09:22 23/09/2012

Gã trộm trèo tường khét tiếng nước Anh - Kỳ 1: Cuộc đời hai mặt

Trước khi lên giá treo cổ, tên trộm trèo tường khét tiếng nước Anh, Charles Peace đã bày tỏ hối hận vì cuộc đời tội lỗi của mình và mong thế giới hãy quên ông ta đi.

Trước khi lên giá treo cổ, tên trộm trèo tường khét tiếng nước Anh, Charles Peace đã bày tỏ hối hận vì cuộc đời tội lỗi của mình và mong thế giới hãy quên ông ta đi. Lời hối hận muộn màng có vẻ rất chân thành nhưng điều ước cuối cùng trước khi chết không bao giờ thành hiện thực, bởi cái tên Charles Peace đã được làm sống lại trong vô số tiểu thuyết trinh thám, phim ảnh.

 

Cây đàn vĩ cầm của Charles Peace.

Trong cuốn sách về những tên tội phạm, sử gia Charles Whibley miêu tả Peace như sau: "Charles Peace không chỉ biến tài đột nhập nhà ăn trộm thành một môn khoa học mà còn phát minh ra một bộ dụng cụ có một không hai dùng để lẻn vào nhà người khác".


Năm 1845, khi mới 13 tuổi, Charles Peace làm việc trong nhà máy thép ở Sheffield. Công việc tại nhà máy này, dù quãng thời gian ngắn ngủi, là một trong những nghề trung thực ít ỏi anh ta từng làm.


Chân dung tên trộm trèo tường khét tiếng.

Là con út, Charles lớn lên trong một gia đình giản dị nhưng cuộc sống thoải mái. Bố Charles, ông John Peace, phải bỏ nghề thợ mỏ sau khi cụt một chân do tai nạn hầm mỏ để làm người huấn luyện thú hoang trong một rạp xiếc nổi tiếng ở Anh. Khi gia đình khấm khá hơn, ông John bỏ nghề này và trở thành thợ đóng giày. Ông đã truyền cho cậu con trai út tình yêu động vật và nghệ thuật giải trí - điều mà Charles đã tận dụng triệt để về sau.


Gia đình lương thiện, bố mẹ trung thực, tuổi thơ của Charles Peace hầu như chẳng có điều gì khiến người ta tin rằng sau này cậu bé sẽ trở thành một tên trộm khét tiếng.


Trước khi vào làm việc trong nhà máy thép, Charles đã theo học ít nhất hai trường nhưng cậu ta rõ ràng không ưa chuyện học hành. Tuy nhiên, cậu ta nhanh chóng nổi tiếng khắp trường, không phải vì thành tích học tập mà vì tài làm mô hình bằng giấy, huấn luyện mèo, làm ống nhòm ảnh, trổ tài tung bóng lên cao và hứng bằng túi da buộc trước trán.


Ngoài ra, Charles Peace còn tự học chơi đàn vĩ cầm một dây. Sau này, cậu ta đã thực sự thuần thục với cây đàn vĩ cầm và các loại đàn dây khác. Kỹ năng chơi đàn của Charles Peace được ví ngang với kỹ năng trộm trèo tường khét tiếng.


Một lần, Charles Peace bị thương nặng do một thanh thép nóng đâm xuyên qua chân khi đang làm việc ở nhà máy thép. Hậu quả là Charles phải nằm viện cả năm trời và chân bị khập khiễng vĩnh viễn. Trong thời gian này, bố Charles cũng qua đời.


Cuộc đời tội phạm của Charles Peace bắt đầu từ ngày anh ta chống nạng rời bệnh viện, bị ném vào một cuộc sống không có chỗ dành cho những người tàn tật.


 

Nhà máy thép ở Sheffield.

 

Từ lúc đó cho tới khi lần đầu tiên bị bắt lúc 19 tuổi vì tội ăn trộm, Charles sống một cuộc sống hai mặt, ban ngày làm nghề mua vui cho thiên hạ, ban đêm đi trộm. Dù tàn tật nhưng anh ta nổi tiếng là một người leo trèo, nhào lộn giỏi - cái tài mà anh ta coi là có ích hơn trong những chuyến đi đêm hơn là biểu diễn cho mọi người xem. Anh ta còn kiếm sống bằng việc đọc những lời tự thoại của Shakespeare, chơi đàn vĩ cầm một dây tại các hội chợ, quán rượu quanh khu vực Sheffield.


Tuy nhiên, chơi đàn vĩ cầm chỉ là một trò tiêu khiển của một người có tính khí năng động như Charles. Anh ta coi niềm đam mê của mình chính là những cuộc phiêu lưu ban đêm.


Lần đầu tiên bị bắt năm 1851, Charles Peace chỉ phải ngồi tù 30 ngày nhờ đây là lần đầu vi phạm và được ông chủ cũ bảo lãnh về mặt tư cách đạo đức. Trong cả cuộc đời, anh ta sẽ phải ngồi tù hơn 15 năm. Mỗi lần trở lại đường phố là một lần tên trộm Charles Peace tỏ ra lợi hại hơn. Thời gian ngồi tù chính là lúc anh ta suy ngẫm về những sai lầm đã mắc phải và vạch ra những cách để tránh bị bắt lần nữa.


Sau vài lần bị bắt, anh ta đã rút ra được một số điều quan trọng: không bao giờ hợp tác với một tên trộm khác, nghề trộm cắp đòi hỏi phải suy tính kỹ càng như khi thực hiện một chiến dịch và nhiều cái đầu không bao giờ làm được một việc to lớn.


Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: Kỹ năng hoàn hảo