12:16 15/12/2010

Eurozone nên “chia tay trong hòa bình”?

Sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải cứu “binh nhì” Hy Lạp vào tháng 5/2010, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu tạm thời lắng xuống.

Giờ đây, khi Ailen nối gót Hy Lạp, ngập trong “đầm lầy” nợ công và phải “ngửa tay” xin cứu trợ, những quan ngại của cộng đồng quốc tế lại tràn sang Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ, thậm chí là Italia nữa. Và đây chính là lúc người ta cần nghĩ lại về khả năng đứng vững của liên minh tiền tệ châu Âu.

Trong một bài phân tích mới đây, Giáo sư kinh tế chính trị Đại học Havard (Mỹ) Doni Rodrik cho rằng điều bất hạnh đối với châu Âu là họ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế tồi tệ nhất kể từ năm 1930 trong khi quá trình nhất thể hóa vẫn chưa đi hết quãng đường phải hoàn thành. Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) ở một khía cạnh nào đó đã quá hội nhập để sự lan tỏa xuyên biên giới không dẫn tới những lộn xộn trong các nền kinh tế, nhưng ở khía cạnh khác lại không hội nhập đủ để có được khả năng mang tính tổ chức nhằm xử lý tốt khủng hoảng.

Xem xét trường hợp của Mỹ, người ta sẽ thấy nếu các ngân hàng ở Texas, Florida hay California phải đối mặt với họa tồn vong đến từ quyết định cho vay sai lầm mà thực chất là làm họ mất khả năng thanh khoản, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lúc nào cũng sẵn sàng trở thành người chịu trách nhiệm cuối cùng đối với những khoản nợ xấu đó. Nếu bị đánh giá là có khả năng vỡ nợ, các ngân hàng ở Mỹ sẽ được cho phép phá sản hoặc được chính phủ liên bang tiếp quản và quyền lợi của những người gửi tiền sẽ được Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang bảo đảm.

Tương tự, trong trường hợp phá sản ở Mỹ, luật pháp và tòa án liên bang nước này sẵn sàng đứng ra làm trọng tài phân xử yêu sách của các chủ nợ mà không bị đường biên giới giữa các bang ngăn trở. Ngoại trừ chính phủ liên bang, dù hậu quả có như thế nào, chính quyền bang vẫn không được phép xã hội hóa các khoản nợ cá nhân và vì thế nợ cá nhân sẽ không đe dọa tới các khoản tài chính công ở cấp độ bang. Chính quyền bang cũng không có quyền hợp pháp để xóa bỏ các khế ước vay nợ đối với các chủ nợ không thuộc bang mình và họ cũng không có động cơ làm như vậy ngay cả trong trường hợp nhận được sự giúp đỡ của chính phủ liên bang. Vì thế, ngay cả trong trường hợp vật lộn với khủng hoảng tài chính, các ngân hàng và các công ty phi tài chính vẫn có thể tiếp tục vay nếu bảng cân đối tài chính của họ vẫn trong tình trạng tốt, tránh được khả năng “lây nhiễm” bởi “rủi ro mang tính chủ quyền” của chính quyền bang nơi họ đứng chân.

Trong khi đó, chính phủ liên bang có thể bù đắp những thiếu hụt về nguồn thu cấp bang bằng cách hoán đổi hoặc giảm thuế. Những người công nhân khi gặp khó khăn có thể di chuyển dễ dàng sang các bang có tình trạng tốt hơn mà không phải lo lắng về sự cản trợ trong ngôn ngữ hay văn hóa. Hầu hết những vấn đề này diễn ra một cách tự nhiên mà không cần phải có sự đàm phán lâu dài, liên tục giữa những người đứng đầu bang và quan chức liên bang, hay cần tới sự trợ giúp của IMF cũng như sự hình thành của Mỹ với tư cách là thực thể kinh tế - chính trị thống nhất.

