12:09 18/12/2010

EU: Thành lập quỹ cứu trợ thường trực.

Lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/12 (giờ Việt Nam) đã nhất trí thành lập một hệ thống cứu trợ tài chính thường trực từ năm 2013. Đó là kết quả đáng kể nhất mà 27 nước EU đã đạt được sau hai ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brúcxen (Bỉ).

Lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/12 (giờ Việt Nam) đã nhất trí thành lập một hệ thống cứu trợ tài chính thường trực từ năm 2013. Đó là kết quả đáng kể nhất mà 27 nước EU đã đạt được sau hai ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brúcxen (Bỉ).

Theo thông báo của ông Herman Van Rompuy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, các lãnh đạo EU đã đồng ý sửa một cách hạn chế Hiệp ước EU để tạo cơ sở thành lập một Cơ chế ổn định châu Âu (ESM). 27 thành viên EU sẽ chỉ cần thông qua thay đổi nhỏ này vào cuối năm 2012 mà không cần phải tổ chức trưng cầu ý dân.

Cơ chế ESM nhằm mục đích xử lý các cuộc khủng hoảng tài chính kể từ tháng 6/2013 - thời điểm quỹ bình ổn tài chính châu Âu tạm thời (EFSF, trị giá 750 tỷ USD) hết hạn.


Theo đó, ESM sẽ cho phép các thành viên gặp hoàn cảnh khó khăn có thể vay tiền với điều kiện nghiêm ngặt. Tuy nhiên, các lãnh đạo EU nhấn mạnh, các nước gặp khó khăn chỉ được vay tiền trong trường hợp "đặc biệt cần thiết" để đảm bảo tính ổn định toàn diện của đồng euro.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu J. M.Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu H. Van Rompuy tại cuộc họp báo chung trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU. Ảnh: AFP-TTXVN


Theo hãng tin AP, ESM không chỉ đơn thuần là một quỹ cứu trợ tài chính. Bước đầu, ESM sẽ cung cấp các khoản cho vay cứu trợ cho các quốc gia đối mặt với khủng hoảng về tính thanh khoản - tức là khi các quốc gia này không kịp tiếp cận nguồn tiền để trả nợ. Hơn thế, ESM sẽ có sự tham gia của cả lĩnh vực tư nhân


Những người ủng hộ cơ chế ESM này cho rằng điều đó là cần thiết để bảo vệ người đóng thuế ở những nước có nền kinh tế mạnh như Đức vì họ sẽ không phải trả tiền cho sự chi tiêu bừa bãi của những nước như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha. Cơ chế cũng giúp ngăn chặn các quốc gia dồn tích nhiều nợ xấu trong tương lai.

Sau khi nhất trí về ESM, bộ trưởng tài chính 27 nước EU sẽ bắt đầu đi vào chi tiết của cơ chế mới này, như số tiền đóng góp của các nước thuộc khu vực sử dụng đồng euro.

Tại hội nghị, đại diện Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kêu gọi lãnh đạo các nước EU cần hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ đồng tiền chung euro và cần phải tăng gần gấp đôi số vốn hiện có tại ECB lên 10,76 tỷ euro


Theo ECB, con số này mới đủ để đối phó với tình hình bất ổn trên thị trường và rủi ro tín dụng ngày càng cao. Tình hình tại ECB hiện nay đang căng thẳng do phải đầu tư quá nhiều vào việc mua trái phiếu của các chính phủ đang gặp khó khăn.

Về vấn đề tăng quy mô quỹ EFSF, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy cho rằng không cần thiết phải thực hiện vào lúc này do hiện nay quỹ bình ổn mới chỉ dùng 4%.


Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng sẽ phải tăng quy mô quỹ trong tương lai. Ông Van Rompuy cũng khẳng định: "Lãnh đạo và chính phủ các nước Eurozone sẵn sàng làm bất kỳ điều gì cần thiết để đảm bảo tính ổn định của toàn bộ Eurozone".

Đề xuất thành lập thị trường trái phiếu chung châu Âu (E-bond), vốn bị Đức phản đối mạnh mẽ, cũng không tìm được tiếng nói ủng hộ tại hội nghị. Ông Axel Weber, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức, cho rằng E-bond sẽ không củng cố niềm tin trong khu vực tài chính công và sẽ khiến các quốc gia không có ý thức chịu trách nhiệm về tình hình tài chính của nước mình.


Các lãnh đạo EU đã nhất trí tạm đặt vấn đề E-bond sang một bên. Tuy nhiên, tác giả đề xuất E-bond, Thủ tướng Lúcxămbua Jean-Claude Juncker, cho rằng vấn đề về E-bond sẽ chưa kết thúc ở đây.

Thùy Dương (tổng hợp)