02:10 19/02/2013

EU siết chặt trừng phạt Triều Tiên và Syria

27 nước thành viên EU đã nhất trí áp đặt một gói biện pháp trừng phạt mới chống CHDCND Triều Tiên để trả đũa việc nước này tiến hành vụ thử hạt nhân hồi tuần trước.

Ngày 18/2, tại hội nghị ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ), các nhà ngoại giao 27 nước thành viên EU đã nhất trí áp đặt một gói biện pháp trừng phạt mới chống CHDCND Triều Tiên để trả đũa việc nước này tiến hành vụ thử hạt nhân hồi tuần trước.

Theo tuyên bố của các ngoại trưởng EU, gói biện pháp này bao gồm lệnh cấm đi du lịch, giao dịch tài chính, thương mại và phong tỏa tài sản đối với những cá nhân và tổ chức liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng. Sau quyết định này, danh sách cá nhân của Triều Tiên bị áp đặt trừng phạt là 26 người, và số tổ chức là 33.

Hình ảnh trên truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên ngày 12/2. Ảnh: Yonhap/TTXVN


Các biện pháp trừng phạt còn bao gồm cấm xuất khẩu và nhập khẩu một số thành phần chủ chốt trong hệ thống tên lửa đạn đạo, như một số loại nhôm; cấm giao dịch trái phiếu chính phủ của Triều Tiên, cấm buôn bán vàng, kim cương và các kim loại quý khác... Các ngân hàng Triều Tiên cũng không được phép mở chi nhánh mới tại EU hoặc liên doanh với các thể chế tài chính EU, trong khi các ngân hàng châu Âu bị cấm mở trụ sở hoặc chi nhánh tại Triều Tiên.

Trong tuyên bố, EU cũng cho biết sẽ xem xét khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn sau khi tham vấn với các đối tác chủ chốt.

Trước đó, ngày 22/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) gồm 15 nước ủy viên đã nhất trí thông qua nghị quyết mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên liên quan tới vụ phóng tên lửa mang vệ tinh hồi tháng 12/2012. Theo đó, Cơ quan Vũ trụ Triều Tiên, một ngân hàng, 4 công ty thương mại cùng một số quan chức bị liệt vào "danh sách đen" bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại.

* Cũng tại hội nghị nói trên, EU đã nhất trí gia hạn ba tháng các biện pháp trừng phạt đối với Syria, nhưng sẽ sửa đổi một lệnh cấm vận vũ khí "nhằm cung cấp thêm hỗ trợ phi sát thương và trợ giúp kỹ thuật để bảo vệ thường dân". Quyết định này là một thỏa hiệp sau nhiều tuần lễ bất đồng giữa Anh - nước muốn nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí cho lực lượng chống đối tại Syria - và một số nước EU khác phản đối việc cho phép đưa thêm vũ khí vào nước này.

Trong khi đó, các ngoại trưởng EU đã tán thành việc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với Zimbabwe, như một sự ghi nhận về các cải cách chính trị đang diễn ra ở nước này.

Trong bối cảnh Zimbabwe chuẩn bị bỏ phiếu về bản hiến pháp mới vào tháng 3, các ngoại trưởng EU đã nhất trí chấm dứt lệnh phong tỏa tài sản và cấm thị thực đối với những thành viên nhất định trong chế độ cầm quyền của Zimbabwe. Cụ thể, EU sẽ đình chỉ lệnh cấm đi lại đối với sáu thành viên chính phủ và xóa tên 21 trong số 112 người và một trong số 11 thực thể khỏi một danh sách đen của EU.

Tuy nhiên, đảng của Tổng thống Robert Mugabe đã chỉ trích các quyết định nêu trên của EU là “sự sỉ nhục và hết sức phi lý”. Phát ngôn viên Rugare Gumbo của đảng này tuyên bố; “ZANU-PF sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ sự dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp một cách có điều kiện hay bất cứ sáng kiến tư lợi nào nhằm thúc đẩy lợi ích kinh tế của các quốc gia phương Tây. Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt phải được tiến hành vô điều kiện và toàn diện".


TTXVN/Tin tức