Lấy trường hợp của Mỹ soi rọi vào châu Âu, người ta sẽ nhận ra bản chất của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu không phải là Hy Lạp, Ailen hay Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha vay nợ quá nhiều, cũng không phải là việc những khoản nợ của các nước này nằm quá nhiều trong bảng cân đối tài chính của các ngân hàng châu Âu. Bản chất của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu là việc “lục địa già” không thể xây dựng được thể chế liên minh (giống như kiểu liên bang ở Mỹ) mà sự nhất thể hóa về thị trường tài chính đòi hỏi phải có. Thực tế cũng cho thấy châu Âu đang thiếu một thể chế chính trị trung ương và người ta có thể rút ra được rất nhiều bài học giá trị trong lịch sử mấy chục năm hình thành EU. Một là, hội nhập tài chính đòi hỏi phải loại trừ sự mất ổn định giữa các đồng tiền quốc gia. Hai là, việc triệt bỏ tận gốc rủi ro về tỉ giá hối đoái đòi hỏi phải có sự thống nhất về tiền tệ. Ba là, tình hình hiện nay cho thấy việc xây dựng một liên minh tiền tệ mà không có liên minh chính trị sẽ là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Nhưng, một điều rõ ràng rằng việc xây dựng liên minh chính trị cần phải có thời gian. Và với những gì diễn ra hiện nay ở châu Âu, người ta có thể dễ dàng chỉ trích sự bất tài của các chính trị gia “lục địa già”. Tuy nhiên, người ta không thể đánh giá thấp trách nhiệm nặng nề mà chính phủ các nước châu Âu đang phải gồng gánh. Nước nào cũng yêu quý và gìn giữ chủ quyền, đó là chuyện thường tình. Nhưng sự tệ hại nằm ở chỗ bản thân liên minh về kinh tế có thể thổi bùng lên ngọn lửa của chủ nghĩa dân tộc và gây nguy hiểm cho tiền đồ hội nhập về chính trị. Eurozone giờ như người có bệnh phải vái tứ phương. Ailen và các nước Nam Âu vừa phải giảm nợ vừa phải nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việc đạt được đồng thời hai mục tiêu trên sẽ là vô cùng khó khăn đối với Ailen và các nước Nam Âu khi họ vẫn còn trong Eurozone. Gói giải cứu Hy Lạp và Ailen, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, chỉ tạm thời làm dịu “chứng” mà không thể chữa được “bệnh” và cũng không thể ngăn chặn được khả năng “lây nhiễm”.

Cho dù người Đức và các chủ nợ khác ngầm đồng ý đối với việc tái cấu trúc nợ ngay bây giờ chứ không phải bắt đầu từ năm 2013 như yêu cầu của Thủ tướng Đức Angela Merkel, việc phục hồi sức cạnh tranh vẫn là vấn đề khó khăn đối với tất cả các nước thâm hụt ngân sách, đặc biệt là ở khu vực Nam Âu. Việc nằm cùng với Đức trong một khu vực tiền tệ thống nhất khiến những nước này phải đối mặt với tình trạng giảm phát, thất nghiệp cao, nhiễu loạn chính trị trong nhiều năm. Ở điểm này, theo Giáo sư Rodrik, ra khỏi Eurozone là sự lựa chọn thiết thực nhất để họ tìm kiếm sự hồi phục. Tuy nhiên, đó không phải là sự tận thế của Eurozone. Bởi các nước châu Âu có thể gia nhập trở lại, xây dựng một liên minh chắc chắn và tin cậy hơn khi đã đáp ứng những yêu cầu về tài chính, giám sát quản lý và chính trị. Còn hiện tại, Eurozone có thể đã đạt tới điểm mà ở đó “sự chia tay hòa bình” còn hơn việc phải chìm trong những năm dài kinh tế suy thoái và chính trị gay gắt.

Một giải pháp khác mà Eurozone cũng có thể lựa chọn, theo tác giả cuốn “Cứu lấy những đồng tiền của tôi” (Save Our Money), cựu Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI), ông Hans Olaf Henkel, là chia Eurozone ra thành hai khu vực. Một là nhóm các nước Bắc Âu, gồm những nước tương đối ổn định như Đức, Áo, Hà Lan, không muốn lạm phát và có kỷ luật tài chính tốt. Hai là nhóm các nước Nam Âu, do Pháp lãnh đạo, được phép phá giá tiền tệ để lấy lại sức cạnh tranh. Nhưng dẫu như thế nào, tất cả hiện vẫn nằm ở giả thiết và ý tưởng. Các nước Eurozone vẫn đang làm tất cả để gìn giữ thành quả lớn nhất trong quá trình nhất thể hóa châu Âu – đồng euro – mà phải mất nhiều thế hệ nỗ lực “lục địa già” mới đạt được.

Minh Thành