07:22 08/07/2020

EU tìm cách khắc phục khan hiếm thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19

Liên minh châu Âu (EU) đang tìm kiếm các công ty cung ứng 24 loại thuốc đặc trị nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm thuốc điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Nỗ lực này được thực hiện trong bối cảnh có nhiều quan ngại về làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ hai và nhu cầu thuốc toàn cầu đang tăng mạnh. 

Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời một quan chức EU cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị các nhà sản xuất thuốc đưa ra bảng giá chào hàng của họ vào ngày 9/7. Đây là động thái mới nhất của EC trong kế hoạch tăng cường mua sắm các trang thiết bị y tế thiết yếu, cũng như thuốc và vaccine cho các nước thành viên trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành.   

Nguồn tin trên cho biết thêm hiện EU vẫn thiếu thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc giãn cơ, thuốc gây mê... cùng nhiều vật tư y tế khác. 

Chú thích ảnh
Thuốc giảm đau Paracetamol được bày bán tại hiệu thuốc ở Sundbyberg, gần Stockholm, Thụy Điển ngày 16/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Một tài liệu nội bộ của EU cho thấy trong tháng 4 vừa qua, liên minh này thiếu khoảng 100 loại dược phẩm dùng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại các quốc gia thành viên. Trong số các dược phẩm không sẵn có hoặc có nguy cơ thiếu tại phần lớn các nước EU phải kể tới thuốc giảm đau paracetamol; các loại thuốc gây mê Fentanyl, Midazolam, Propofol; thuốc giãn cơ Cisatracurium và Rocuronium; kháng sinh Piperacillin, Azithromycin, Amoxicillin... Các loại thuốc này chủ yếu được sử dụng trong phác đồ điều trị đối với những bệnh nhân COVID-19 nặng.        

Việc EC đứng ra đại diện bỏ thầu đối với các nhà cung ứng thuốc sẽ giúp tránh được tình trạng cạnh tranh giữa các nước thành viên trong việc mua thuốc và trang thiết bị y tế thiết yếu. 

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), đa phần trong số 27 nước EU đã qua đỉnh dịch COVID-19 cách đây một vài tuần. Tuy nhiên, một số quốc gia gần đây lại ghi nhận số ca nhiễm bệnh tăng trở lại và các ổ dịch được khoanh vùng tương đối lớn.

* Trong diễn biến cùng ngày, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho rằng EU cần quyết liệt hơn trong cuộc chiến ngăn chặn đại dịch COVID-19 cũng như các tác động của đại dịch này đối với nền kinh tế của khối.

Phát biểu trong hội nghị trực tuyến do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chủ trì, Thủ tướng Costa nhấn mạnh "Đoàn kết hoặc cùng chết. Chúng ta cần một EU hùng mạnh".  

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, cùng chung quan điểm trên, trong buổi họp báo với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khẳng định thị trường đơn nhất của EU đang bị đe dọa và nếu không phối hợp và phản ứng mạnh mẽ, liên minh này sẽ phá hủy chuỗi giá trị châu Âu. 

Về phần mình, Thủ tướng Tây Ban Nha cho rằng tình trạng khẩn cấp về y tế hiện nay đang chuyển thành tình trạng khẩn cấp về kinh tế, xã hội. Phản ứng phải mang tính quốc gia nhưng cũng phải mang tính khu vực (châu Âu). Thủ tướng Pedro Sanchez khẳng định các công cụ hỗ trợ khắc phục hậu quả tình trạng khẩn cấp như Quỹ phục hồi cần có một phản ứng chung từ châu Âu và không thể có thời điểm nào khác để đạt được thỏa thuận ngoài tháng 7 này. 

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi châu Âu hợp tác và gắn kết trước "thử nghiệm lớn nhất trong lịch sử EU"  mang tên đại dịch COVID-19.

Các nhà lãnh đạo EU đang cần phải thống nhất quan điểm về gói phục hồi kinh tế và một cuộc họp về quỹ phục hồi này cũng như ngân sách chung sắp tới của liên minh sẽ được tổ chức tại Brussels (Bỉ) vào ngày 17-18/7 tới. Những quan điểm khác biệt đáng kể giữa các quốc gia thành viên liên minh vẫn là những vấn đề then chốt còn tồn đọng, trong đó có câu hỏi về việc liệu quỹ phục hồi kinh tế có dựa trên các khoản nợ hay dựa vào các khoản trợ cấp toàn diện cho các nước có nhu cầu.   

* Cũng trong ngày 8/7, Italy kêu gọi áp đặt các biện pháp phòng ngừa mới đối với du khách ngoài EU tới thăm các quốc gia thuộc khối này. Đây là bước đi mới nhất trong nỗ lực nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. 

Trong bức thư gửi tới Uỷ viên Y tế của EU Stella Kyriakides và Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nhấn mạnh ông sẽ cân nhắc phù hợp để lập các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt mới đối với các du khách tới từ những khu vực không thuộc khối Schengen và ngoài EU.

Italy mới đây đã quyết định dừng tất cả các chuyến bay từ Bangladesh tới nước này trong vòng 1 tuần do "số lượng đáng kể" các hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trên một chuyến bay tới thủ đô Rome hôm 6/7 vừa qua.

Minh Tâm (TTXVN)