12:09 02/12/2010

FDI vào BĐS: Hiệu quả như mong đợi?

Nhiều dự án bất động sản (BĐS) vừa được giới thiệu có quy mô từ vài trăm triệu đến gần 1 tỷ USD làm thay đổi “thời tiết” BĐS vốn ảm đạm trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, khả năng tạo “sóng” cũng như tính hiệu quả của dự án thì cần có thời gian trả lời.

Nhiều dự án bất động sản (BĐS) vừa được giới thiệu có quy mô từ vài trăm triệu đến gần 1 tỷ USD làm thay đổi “thời tiết” BĐS vốn ảm đạm trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, khả năng tạo “sóng” cũng như tính hiệu quả của dự án thì cần có thời gian trả lời.

Thị trường bất động sản TP.HCM rất cần những làn gió từ nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, bộ phận hưởng lợi từ các dự án cao cấp là rất nhỏ. Ảnh: Sĩ Dũng-TTXVN


Dấu ấn từ nhà đầu tư châu Á

Trong những tháng cuối năm 2010, dòng vốn ngoại vào thị trường đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại, đáng chú ý, nhiều chủ đầu tư là các tập đoàn đến từ châu Á.

Trong số này, phải kể đến dự án Celadon City (quận Tân Phú) sẽ được khởi công vào dịp cuối năm 2010. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 215 triệu USD là liên doanh giữa Tập đoàn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Malaixia, Gamuda Land và Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), trong đó phía Gamuda chiếm 60% vốn. Được phát triển trên diện tích 82 ha, trong đó diện tích công viên và các khu vui chơi giải trí chiếm 20 ha.

Một nhà đầu tư Malaixia khá đình đám khác là Công ty Berjaya Land Berhad thuộc Tập đoàn Berjaya vừa công bố dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (930 triệu USD). Khu đất vàng thuộc hàng hiếm có diện tích hơn 6,8 ha nằm mặt tiền góc đường Lê Hồng Phong - Ba Tháng Hai, quận 10 sẽ được xây dựng thành khu phức hợp gồm 5 tòa tháp cao từ 39 đến 48 tầng, bao gồm văn phòng, khách sạn 5 sao và khu trung tâm thương mại. Dự án sẽ được khởi công vào giữa năm 2011.

Một dự án căn hộ cao cấp khác cũng gây không ít bất ngờ cho giới BĐS là dự án mang tên Charm Plaza ở khu vực Sóng Thần, thuộc huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương có vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD đã được khởi công hồi đầu tháng 10. Charm Plaza sẽ trở thành khu nhà ở phức hợp với tổng số khoảng 2.700 căn hộ, có các siêu thị lớn và các công trình thương mại. Chủ dự án trên là một nhà đầu tư Hàn Quốc - Công ty Charm Engineering, được biết đến nhiều hơn ở thế mạnh của lĩnh vực điện tử và công nghệ bán dẫn. Thế nhưng Charm Engineering lại nhắm đến các dự án BĐS với quy mô lớn khi đầu tư vào Việt Nam. Hiện tại, Charm Engineering đang xúc tiến triển khai đầu tư 7 dự án BĐS tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký lên đến khoảng 895 triệu USD.

Bao giờ thay đổi diện mạo đô thị?

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2006, Berjaya đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư lớn tại Việt Nam với số giá trị khổng lồ lên đến 7,1 tỉ USD. Tuy nhiên, thời gian qua có không ít dư luận nghi ngờ năng lực tài chính của công ty này. Trong số này phải kể đến dự án khu đô thị Đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) tại huyện Củ Chi, TP.HCM với vốn đầu tư khoảng 3,5 tỉ USD được cấp phép từ 1/7/2008, dự án FDI lớn nhất TP.HCM tại thời điểm đó. Đây là dự án khu đô thị đại học đạt chuẩn quốc tế đầu tiên tại thành phố. Ngoài ra, dự án này cũng sẽ là khu đô thị kiểu mẫu tương lai của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư cho biết dự án mới giải tỏa 300 ha, còn lại 200 ha đang tiến hành đền bù.

Tại buổi công bố dự án trung tâm tài chính trên, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khả năng thực hiện các dự án, ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Công ty Berjaya Việt Nam cho biết, đến thời điểm này công ty sẽ không chuyển nhượng bất kỳ dự án nào, giai đoạn khó khăn tài chính đã qua và công ty cam kết tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư BĐS lớn khác đã được cấp phép.

Tính đến thời điểm cuối năm 2009, cả nước có gần 500 dự án BĐS có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với số vốn đăng ký trên 40 tỷ USD. Trong 10 tháng đầu năm 2010, lượng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản đạt 2,7 tỷ USD. Trong đó tính hết quý III/2010, các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân hơn 8 tỷ USD vào các dự án BĐS tại Việt Nam.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, các trung tâm đô thị ở Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ triển vọng tăng trưởng tích cực của nền kinh tế cả nước, hấp dẫn nguồn nhân lực và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, có một thực tế cần nhìn nhận là không ít dự án trị giá hàng tỷ USD được cấp phép rầm rộ vài năm nay nhưng đang im hơi lặng tiếng. Có nhiều ý kiến cho rằng nhiều dự án chậm triển khai bởi chủ đầu tư chờ giá đất tăng để bán lại kiếm lời. Dòng vốn ngoại có đem lại diện mạo mới cho thị trường BĐS Việt Nam hay không còn cần có thời gian trả lời.

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP.HCM đã có tới 40 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 1,77 tỉ USD vào BĐS bị rút giấy phép với nguyên nhân chậm triển khai, hết thời hạn giấy phép...

Sĩ Dũng