07:17 12/07/2012

FED được đề nghị áp dụng công cụ mới hỗ trợ hệ thống tài chính

Một số nhà hoạch định chính sách hàng đầu đang đề nghị Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) xem xét áp dụng các công cụ mới nhằm hỗ trợ hệ thống tài chính, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hồi phục yếu ớt.



Một số nhà hoạch định chính sách hàng đầu đang đề nghị Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) xem xét áp dụng các công cụ mới nhằm hỗ trợ hệ thống tài chính, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hồi phục yếu ớt.


Sau gần 4 năm triển khai các biện pháp cương quyết với mục đích đưa nền kinh tế trở lại con đường tăng trưởng, thì sự sa sút trong quý đầu năm và những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ còn tiếp tục yếu thêm trong thời gian tới đang làm gia tăng những quan ngại của giới chức và mở ra triển vọng áp dụng những công cụ chính sách mới.


Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc FED cho rằng những quan ngại về tăng trưởng yếu và tác động từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang gây sức ép buộc FED phải đánh giá lại những công cụ tài chính hiện hành. Trong khi đó, một vài quan chức bày tỏ mong muốn FED phát kiến ra những công cụ mới, nhằm tăng cường các điều kiện tài chính và qua đó giúp nền kinh tế quốc dân hồi phục nhanh hơn.


Sau cuộc họp chính sách vừa qua, FED đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2012 xuống 1,9-2,4%, thấp hơn nửa điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4/2012. Kế hoạch của FED là hạ lãi suất trái phiếu dài hạn, khuyến khích nhà đầu tư đổ thêm tiền vào thị trường chứng khoán và hạ chi phí vay mượn.

Chủ tịch FED Ben Bernanke. Ảnh Internet.


FED cũng đã quyết định sẽ gia hạn chương trình hoán đổi trái phiếu (Operation Twist) tới hết năm nay, nhằm giảm bớt áp lực lên lãi suất dài hạn để kích thích các khoản vay, chi tiêu và tăng trưởng kinh tế. "Operation Twist" ra đời từ tháng 9/2011 là chương trình bán trái phiếu ngắn hạn trị giá 400 tỷ USD và mua vào trái phiếu dài hạn. Riêng từ nay cho tới cuối năm, FED sẽ mua và bán trái phiếu với tổng giá trị là 267 tỷ USD.


Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách khác lại bày tỏ quan điểm rằng có thêm một gói nới lỏng định lượng nữa (QE3) là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực việc làm và đảm bảo lạm phát ở mức mục tiêu mà FOMC đề ra.


Chứng khoán Mỹ hầu hết đi xuống sau biên bản cuộc họp của FED, vì nó khiến giới đầu tư thất vọng khi không có QE3.



Trang Nhung (Theo AFP)