02:11 23/02/2021

EU ủng hộ Australia trong cuộc tranh chấp với Facebook

Ngày 22/2, Ủy viên châu Âu về dịch vụ kỹ thuật số Thierry Breton đã lên tiếng ủng hộ Australia trong cuộc tranh chấp với "gã khổng lồ" Facebook, cho rằng Canberra đã đi đúng hướng.

Chú thích ảnh
Biểu tượng Facebook trên màn hình điện thoại và máy tính. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu trước các nghị sĩ Liên minh châu (EU), ông Breton cho rằng Facebook đã sai lầm khi liên tiếp loại bỏ truyền thông Australia ra khỏi các dịch vụ tin tức trả tiền. Tuần trước, Facebook đã xóa toàn bộ nguồn cấp dữ liệu của hàng chục trang thông tin truyền thông của Australia dành cho người dùng nước này và chặn họ chia sẻ bất kỳ nội dung tin tức nào để phản đối Bộ quy tắc thương lượng truyền thông của Chính phủ Australia buộc Facebook và Google phải trả tiền sử dụng nội dung tin tức của các hãng truyền thông nội địa trên công cụ tìm kiếm và mạng xã hội.

Ủy viên châu Âu Breton, người cũng tham gia soạn thảo Đạo luật thị trường kỹ thuật số và Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của EU, cho rằng một nền tảng có hành động như vậy nhằm phản đối luật pháp của một quốc gia là điều đáng tiếc. Quan chức EU này nhấn mạnh các nền tảng phải tuân thủ các cơ quan quản lý chứ không phải ngược lại và cho rằng điều đang diễn ra tại Australia cho thấy hành vi của Facebook cần phải điều chỉnh. 

Trong một tuyên bố từ Liên minh Các hiệp hội thương mại truyền thông tin tức, ông Fernando de Yarza, Chủ tịch của News Media Europe, cho biết bất đồng giữa Chính phủ Australia với Facebook cần được xem là một lời cảnh báo. Ông khẳng định thực sự cần có một công cụ ràng buộc để giải quyết sự mất cân bằng cố hữu trong khả năng thương lượng với các công ty công nghệ nắm trong tay quyền kiểm duyệt Internet, vốn làm suy yếu tiềm năng của ngành báo chí châu Âu.

Cùng ngày, tập đoàn Microsoft và các nhóm truyền thông châu Âu đã thúc giục các nhà quản lý của EU yêu cầu các nền tảng trực tuyến tìm kiếm sự phân xử về bất đồng về cách chia sẻ doanh thu với các nhà xuất bản tin tức. Đây cũng là điểm mấu chốt trong cuộc tranh cãi giữa Chính phủ Australia và Facebook.

Theo Microsoft và các nhà xuất bản, những quy định về bản quyền được cải cách năm 2019 của EU buộc Google và các nền tảng trực tuyến khác phải ký thỏa thuận cấp phép với các nhạc sĩ, tác giả và nhà xuất bản để được quyền sử dụng tác phẩm của họ.

Phó Chủ tịch Microsoft Casper Klynge cho biết sáng kiến này là bước đi hợp lý, đồng thời cho biết thêm rằng tập đoàn đã chia sẻ doanh thu với các nhà xuất bản thông qua sản phẩm Microsoft News.

Lời kêu gọi của Microsoft, Hiệp hội Tạp chí truyền thông châu Âu, Hiệp hội Nhà xuất bản báo chí châu Âu, Hội đồng Nhà xuất bản châu Âu và tin tức truyền thông châu Âu được đưa ra khi các nghị sĩ châu Âu bắt đầu đàm phán về các quy tắc nhằm kiềm chế những "gã khổng lồ" công nghệ của Mỹ.
Truyền thông châu Âu cũng bày tỏ sự ủng hộ Australia trong cuộc tranh cãi với Facebook. 

Với bài viết nhan đề “Các nền dân chủ cùng nhau chống lại các hãng công nghệ lớn”, nhật báo Hospodářské Noviny của CH Séc cho rằng những gì Facebook đang làm là không thể chấp nhận được. Theo Hospodářské Noviny, các nghị sĩ Anh đã kêu gọi các nhà lập pháp Australia không được nhượng bộ. Cũng theo tờ báo này, các quốc gia EU cũng nên ủng hộ quan điểm của Australia, bởi một chiến thắng của Facebook trước một quốc gia có chủ quyền sẽ làm suy yếu đáng kể các nguyên tắc dân chủ, vốn đã bị tổn hại do hoạt động của các công ty công nghệ lớn và mạng xã hội. 

Nhật báo Postimees của Estonia thì cho rằng mục tiêu của Chính phủ Australia là thiết lập một sân chơi bình đẳng để điều chỉnh sự cạnh tranh giữa những tập đoàn công nghệ lớn và các doanh nghiệp địa phương. Postimees nhấn mạnh Estonia đang theo đuổi mục tiêu tương tự và EU phải đưa vấn đề đánh thuế công bằng hơn đối với nền kinh tế kỹ thuật số trở lại chương trình nghị sự. 

Trong khi đó, nhật báo Italy La Repubblica nhận định "mặt trận thống nhất" trong nhiều tháng qua của các tập đoàn công nghệ lớn hiện đã bị chia rẽ giữa một bên muốn đối thoại (Google) và một bên kiên quyết chống lại (Facebook). Theo nhật báo trên, việc Facebook kiên quyết từ chối trả thù lao cho các nhà xuất bản vì nội dung của họ được chia sẻ trên mạng xã hội và đã đi xa đến mức chặn các chia sẻ trên mạng xã hội tại Australia đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn cầu và là hành động phản tác dụng.

Kim Chung - Đức Hùng (TTXVN)