06:08 29/06/2012

EU nỗ lực ngăn thảm họa nợ công

20 giờ 20 ngày 28/6 (giờ VN), Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc tại thủ đô Brúcxen (Bỉ) với sự tham dự của các nguyên thủ 27 nước thành viên.

Chuyển hướng sang phát triển kinh tế


20 giờ 20 ngày 28/6 (giờ VN), Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc tại thủ đô Brúcxen (Bỉ) với sự tham dự của các nguyên thủ 27 nước thành viên.


Diễn ra trong bối cảnh thảm họa nợ công đang có nguy cơ nhấn chìm cả Khu vực đồng euro (Eurozone), tầm quan trọng của hội nghị này đã được Chủ tịch EU Herman Van Rompuy khẳng định ngay trong lời mở đầu: “Tại hội nghị này chúng ta sẽ đưa ra những quyết định quan trọng. Người dân châu Âu đang trông đợi rất nhiều ở chúng ta”.


 

Gánh nặng giải cứu Eurozone đang đặt lên vai các nhà lãnh đạo EU tham dự Hội nghị thượng đỉnh ở Brúcxen. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo cũng cho rằng, hội nghị cần đưa ra những biện pháp khẩn cấp, bởi vì sẽ có hiệu ứng domino trên toàn châu Âu”.


Tổng thống Pháp Francois Holland cho rằng, cần nhanh chóng tìm ra giải pháp hỗ trợ những quốc gia đang đối mặt với những vấn đề khó khăn nhất.


Giám đốc vận động hành lang của ngân hàng IFF, Charles Dallara cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh EU lần này có lẽ là quan trọng nhất kể từ khi EU được thành lập cách đây 60 năm.


Sau Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ailen, đến lượt Tây Ban Nha và CH Síp đã trở thành những thành viên mới nhất của Eurozone phải xin cứu trợ. Trong bối cảnh Italia, nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone, cũng đang bị đe dọa, EU đang đứng trước sức ép ngày càng tăng từ các nhà lãnh đạo thế giới về việc phải đưa ra một kế hoạch hiệu quả nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của Eurozone - một “thảm họa” có thể gây ra hậu quả khôn lường cho cả thế giới.


Một trong số các giải pháp ngắn hạn của EU là kế hoạch “bơm” 120 - 130 tỉ euro nhằm kích thích tăng trưởng tại những nền kinh tế đang đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp lên tới 11%. Trong dài hạn, các nhà lãnh đạo EU cần nhất trí lộ trình hướng tới một liên minh tiền tệ và kinh tế chặt chẽ hơn trong 10 năm tới - bước đi đầu tiên hướng tới một liên minh ngân hàng, dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay.


Trước thềm hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc gặp vào phút chót với Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Pari (Pháp) trong một nỗ lực thống nhất quan điểm về các biện pháp giải cứu Eurozone. Lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu đã có dấu hiệu hòa giải. Ông Hollande, vốn chủ trương kích thích tăng trưởng để giải quyết khủng hoảng, cho biết Pháp sẵn sàng thảo luận về vấn đề hội nhập sâu hơn trong Eurozone; trong khi bà Merkel, luôn giương cao ngọn cờ thắt lưng buộc bụng, đã hoan nghênh các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.


Trước đó, Pháp cùng một số nước EU khác và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thúc đẩy ý tưởng các thành viên Eurozone chia sẻ gánh nặng nợ thông qua phát hành trái phiếu chung. Tuy nhiên, Đức kiên quyết bác bỏ đề xuất này và cho rằng, biện pháp cần thiết đầu tiên phải là thúc đẩy hội nhập chặt chẽ hơn. Thủ tướng Angela Merkel cho rằng: “Bảo lãnh và kiểm soát phải đi đôi với nhau. Chỉ có thể chịu trách nhiệm chung (về nợ) khi thiết lập được quyền kiểm soát một cách hiệu quả”.

Minh Hằng