06:16 27/06/2018

EU và bài toán di cư chưa tìm ra lời giải

"Bài toán" người di cư vốn thách thức mô hình "mái nhà chung" châu Âu trong suốt 3 năm qua, được kỳ vọng có thể giải quyết trong Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra hai ngày 28-29/6.

Chú thích ảnh
Người di cư trên tàu cứu hộ Lifeline ngày 25/6. Ảnh: AFP/TTXVN.

 

Tuy nhiên, bế tắc của hội nghị thượng đỉnh hẹp được tổ chức vài ngày trước với sự tham gia của lãnh đạo 16 nước thành viên EU nhằm tìm kiếm một cách tiếp cận chung của châu Âu trong vấn đề này, đang phủ bóng đen lên mối quan hệ nội bộ EU, từng được xem là một mô hình liên minh gắn kết và mạnh mẽ suốt nhiều thập niên.

 

Việc hai thành viên đầu tàu EU là Pháp và Italy tranh cãi gay gắt, thậm chí sa vào chỉ trích lẫn nhau, về việc cứu hay bỏ mặc người di cư bất hợp pháp liên quan tàu cứu hộ Aquarius chỉ cách đây hơn 2 tuần giữa đã một lần nữa bộc lộ những chia rẽ sâu sắc giữa các  nước EU, đồng thời cho thấy EU vẫn đang loay hoay đối phó với gánh nặng bắt nguồn từ làn sóng người chạy trốn chiến tranh, bạo lực, đói nghèo... dồn về "lục địa già". Dù năm nay, lượng người di cư tìm đường tới châu Âu đã giảm đáng kể, tới 2/3 so với con số đỉnh điểm hơn 1 triệu người năm 2015, song sự chia rẽ và bất hòa trong EU liên quan vấn đề tiếp nhận người tị nạn rõ ràng chưa thể thu hẹp, mà vụ con tàu Aquarius chỉ là "giọt nước làm tràn ly".

 

Chỉ một con tàu Aquarius với hơn 600 người tị nạn đã đủ sức làm "dậy sóng" EU, cũng minh chứng rằng một EU thiếu chuẩn bị và hoàn toàn bị động trước dòng người nhập cư ồ ạt vẫn không thể tìm ra được tiếng nói chung giữa các thành viên về một giải pháp toàn diện để ứng phó với cuộc khủng hoảng được cho là lớn nhất ở châu Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Hàng loạt giải pháp mà EU áp dụng hơn 2 năm qua tỏ ra chưa phải là đáp án cần và đủ cho "bài toán" nan giải này.

 

Một trong những giải pháp đầu tiên là phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư bắt buộc trong các quốc gia thành viên trên tinh thần cùng chung tay chia sẻ gánh nặng với các quốc gia tuyến đầu như Italy hay Hy Lạp. Theo thống kê của Liên hợp quốc, trong số hơn 1 triệu người di cư đổ về châu Âu trong năm 2015, có khoảng 854.000 người tới Hy Lạp và 154.000 người khác tới Italy. Biện pháp phân bổ hạn ngạch khi đó được coi như chìa khóa hóa giải tình trạng quá tải tại các quốc gia "cửa ngõ" này. Tuy nhiên, trong khi các nước Bắc Âu như Đức, Thụy Điển, Pháp "sẵn lòng" tiếp nhận người di cư thì các quốc gia Trung và Đông Âu như Hungary, Bulgaria, Áo hay CH Séc lại nhìn nhận đây là mối đe dọa an ninh và là gánh nặng cho nền kinh tế vốn không mấy khởi sắc của họ. Vì vậy, giải pháp này đã ngay lập tức bị khối Trung và Đông Âu phản đối và vẫn là nguyên nhân gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ EU cho tới nay. Các thành viên khu vực này đã bỏ qua mọi lời kêu gọi về cái gọi là "tinh thần chung" của EU và một mực khẳng định chủ quyền quyết định vấn đề bằng cách dựng các hàng rào, đóng cửa biên giới..., bất chấp Ủy ban châu Âu đã kiện Ba Lan, CH Séc và Hungary "không tuân thủ nghĩa vụ pháp lý đối với việc phân bổ hạn ngạch". Và thực tế đã chứng minh, dù đặt ra chỉ tiêu phân bổ hơn 160.000 người di cư, tới nay EU mới chỉ tái định cư được cho khoảng 27.000 người.

