11:15 13/11/2014

Festival Sinh vật cảnh TP Thanh Hóa lần thứ 2: Ý nghĩa nhân văn của nghệ thuật cây cảnh

Diễn ra từ 30/10 đến 10/11, Festival Sinh vật cảnh, đá quý, đá phong thủy thành phố Thanh Hóa lần thứ 2 thu hút 25 hội sinh vật cảnh và các nghệ nhân đến từ 25 tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 2.000 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, 5.000 tác phẩm đá quý, đá phong thủy, gỗ lũa.

Diễn ra từ 30/10 đến 10/11, Festival Sinh vật cảnh, đá quý, đá phong thủy thành phố Thanh Hóa lần thứ 2 thu hút 25 hội sinh vật cảnh và các nghệ nhân đến từ 25 tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 2.000 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, 5.000 tác phẩm đá quý, đá phong thủy, gỗ lũa.

Tại Festival Sinh vật cảnh TP Thanh Hóa lần này, có nhiều tác phẩm đặc sắc, dáng thế độc đáo, đạt đến trình độ kỹ nghệ và thẩm mỹ cao. Festival thêm một lần nữa góp phần khẳng định ý nghĩa và giá trị của nghệ thuật cây cảnh đối với cuộc sống hiện nay, qua đó, cổ vũ phát triển thú chơi sinh vật cảnh của các nghệ nhân nói chung và người dân nói riêng.

Bên cạnh giá trị thẩm mỹ, các tác phẩm nghệ thuật sinh vật cảnh còn hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc.


Ông Nguyễn Trọng Thành, một nghệ nhân nổi tiếng trong “làng” chơi cây cảnh cả nước, chủ nhân của Thành Công kỳ viên - khu vườn cảnh tuyệt đẹp và nổi tiếng trong làng cây cảnh Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, lần này tham gia trưng bày 10 tác phẩm. Dưới góc nhìn của một người từng tham gia các lễ hội sinh vật cảnh lớn và trực tiếp làm công tác tổ chức các triển lãm sinh vật cảnh, ông Thành nhận xét: “Tôi đánh giá cao uy tín và cách làm hiệu quả của Ban tổ chức Festival sinh vật cảnh TP Thanh Hóa, đã tổ chức được 2 Festival quy mô lớn nhất nước từ trước tới nay. Festival sinh vật cảnh của TP Thanh Hóa hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Về thời tiết, lần Festival đầu tiên tổ chức vào đầu xuân, lần này vào cuối thu.

Với người chơi cây cảnh, những thời điểm này là rất tốt. Các tác phẩm sinh vật cảnh được trưng bày tại quảng trường Lam Sơn - một địa điểm đẹp, tương xứng và là sự lựa chọn rất có ý nghĩa. Festival quy tụ được nhiều nghệ nhân, nhiều tác phẩm đẹp từ các tỉnh thành tham gia. Những người đam mê nghệ thuật cây cảnh được đón tiếp chu đáo, trọng thị. Có thể nói Ban tổ chức đã rất am hiểu, trân trọng nghệ thuật cây cảnh cũng như chia sẻ được niềm đam mê với các nghệ nhân, tạo được cơ hội giao lưu, trao đổi giữa những người say mê sinh vật cảnh. Festival do đó rất ý nghĩa về mặt chuyên môn và hiệu quả về mặt kinh tế”.

Nuôi dưỡng sức sáng tạo


Chia sẻ về ý nghĩa của nghệ thuật cây cảnh đối với cuộc sống hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành cho biết: Nghệ thuật cây cảnh đã nuôi dưỡng sức sáng tạo tự thân trong lúc người trồng tạo dáng và thu nhỏ chúng. Để cắt tỉa được một tác phẩm nghệ thuật đạt tiêu chí cổ, kỳ, mỹ, văn, nghệ nhân phải tốn nhiều công sức chăm sóc, song đổi lại, các tác phẩm nghệ thuật sẽ mang lại sự yên bình, thanh thản cho tâm hồn. Qua việc trồng và chăm sóc cây, con người tạm quên đi thế giới ồn ào, đua tranh xung quanh, khơi gợi ý thức rằng nếu không kiên nhẫn thì thường thất bại…

