12:08 20/12/2012

F1 và chất kích thích -“không đội trời chung”

Ít khi người ta tìm thấy những thông tin, những vụ việc liên quan giữa đua ô tô công thức 1 (F1) và doping. Có chăng chỉ chất gây nghiện mang tên “tốc độ” là cuốn hút các tay đua trên mỗi cung đường.

Ít khi người ta tìm thấy những thông tin, những vụ việc liên quan giữa đua ô tô công thức 1 (F1) và doping. Có chăng chỉ chất gây nghiện mang tên “tốc độ” là cuốn hút các tay đua trên mỗi cung đường.


Kiểm soát chặt chẽ


Trong đua xe thể thao, khái niệm doping phức tạp hơn nhiều lần. Vẫn có những dược liệu cả hợp pháp và bị cấm sử dụng được sử dụng cùng lúc nhằm gia tăng cơ bắp, hỗ trợ giảm cân, cải thiện sự tập trung. Nhưng trên thực tế, doping gần như lánh xa các cuộc đua F1 đơn giản bởi sự chặt chẽ trong quản lý và cách xây dựng ý thức trong các tay đua.


Thông thường, các tay đua có thể sử dụng các loại chất kích thích cả trong và ngoài cuộc đua để cải thiện phong độ thi đấu. Đơn cử, có những loại chất kích thích được sử dụng trước các cuộc đua sẽ có tác dụng kích thích phát triển cơ bắp, đặc biệt là cơ cổ để chịu đựng việc ngồi hàng giờ trên ghế lái. Ngay trong cuộc đua cũng vậy, có rất nhiều chất kích thích đáng ra phải chọn F1 là mảnh đất tiềm năng. Từ những chất kích thích phổ biến như caffeine cho tới nicotin, amphetamine - những chất mà chính người sử dụng cũng không biết hết sự ảnh hưởng và phản ứng phụ.



Liên đoàn xe hơi quốc tế (FIA) phối hợp với Ủy ban phòng chống doping thế giới (WADA) liên tục thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên các tay đua cả trong và ngoài cuộc đua cứ ba tháng một lần. Cùng với đó là một lịch kiểm tra bất thường không tính theo lịch thi đấu. Ngoài ra cứ một năm hai lần, WADA sẽ tiến hành kiểm tra mẫu nước tiểu ngay trong cuộc đua. Con số này được cho là vừa phải và chỉ ở mức răn đe với các tay đua.


Thêm một yếu tố giúp FIA ngăn chặn tốt doping trong môn thể thao đua xe thế giới là các bài học trực tuyến ngay trên trang web của Hiệp hội. Trong đó có những bài học hướng dẫn các tay đua ở mọi cấp độ có thể đo được mức độ nguy hiểm của doping trong thể thao. Các bài học điện tử dưới dạng trắc nghiệm có ở các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và tiếng Nga. Đó là điều thực sự quan trọng đối với các tay đua trẻ, những người sẽ bứt phá lên top đầu trong vài năm tới. 


FIA nhắc nhở các tay đua về quy tắc chống doping ở mùa giải F1 năm 2012. Mỗi cuộc thi đều có những thông báo giúp các tay đua biết cách phòng chống các chất cấm. Năm 2011, một danh sách các chất cấm đã được phát tới tất cả các tay đua tốc độ, bao gồm cả các tay đua F1.


Và văn hóa đua xe F1


Thế nhưng, trong văn hóa đua xe F1, doping gần như không có mặt. Theo sau sự việc Lance Armstrong sử dụng doping bị phát giác, rất nhiều VĐV vẫn thường xuyên sử dụng các chất cấm với mong muốn cải thiện phong độ. Và việc theo dõi việc sử dụng các loại thuốc này vẫn là một điều rất phức tạp.


Khi số lượng các vụ sử dụng doping trong đua xe F1 rõ ràng là ít hơn các môn thể thao khác và điều ấy cũng không khó giải thích. Ảnh hưởng và phản ứng phụ trong việc sử dụng doping là rất rõ ràng. Nhưng tại môn thể thao đua xe tốc độ cao này, mỗi rủi ro ấy có thể kéo theo những sai phạm gây chết người khi đua với tốc độ cao nhất có thể lên tới 360 km/giờ (225 mph) với vòng quay máy lên tới 19.000 vòng/phút.


Những chiếc xe này có khả năng kéo gấp năm lần trọng lực tại một số khúc cua và khả năng đẩy cũng tương đương. Chính vì lẽ đó, F1 là môn thể thao gần như duy nhất lánh xa được các chất kích thích. Có chăng những vụ việc rắc rối, gian lận trong F1 chỉ liên quan đến máy móc chứ không phải là người cầm lái.


Trong đua xe thể thao, sử dụng doping có thể gây ra rất nhiều nguy cơ tổn hại cho các tay đua không chỉ cho cá nhân anh ta mà còn cho các đối thủ, người xem xung quanh hoặc có thể gây ra những tai nạn nghiêm trọng. Thêm một điều nữa không hẳn đã đúng nhưng cũng là một trong những lý do khiến doping không gắn liền với F1, mỗi sự nghiệp ngắn ngủi của các tay đua gắn với những bản hợp đồng ngắn hạn, những tài trợ nhỏ giọt.


Vì vậy mỗi một sai lầm có thể kéo theo việc cắt hợp đồng tài trợ, vì thế các tay đua đều hết sức thận trọng. Cạnh tranh ngày càng nhiều, có thể nói chỉ có 4 hoặc 5 tay đua dẫn đầu có thể kiếm được nhiều tiền tài trợ. Sau đó đến các tay đua hạng trung và các tay đua phải trả tiền để được lái xe. Không ai biết được năm sau còn được lái xe nữa không nên điều quan trọng hơn cả là phải tự giữ gìn sức khỏe và thể lực của mình.


Nhưng quan trọng hơn là trong chính văn hóa của các tay đua cũng không dành chỗ cho doping. Tại đợt kiểm tra ngẫu nhiên tại giải đua Abu Dhabi Grand Prix hồi tháng 11 vừa qua, tay đua Anthony West đội Ôxtrâylia Moto2 bị phát hiện dương tính với Methylhexaneamine, một dược chất nằm trong số những loại thuốc giúp chống mệt mỏi. Methylhexaneamine là chất gây tranh cãi trong nhiều vụ dương tính doping trong nhiều tháng qua vì các tay đua có thể tình cờ sử dụng nó mà không biết. Trước vụ việc này, Mark Webber và rất nhiều tay đua khác ngay lập tức lên tiếng yêu cầu FIA phải làm chặt chẽ hơn.


Mặc dù có rất nhiều trường hợp sử dụng doping đã được phát hiện trên các đường đua tốc độ như xe đạp hay điền kinh, nhưng đua xe ô tô F1 dường như là một trường hợp đặc biệt khi có rất ít những vụ việc lùm xùm quanh doping.


Một trong những vụ nổi bật có đôi chút dính dáng là của Tomas Enge, tay đua F1 trong đội Prost năm 2001. Khi tay đua này chuyển qua đua xe Formula 3000 hạng đua thay thế Formula 2 thì bị phát hiện có sử dụng cây cần sa. Vụ việc này tước đi của anh giải vô địch cuộc đua này năm đó. Năm ngoái, ở giải đua GT Open thế giới, tay đua Christos Niarchos cũng từng bị phạt cấm thi đấu sáu tháng vì dương tính với chất ma túy.



Lê Sơn