12:14 07/12/2010

Eurozone: Đối mặt với căn bệnh nợ công

Các bộ trưởng tài chính khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã nhóm họp ngày 6/12 tại Bỉ trong bối cảnh "căn bệnh" nợ công đang có dấu hiệu lây lan trong khu vực.

Các bộ trưởng tài chính khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã nhóm họp ngày 6/12 tại Bỉ trong bối cảnh "căn bệnh" nợ công đang có dấu hiệu lây lan trong khu vực. Theo chương trình nghị sự, các bộ trưởng sẽ dành nhiều thời gian tập trung thảo luận hai vấn đề gồm báo cáo về kinh tế khu vực Eurozone của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và tình hình nợ công ở châu Âu, đồng thời cân nhắc quyết định tăng hay giữ nguyên quy mô quỹ cứu trợ hiện nay.

Tại hội nghị, Tổng Giám đốc IMF, ông Dominque Strauss-Kahn, đã trình bày báo cáo về tình hình kinh tế của 16 quốc gia Eurozone, trong đó nhấn mạnh quá trình phục hồi kinh tế vẫn tiếp diễn nhưng có thể dễ dàng chệch hướng do khủng hoảng tài chính và nợ công tại châu Âu. Ngoài ra, IMF cũng đưa ra nhận định của mình về gói cứu trợ dành cho Ailen và quỹ giải quyết khủng hoảng 750 tỷ euro. Theo IMF, cả gói cứu trợ 85 tỷ euro cho Ailen và quỹ 750 tỷ euro là không đủ trong bối cảnh hiện nay và cần phải tăng quy mô cũng như sử dụng quỹ một cách linh hoạt hơn. Nhiều nhà kinh tế và nghị sĩ cũng có chung quan điểm với IMF. Họ cho rằng quỹ 750 tỷ euro là quá nhỏ khi có thể sẽ có thêm nhiều quốc gia Eurozone nữa, như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay cả Italia, sẽ buộc phải cậy nhờ sự giúp đỡ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU).

Một cuộc biểu tình phản đối chính sách kinh tế của chính phủ Ailen ở thủ đô Đablin. Ảnh: Internet


Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha, bà Elena Salgado, cho rằng tăng quy mô quỹ không phải là vấn đề vào thời điểm này. Trong một bài phỏng vấn trên tờ Les Echos, bà Salgado khẳng định các vấn đề cơ bản của kinh tế Tây Ban Nha vẫn đang bền vững và nước này sẽ không cần hỗ trợ tài chính từ quỹ trên. Chính phủ Đức cũng không đồng tình với lời kêu gọi tăng quy mô quỹ 750 tỷ euro với lý do người dân Đức sẽ phải gánh thêm nợ nếu có thêm gói cứu trợ.

Ngoài vấn đề tăng quy mô quỹ cứu trợ và thông qua báo cáo được trình bày tại hội nghị, IMF cũng kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mở rộng chương trình mua trái phiếu cho đến khi các vấn đề bất ổn trong khu vực dịu lắng. Trước đó, Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet không đề cập đến vấn đề mở rộng chương trình này trong cuộc họp chính sách gần đây. Tuần trước, hoạt động mua trái phiếu của ECB đã giúp các thị trường yên ổn, làm giảm chi phí đi vay của một số quốc gia như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia. Tuy nhiên, một số chuyên gia coi đây chỉ là tác dụng tạm thời và khu vực Eurozone có thể không tồn tại nổi theo cách này nếu cuộc khủng hoảng nợ công còn kéo dài.

Liên quan đến trái phiếu, trong một bài báo đăng trên tạp chí Financial Times số ra ngày 6/12, Thủ tướng Lúcxămbua Jean-Claude Juncker và Bộ trưởng Tài chính Italia Giulio Tremonti cùng kêu gọi thành lập một cơ quan nợ châu Âu chuyên phát hành một loại trái phiếu chung của khu vực (E-bond) nhằm chấm dứt tình trạng khủng hoảng hiện nay. Theo hai vị quan chức trên, E-bond sẽ giúp tạo ra một thị trường toàn cầu về trái phiếu châu Âu có tính thanh khoản, góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ và thu hút dòng vốn vào châu Âu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble trong một cuộc phỏng vấn cho rằng, E-bond không phải là giải pháp vì nó sẽ yêu cầu thay đổi cơ bản các hiệp ước hiện nay ở châu Âu.

Ngay sau hội nghị bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ là hội nghị bộ trưởng tài chính EU (hôm nay 7/12), trong đó, các bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ thông qua gói cứu trợ 85 tỷ euro cho Ailen và thảo luận về cải cách quy định ngân sách theo hướng chặt chẽ hơn. Việc thắt chặt các quy định về ngân sách cũng được IMF đồng tình. Tổ chức này cho rằng cần có biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia Eurozone không có kế hoạch ngân sách phù hợp với hướng dẫn của EU. Đức và Pháp thậm chí còn muốn trừng phạt về mặt chính trị đối với các quốc gia không tuân theo hướng dẫn của EU.

Thùy Dương (tổng hợp)