Ông Thành cho biết: Bên cạnh giá trị về mặt thẩm mỹ, các tác phẩm nghệ thuật sinh vật cảnh còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chứa đựng trong nó thông điệp về luân thường đạo lý, về ước vọng cao đẹp vĩnh cửu của người Việt Nam. Ví như các thế cây Phụ tử tương tùy (cha truyền con nối), Mẫu tử tương thân (tình mẹ con sâu nặng), Huynh đệ tương cố (anh em sống có nhau), Bằng hữu tương giao (bạn bè đoàn kết cùng nhau), Bạt phong hồi đầu (cây bị gió đánh bạt xiêu xiêu đi nhưng lại tạo ra một thế đỡ, tiếp tục vươn lên nghênh gió bão, sống xanh tươi và quay đầu về gốc rễ, cội nguồn)…

Theo ông Mai Đình Loát, Thư ký Hiệp hội sinh vật cảnh Hà Nội: Thú chơi cây cảnh là một thú chơi tao nhã. Trước đây, thú chơi này chỉ dành cho những tao nhân, mặc khách. Ngày nay, cùng với sự phát triển của đất nước, phong trào chơi cây cảnh ngày một phát triển, đã và đang trở thành một phong trào rộng khắp, là món ăn tinh thần không thể thiếu với một bộ phận không nhỏ nhân dân. Điều đó thể hiện lòng yêu thiên nhiên, sống hòa nhập với thiên nhiên của người Việt Nam.

Giá trị tinh thần và lợi ích kinh tế


Phân tích về ý nghĩa của các bộ phận cấu thành một tác phẩm nghệ thuật cây cảnh độc đáo, ông Mai Đình Loát cho biết: Gốc rễ của cây là biểu tượng của cội nguồn tiên tổ. Thân cây là biểu trưng của chủ thể. Hệ thống cành là biểu trưng con, cháu, nên không đơn lẻ khuyết trống, chi trên không đè chi dưới, các chi không tranh giành chen lấn nhau mà phải biết nhường nhịn, sẻ chia. Đó là sự gắn bó thân tộc. Ngọn là quả phúc từ thân cây mà sinh ra, ngọn luôn hướng về cội nguồn, biết ơn cội nguồn. Lá là sức sống, thể hiện sức phát triển của gia đình nên phải là lá xanh, chồi biếc… Do vậy, mỗi tác phẩm nghệ thuật còn có ý nghĩa giáo dục về đạo lý làm người...

Bên cạnh đó, mỗi tác phẩm cây cảnh là sự thu nhỏ thiên nhiên trong gang tấc, là sự sáng tạo trong tạo hình, là bức tranh lập thể, bài ca thiên nhiên không lời, thể hiện niềm đam mê, tạo cho người chơi cảm giác thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng. Do vậy, những người đam mê cây cảnh là người yêu đời, ít bị stress, có sức khỏe tốt… Hơn nữa, bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào về lâu về dài sẽ trở thành hàng hóa, chịu sự chi phối của kinh tế thị trường, nên ngoài giá trị về tinh thần, chơi cây còn đem lại lợi ích về kinh tế. Bởi, có những tác phẩm sau một thời gian mài dũa có trị giá hàng tỷ đồng và sẽ tác động ngược trở lại đời sống của người người chơi cây…

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Festival sinh vật cảnh thành phố Thanh Hóa lần thứ 2 sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển của nghệ thuật cây cảnh trong một giai đoạn mới…

Thay mặt các nghệ nhân tham gia Festival, ông Nguyễn Trọng Thành chia sẻ: Chúng tôi rất mong muốn “sân chơi” như thế này được lãnh đạo các địa phương trong cả nước quan tâm tổ chức một cách thường xuyên để không chỉ tạo cơ hội giao lưu cho những người chơi cây cảnh, mà còn tạo cơ hội cho mọi người dân thưởng ngoạn, mở rộng hiểu biết về thú chơi tao nhã và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này.

Bài và ảnh: Khiếu Tư