03:12 21/03/2014

EU mở rộng danh sách người Nga và Ukraine bị trừng phạt

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định áp đặt thêm lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 12 người Nga và Ukraine sau khi Moskva sáp nhập Crimea, nâng tổng số đối tượng bị EU trừng phạt lên thành 33.

Ngày 20/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định áp đặt thêm lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 12 người Nga và Ukraine sau khi Moskva sáp nhập Crimea, nâng tổng số đối tượng bị EU trừng phạt lên thành 33. Ngoài ra, EU cũng hủy Hội nghị thượng đỉnh EU-Nga dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới. Ông H.V.Rompuy chưa công bố danh tính 12 người trong danh sách trừng phạt bổ sung này, song tiết lộ đó là những quan chức cao cấp của chính quyền Nga.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barak Obama cũng đã công bố danh sách trừng phạt bổ sung đối với các cá nhân và tổ chức của Nga liên quan tới việc Nga tiếp nhận Crimea.

Cùng ngày, phát biểu với giới báo chí sau Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ), Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz nêu rõ ngoài các biện pháp trừng phạt Nga, EU cần tính đến việc giảm căng thẳng trong quan hệ với Moskva. Ông Martin Schulz thừa nhận tới nay các nhà lãnh đạo EU vẫn chưa thống nhất về áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga, do nhiều nền kinh tế EU phụ thuộc đáng kể vào nền kinh tế Nga, như trong lĩnh vực năng lượng, có lợi ích tài chính hay những khoản đầu tư lớn ở Nga...

Liên quan đến tình hình kinh tế Nga, ngày 20/3, hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor (S&P) đã hạ triển vọng tín nhiệm của Nga xuống mức tiêu cực do tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Theo báo cáo mới nhất công bố trước khi Mỹ và EU đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, Standard & Poor cho rằng nguy cơ địa chính trị tăng cao và viễn cảnh Mỹ và EU áp đặt trừng phạt sau khi Nga sáp nhập Crimea có thể làm suy giảm dòng vốn đầu tư vào Nga, đồng thời khiến giới đầu tư rút vốn khỏi Nga.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga đã chậm lại, xuống còn 1,3% trong năm 2013, là mức tăng thấp nhất kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin (lần đầu lên cầm quyền vào năm 1999. Trong tháng này, Ngân hàng Trung ương Nga cũng nâng tỉ lệ lãi suất cơ bản lên 7% để giúp ổn định tỉ giá đồng ruble và ngăn chặn các nhà đầu tư rút khỏi thị trường trong nước. Đồng ruble đã trượt giá 10% so với đồng USD và đồng euro trong năm nay.


TTXVN/ Tin tức