10:07 29/10/2015

Facebook - “siêu trộm” thời gian, sức khỏe, năng lượng

Mày có tắt ngay facebook đi không, tao vứt ngay cái máy điện thoại vào thùng rác bây giờ!”. Từ sáng đến đêm, ngày nào hàng xóm cũng phải giật mình vài lần bởi tiếng quát lớn, gằn giọng của mẹ cô gái tên Nguyễn Thúy Linh, trú tại đường Bưởi, quận Tây Hồ (Hà Nội).


Linh 23 tuổi, chưa nghề nghiệp nhưng lúc nào cũng hai tay hai máy (điện thoại Iphone và máy Ipad). Gặp cô ở đâu, hàng xóm cũng thấy hình ảnh một cô gái bận rộn, chúi mắt vào màn hình điện thoại, tay thoăn thoắt bấm, vuốt. Theo lời ca than của mẹ Linh, thì suốt ngày cô chỉ chúi mũi vào chat chit trên facebook, mà ít khi giao tiếp, không chịu đi làm.

Nguyễn Thu Trang, nhân viên của một ngân hàng có trụ sở tại đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) quan niệm facebook là mạng giải trí cho cô và các bạn, vào facebook hàng ngày Trang thấy vui. Hôm nào không vào là cảm thấy bứt rứt như chưa làm điều gì đó quan trọng. Cách đây 3 năm, được các bạn giới thiệu nên Trang lập trang facebook cá nhân. Lúc đầu thỉnh thoảng mới vào và cũng thi thoảng mới đăng ảnh. Rồi các hoạt động trên facebook cuốn hút cô lúc nào không hay. Theo cô, suốt thời gian qua, những người bạn mà cô kết bạn trên mạng rồi nói chuyện cũng chỉ là những bạn ảo và nói toàn những chuyện vô nghĩa. Rồi cả ngày theo dõi, nói chuyện trên facebook mãi cũng chán, đau đầu, chóng mặt. Tuy nhiên, hễ có thời gian rảnh là Trang lại lôi máy vào facebook.

Đối với không ít người, khi mới đầu biết đến mạng xã hội facebook chỉ do bạn bè mời nên tham gia cho có phong trào, sau dần lại thành thói quen. Mỗi lần vào mạng mà không vào Facebook tán gẫu lại cảm thấy bứt rứt không yên. Thậm chí, có không ít người mắc “hội chứng facebook”, không có việc gì làm cũng vào, đôi khi chỉ là đăng tải những điều không đâu như: “cảm thấy đắng lòng”,“chán đời”, “không muốn sống...”. Nhiều bạn không bao giờ chia sẻ gì về mình trên facebook, nhưng lại dành rất nhiều thời gian để lượn lờ đọc status của người khác, xem ảnh hoặc comment mãi không dứt ra được.

Trao đổi về tác động của chứng “nghiện” facebook, chuyên gia Thu Nga nhấn mạnh, một trong những tác hại nghiêm trọng nhất chính là lẫn lộn giữa những giá trị thật và ảo. “Nếu bạn liên tục nằm mơ thấy mình biết bay, sớm muộn gì bạn cũng sẽ thử nhảy từ tầng thượng xuống”, chuyên gia Thu Nga ví von.

Có thể nói, kể từ khi trở nên phổ biến, với các tính năng, tác dụng và sự phong phú, facebook đã thu hút mạnh mẽ mọi người bất kể lứa tuổi, giới tính. Thực tế hiện nay, quan sát ở bất cứ quán cà phê nào có đông khách ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... hình ảnh phổ biến cũng là phần đông người, tuy ngồi cùng bàn với nhau nhưng lại bỏ giao tiếp, chia sẻ với nhau mà tập trung giao tiếp với... điện thoại. Đặc biệt là giới trẻ, hình ảnh hay gặp là mỗi bạn một máy điện thoại bấm bấm, vuốt vuốt.

Chuyên gia phát triển tiềm năng con người Nguyễn Duy Cương cho rằng, khi quá quen với việc trao đổi thông tin qua tin nhắn, hình ảnh, bài viết và nút “like” trên facebook, người dùng ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội này. Hệ quả là người dùng cảm thấy đủ, không muốn dành thời gian cho những cuộc gặp gỡ, giao tiếp với mọi người ngoài đời thực. Điều này thực sự không tốt với cảm xúc con người, bởi giao tiếp mặt đối mặt luôn mang đến trải nghiệm, sự gần gũi, cảm xúc thú vị. Có thể thấy lợi ích của mạng xã hội Facebook hỗ trợ các hoạt động thông tin, giao tiếp, giải trí, cung cấp tri thức và cả các hoạt động kinh tế khá hiệu quả. Mạng facebook không chỉ là nơi mọi người có thể thoải mái giao lưu chia sẻ, kết nối bạn bè. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực của facebook, nếu người dùng lạm dụng chúng hay đam mê một cách thái quá nó cũng sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Có thể nói, facebook là kẻ “siêu trộm” lấy đi thời gian, sức khỏe, năng lượng và trí tuệ của những ai sử dụng nó không rõ mục đích.

Là người vừa giúp con gái mình từ bỏ facebook thành công, chị Nguyễn Thị Oanh, trú tại ngõ 258, phố Ngọc Lâm, quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ, bắt đầu vào lớp 9, bỗng nhiên cô con gái chị tên Mai Anh học hành sa sút luôn lơ đãng, thiếu tập trung. Gần gũi con gái một thời gian, chị Oanh phát hiện cô con gái có bạn chat (nam giới) trên mạng facebook. Hai bạn thường lấy lý do học hành đến khuya để nói chuyện với nhau. Khi rõ nguyên nhân, chị Oanh tìm mọi cách gần gũi, giảng giải cho con hiểu tác hại của việc dành quá nhiều thời gian cho facebook. Chị cũng sưu tầm những chia sẻ của người nghiện facebook cho con đọc. Rất may, con gái chị đã hiểu chuyện và nghe lời mẹ từ bỏ facebook. Nửa cuối năm học, Mai Anh đã học khá lên và thi đỗ vào lớp 10.

Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (TP.HCM), nếu sử dụng đúng đắn, facebook sẽ là một nơi hiệu quả để học hỏi, thậm chí có thể trở thành một “lớp học” online, một “trường học” trực tuyến lý tưởng của mỗi người. Đôi khi một bức ảnh ý nghĩa trên facebook có thể làm thay đổi suy nghĩ hơn cả nghìn lời nói. Đôi khi chỉ cần cần đọc một câu status sâu sắc có thể làm thay đổi cách sống của mình. Đôi khi chỉ cần một câu chuyện cảm động có thể thay đổi một phần cách sống của chúng ta…

Làm sao cho facebook trở thành một công cụ hữu ích đối với mình, chứ không phải là một cỗ máy tàn phá thời gian, sức khỏe và tiền bạc? Chuyên gia Nguyễn Duy Cương khuyến nghị, đối với các bạn trẻ sử dụng facebook không mục đích, thì nên tắt facebook đi và làm những việc khác, chắc chắn bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho cuộc sống và những người xung quanh.
P.V