03:16 09/03/2022

EU thực hiện kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt Nga trong năm nay như thế nào?

Ngày 8/3, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ giảm 2/3 lượng khí đốt mua từ Nga trước cuối năm nay nhằm phản ứng với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Chú thích ảnh
Trạm tiếp nhận khí đốt của Hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga ở Lubmin, Đức ngày 1/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNBC, thông báo trên đánh dấu thay đổi lớn vì EU phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga. Khí đốt Nga chiếm 45% tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào EU năm 2021. Kế hoạch nói trên của EU có tên REPowerEU

Theo các tài liệu do Ủy ban châu Âu công bố, EU sẽ phải thực hiện một số biện pháp để thực hiện kế hoạch này.

EU có đủ lượng khí đốt dự trữ để sưởi ấm trong mùa đông này, ngay cả trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị gián đoạn hoàn toàn.

Tuy nhiên, EU phải tích trữ đầy bồn chứa khí đốt trước mùa đông tới. EU sẽ đưa ra đề xuất vào tháng 4/2022 để đặt mục tiêu lấp đầy 90% các bồn chứa khí đốt vào ngày 1/10 hàng năm. Cho đến khi luật được thông qua, EU kêu gọi các quốc gia thành viên chuẩn bị nạp đầy các bồn chứa khí đốt cho mùa đông tới.

EU đã đàm phán với các nước để mua khí đốt thông qua đường ống hoặc mua khí đốt thiên nhiên lỏng. Các nước mà EU đã đàm phán gồm Algeria, Azerbaijan, Ai Cập, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nigeria, Na Uy, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. EU nhập khẩu một lượng khí thiên nhiên hóa lỏng kỷ lục trong tháng 1 và tháng 2. Ủy ban châu Âu cho biết những cuộc đàm phán nói trên sẽ giúp EU mua thêm 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm.

Theo kế hoạch, EU cũng sẽ sản xuất 35 tỷ mét khối mê tan sinh học vào năm 2030, tăng gấp đôi so với mục tiêu đã nêu trước đây. Để làm được điều này, EU sẽ sử dụng các nguồn sinh khối như chất thải nông nghiệp.

Một biện pháp khác là xây dựng Máy gia tốc Hydro để phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết, tăng khả năng lưu trữ và năng lực của các cảng. Mục tiêu là tới năm 2030, EU sẽ thay thế 25-50 tỷ mét khối khí đốt nhập khẩu bằng hydro tái tạo -hydro được sản xuất bằng máy điện phân chạy bằng các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như điện gió hoặc mặt trời.

EU cũng phải đầu tư tích cực vào nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong gia đình, tòa nhà và các ngành công nghiệp, ước tính có thể tiết kiệm 25 tỷ mét khối mỗi năm.

Các nước EU phải đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo. Đối với năng lượng mặt trời, EU cần đẩy nhanh triển khai các hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà lên đến 15 terawatt giờ trong năm nay, để tiết kiệm 2,5 tỷ mét khối khí đốt.

Khi EU giảm nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, giá mặt hàng gần như chắc chắn sẽ tăng. Để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ, EU đã cho phép các quốc gia thành viên thực hiện một số hành động trong điều kiện hoàn cảnh đặc biệt hiện tại.

Các biện pháp này gồm: Điều phối giá khí đốt bán cho những người tiêu dùng dễ bị tổn thương và các doanh nghiệp nhỏ; đánh thuế tạm thời đối với lợi nhuận mà các công ty năng lượng thu được nhờ giá năng lượng đặc biệt cao và số tiền thues này sẽ được chi cho người tiêu dùng để hỗ trợ thanh toán hóa đơn khí đốt…

Trong khi đó, Chính phủ Anh ngày 8/3 đã thông báo nước này sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay. Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp của Anh - ông Kwasi Kwarteng - đăng trên mạng xã hội Twitter nêu rõ: “Quyết định chuyển đổi này sẽ cho phép thị trường, các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng có đủ thời gian để thay thế việc nhập khẩu dầu mỏ của Nga, vốn chiếm 8 % nhu cầu của Anh”.

Biện pháp trên của Chính phủ Anh được đánh giá là có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt ở nước này, với việc giá xăng và dầu diesel tăng cao trong bối cảnh thị trường hỗn loạn sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy vậy, Bộ trưởng Kwarteng cho biết phần lớn dầu thô nhập khẩu của Anh đến từ những đối tác đáng tin cậy như Mỹ, Hà Lan và các quốc gia vùng Vịnh. Ông lưu ý: “Chúng tôi sẽ phối hợp với họ trong năm nay để đảm bảo có thêm nguồn cung”.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

Trước đó, ngày 7/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo rằng lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt xuất khẩu từ Nga có nguy cơ đẩy an ninh năng lượng của châu Âu vào tình trạng nguy hiểm.

Thùy Dương/Báo Tin tức