07:08 25/07/2012

Eurozone tiến sát miệng vực

Cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên một cấp độ nguy hiểm mới, khi ngày 24/7, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s hạ triển vọng kinh tế của Đức, Hà Lan, Lúcxămbua từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”.

Cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên một cấp độ nguy hiểm mới, khi ngày 24/7, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s hạ triển vọng kinh tế của Đức, Hà Lan, Lúcxămbua từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”.


Động thái này của Moody's, theo nhận định của giới quan sát, đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ rằng không có bất cứ nền kinh tế nào ở châu Âu, ngay cả Đức - nền kinh tế lớn nhất “lục địa già” - “miễn nhiễm” trước cuộc khủng hoảng nợ đang hoành hành ở Eurozone.


Mặc dù vẫn giữ nguyên mức tín nhiệm cao nhất AAA của ba quốc gia nói trên, song Moody's cảnh báo những nước này đang phải đối mặt với nguy cơ ngày càng rõ rệt của việc Hy Lạp buộc phải rời khỏi Eurozone và khả năng phải cứu trợ cho Tây Ban Nha và Italia. Theo Moody's, ngay cả khi Hy Lạp được “cứu thoát”, các quốc gia giàu hơn vẫn sẽ phải gánh vác trách nhiệm tài chính nặng nề trong tương lai, khi mà các nền kinh tế lớn của Eurozone như Italia và Tây Ban Nha đang đối mặt với nguy cơ phải xin cứu trợ.


 

Công nhân lắp ráp logo cho một mẫu xe Mercedes-Benz mới tại nhà máy ở Rastatt, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Tình trạng suy thoái đang trở nên nghiêm trọng hơn ở Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư trong Eurozone, và ngày càng có nhiều chính quyền địa phương của nước này phải tìm kiếm “phao cứu trợ” tài chính để duy trì hoạt động. Lãi suất của trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha tăng vọt - dấu hiệu cho thấy thị trường đang mất lòng tin vào khả năng thanh toán nợ của nước này.


Khả năng phải cứu trợ Tây Ban Nha đang khiến châu Âu lo ngại bởi chi phí cho việc cứu trợ này sẽ vượt quá tiềm lực tài chính sẵn có của các quỹ khẩn cấp. Các thị trường tài chính cũng ngày càng bất an về Italia, một nền kinh tế chủ chốt khác của châu Âu đang ngập trong các khoản nợ lớn.


Trong khi đó, Hy Lạp vẫn đang trầy trật với một núi nợ và các chủ nợ quốc tế trong ngày 24/7 đã tới nước này để kiểm tra nỗ lực của Aten trong việc cải cách nền kinh tế. Hiện có quan ngại cho rằng các quan chức đến từ Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ đưa ra kết luận là Hy Lạp không tuân thủ những điều khoản của các gói cứu trợ và có thể các tổ chức này sẽ từ chối cấp tiền cho Hy Lạp trong tương lai.


Dư luận cũng đang lo ngại Italia, nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone, có thể sẽ buộc phải xin cứu trợ. Các hoạt động kinh tế của Italia đang bị đình trệ và các thị trường lo sợ rằng nước này sẽ sớm không thể duy trì được khoản nợ trị giá 2.320 tỷ USD - khoản nợ công lớn nhất trong Eurozone, sau Hy Lạp.


Ailen, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đã phải xin cứu trợ tài chính sau khi các nước này không còn có khả năng vay mượn từ các thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, những khó khăn của các nước này “vẫn chưa là gì” so với Italia và Tây Ban Nha. Các nhà phân tích cho rằng một gói cứu trợ toàn diện cho cả hai nước này có thể sẽ “vắt kiệt” các nguồn tài chính của các nước khác trong Eurozone. Tình hình hiện nay ở châu Âu “đang rất, rất gay go”, Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy nhận định.

 

H.H