01:06 24/01/2023

EU thành lập phái bộ mở rộng tham gia giám sát biên giới Armenia - Azerbaijan

Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/1 đã thành lập phái bộ dân sự với nhiệm vụ tham gia giám sát đường biên giới nhiều biến động giữa Armenia với Azerbaijan, qua đó củng cố vai trò của khối này tại khu vực Nam Caucasus.

Chú thích ảnh
Quốc kỳ Azerbaijan và Armenia tại trạm kiểm soát ở khu vực biên giới giữa hai nước. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

EU bày tỏ hy vọng sẽ “đóng góp vào sự ổn định ở các khu vực biên giới của Armenia, xây dựng lòng tin trên thực địa và đảm bảo một môi trường thuận lợi cho những nỗ lực bình thường hóa giữa Armenia và Azerbaijan”.

Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tuyên bố: “Quyết định thành lập Phái bộ EU tại Armenia mở ra một giai đoạn mới trong kế hoạch can dự của EU tại Nam Caucasus”.

Sáng kiến trên do Armenia đưa ra và được mở rộng thành một phái bộ gồm 40 chuyên gia của EU chịu trách nhiệm giám sát khu vực dọc biên giới của Armenia với Azerbaijan trong 2 tháng cuối năm 2022. Theo thông cáo của EU, phái bộ mới sẽ hoạt động trong vòng 2 năm và sẽ tiến hành “hoạt động tuần tra đều đặn và báo cáo về tình hình”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan đã bắt đầu thực hiện chuyến công du Brussels (Bỉ) từ ngày 23-25/1 để tham dự những cuộc gặp với Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, ông Borrell và các quan chức cấp cao khác của EU.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mirzoyan sẽ phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại thuộc Nghị viện châu Âu, trong đó, ông sẽ đề cập đến những vấn đề như sự ổn định và an ninh ở Nam Caucasus, cuộc khủng hoảng nhân đạo bùng phát ở Nagorny-Karabakh do hậu quả của hành động phong tỏa hành lang Lachin, tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan, cũng như mối tương tác giữa Yerevan và EU.

Quan hệ giữa Yerevan và Baku đã trở nên căng thẳng liên quan quyền kiểm soát Nagorny-Karabakh, khu vực nằm sâu trong phần lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia. Vấn đề này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước láng giềng, đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra tại đây. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hàng chục cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được giải pháp hòa giải phù hợp.

Hồi tháng 5/2022, hai nước thông báo đã thành lập một ủy ban phân định biên giới và động thái này được đánh giá là bước đi hướng tới mục tiêu sớm chấm dứt tranh chấp khu vực Nagorny-Karabakh.
Tháng 9/2022, xung đột đã bùng phát trở lại, khiến 286 người của cả hai bên thiệt mạng. Yerevan và Baku đã ký lệnh ngừng bắn ngày 14/9 sau 2 ngày xung đột.

Minh Tuấn - Trung Kiên (TTXVN)