúp giảm thao tác thi công, tăng tốc độ xây dựng. Đặc biệt, gạch không nung XMCL còn khá gần gũi với người sử dụng vì dùng vữa xây trát thông thường, phù hợp với mọi quy trình kỹ thuật xây dựng. Chính vì những tính năng ưu việt này “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020” đã xác định lấy gạch không nung XMCL làm sản phẩm chủ đạo để đưa tỷ lệ vật liệu xây không nung chiếm 70% vật liệu trong các công trình xây dựng.

Ông Đỗ Việt Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà Daichi (thành viên của Megastar Land) - chủ đầu tư dự án West Lake Dominium cho biết: Không chỉ riêng West Lake Dominium mà còn nhiều công trình tiêu biểu khác trên đất Thủ đô như Landmark Keangnam, Chamvit, Grand Plaza, Lotte... đã và đang sử dụng gạch không nung XMCL để thay thế cho gạch nung truyền thống. Sản phẩm này đang là sự lựa chọn hợp lý giữa thời buổi lạm phát leo thang và giá các loại vật liệu xây dựng liên tục tăng. Hiện nay, nếu quy đổi theo khối xây, giá thành xây dựng bằng gạch khung nung XMCL sẽ rẻ hơn khoảng 20% so với gạch nung.

Tuy nhiên để gạch không nung XMCL phát huy ưu thế rất cần một lực đẩy giúp sản phẩm này chinh phục thị trường.

Một cây làm chẳng nên non

Ông Đặng Việt Lê – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gạch Khang Minh (Hà Nam) - doanh nghiệp đang dẫn đầu về năng lực sản xuất gạch không nung XMCL với công suất cung cấp giai đoạn 1 trên 65 triệu viên/năm, chia sẻ: Hiện số lượng công trình sử dụng loại gạch này còn rất ít. Nói cách khác, phần đông công chúng chưa hiểu, chưa được tiếp cận và hưởng lợi từ gạch không nung XMCL. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người tiêu dùng thiếu thông tin về sản phẩm nên chưa tin tưởng sử dụng.

Đại bộ phận kiến trúc sư và chủ đại lý xây dựng - đầu mối cung cấp gạch cho các công trình nhà dân hiện nay vẫn còn đang mơ hồ khái niệm gạch không nung là gạch nhẹ. Một số người còn nhầm gạch không nung XMCL với gạch papanh - loại sản phẩm có hàm lượng xi măng thấp, cường độ chịu lực yếu và chỉ thường được dùng trong các công trình phụ trợ. Để dần thay đổi thói quen tiêu dùng thì “một cây làm chẳng nên non”, không thể chỉ trông chờ vào các doanh nghiệp sản xuất mà cần sự chung tay giúp sức của tất cả các thành phần tham gia hoạt động xây dựng.

Thu Hằng