 

Giải pháp nữa là thỏa thuận ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3/2016, theo đó Ankara tiếp nhận lại những người di cư không đủ tiêu chuẩn để đổi lấy hàng loạt "ưu đãi" từ EU, từng được đánh giá là một công cụ hỗ trợ đắc lực giúp giảm đáng kể số người di cư đổ về "lục địa già". Về mặt kỹ thuật, nhờ thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường các hoạt động tuần tra bờ biển. Cùng với đó là việc đóng cửa biên giới khu vực Balkan, dòng người di cư đã giảm đáng kể xuống chỉ còn 390.000 người trong năm 2016. Nhưng đây cũng chưa phải là thỏa thuận vẹn toàn. Nhiều tổ chức cứu trợ cảnh báo thỏa thuận này đẩy những người khốn khổ vào đường cùng, tới những rủi ro và nguy cơ bị lạm dụng, đồng thời bị coi là tiền lệ hết sức nguy hiểm. Trong khi tương lai của những người di cư vô cùng bấp bênh thì thỏa thuận này luôn trở thành "quân bài mặc cả" mỗi khi mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ gặp sóng gió.

 

Song song với những biện pháp tại chỗ, EU cũng không ngừng hỗ trợ các quốc gia bất ổn với mong muốn giải quyết vấn đề từ gốc rễ. EU đã tài trợ nhiều tỷ euro cho hoạt động tại các trung tâm tị nạn của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ở các nước như Libya, cũng như đào tạo lực lượng an ninh, bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển. Dự kiến năm nay, EU sẽ mở một "trung tâm điều phối khu vực" tại thủ đô Khartum (Sudan) nhằm đào tạo các lực lượng biên phòng cho nhiều nước châu Phi. Một lực lượng cảnh sát phối hợp, được gọi là EUCAP, đã ra đời từ năm 2015 với mục tiêu hàng đầu là triệt phá các mạng lưới chuyên chở người tị nạn bất hợp pháp qua đường biển. Tuy nhiên, có vẻ những giải pháp "từ gốc" của EU vẫn chưa toàn diện và chưa bao trùm được tất cả các quốc gia có đông người di cư tới châu Âu. Vấn đề đặt ra là EU phải đưa ra được một kế hoạch tổng thể và thống nhất trong toàn liên minh, thay cho các biện pháp tạm thời và tức thì, thiếu tầm nhìn  và sẽ khó có thể cải thiện  lòng tin của người dân trong bối cảnh đang tồn tại bất đồng lớn giữa những người thực sự muốn giải quyết vấn đề di cư và những người chỉ muốn dựng lên những bức tường và rào cản.

 

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, hàng loạt đề xuất đã được đưa ra, như thành lập "những trung tâm bảo trợ quốc tế" tại các nước trung chuyển, thiết lập hạn ngạch nhập cảnh cho những người di cư kinh tế, gắn trách nhiệm chia sẻ việc tiếp nhận người di cư với các khoản tiền từ EU, ký kết thỏa thuận với các nước quê hương của những người di cư.... Những tín hiệu khả quan đã được phát đi khi các nhà lãnh đạo Italy hay Pháp đều cho rằng các nước EU đã có những cơ hội thảo luận,  cùng nhau cân nhắc và loại bỏ những giải pháp không phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn những bất đồng khó giải quyết, đặc biệt khi hội nghị hẹp tìm kiếm giải pháp trước thềm hội nghị thượng đỉnh đã bị các nước thuộc nhóm Visegrad gồm Hungary, Séc, Slovakia và Ba Lan tẩy chay. Vấn đề càng trở nên nhức nhối hơn khi ngày càng nhiều trở ngại đối với chính sách chung của châu Âu về tiếp nhận người di cư. Hàng loạt các vụ tấn công khủng bố, quấy rối nghiêm trọng đều có yếu tố liên quan tới người di cư, hay tình trạng khủng hoảng nhân đạo tại các trại tị nạn đã ảnh hưởng không nhỏ tới những chủ trương ủng hộ tiếp nhận người di cư. Đó là những yếu tố tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho khả năng tìm lời giải cho bài toán chung.

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định rằng việc giải quyết những tranh chấp leo thang về vấn đề di cư bất hợp pháp được xem là phép thử mang tính quyết định đối với tương lai và sự gắn kết của EU. Đây thực sự là bài toán khó giải của các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh lần này.

 

Lê Ánh (TTXVN)