06:00 08/06/2011

EU họp khẩn cấp về dịch nhiễm khuẩn E.coli

Bộ trưởng Nông nghiệp Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/6 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại Lúcxămbua để bàn biện pháp hỗ trợ các nông trại bị ảnh hưởng bởi đợt dịch E.coli gây nhiễm trùng đường ruột tại châu Âu hiện nay.

Bộ trưởng Nông nghiệp Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/6 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại Lúcxămbua để bàn biện pháp hỗ trợ các nông trại bị ảnh hưởng bởi đợt dịch E.coli gây nhiễm trùng đường ruột tại châu Âu hiện nay.

Nhân viên Viện Nghiên cứu Robert-Koch mặc đồ bảo hộ điều tra một trang trại. Ảnh: AFP - TTXVN

Trước cuộc họp, Cao ủy phụ trách vấn đề nông nghiệp của EU, ông Dacian Ciolos, cho biết Ủy ban châu Âu sẽ đề nghị các nước EU hỗ trợ 150 triệu euro cho người trồng rau bị thiệt hại do dịch bệnh này. Ông Ciolos cho biết số tiền bồi thường trên có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, số tiền này cũng sẽ chỉ bù đắp được 25 đến 30% thiệt hại mà nông dân phải gánh.

Phản ứng trước thông tin trên, Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Rosa Aguillar cho rằng mức đền bù này là không đủ đối với nông dân Tây Ban Nha - những người chịu thiệt hại nặng nề nhất. Bộ trưởng Aguillar cho biết sẽ đề nghị bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nông dân nước này.

Cùng ngày, Tây Ban Nha đã đe dọa sẽ tiến hành vụ kiện pháp lý chống lại các chính quyền địa phương của Đức vì đã xác định sai dưa chuột có xuất xứ từ Tây Ban Nha bị nhiễm khuẩn E.coli khiến các nông trại của nước này bị thiệt hại nặng nề. Bộ trưởng Rosa Aguillar khẳng định với phóng viên hãng AFP: Mađrít sẽ yêu cầu Đức bồi thường toàn bộ cho những thiệt hại mà ngành xuất khẩu rau quả của Tây Ban Nha phải gánh chịu do sai sót từ phía Đức. Nếu Đức không đáp ứng yêu cầu này, Tây Ban Nha có quyền đưa vụ việc ra tòa.

Theo ước tính của Hiệp hội các nhà xuất khẩu rau quả Tây Ban Nha (FEPEX), các nông trại tại nước này đã bị thiệt hại 225 triệu euro/tuần kể từ khi Đức thông báo nguồn gốc gây dịch E.coli là từ dưa chuột Tây Ban Nha.

Ngoài ra, cuộc họp của EU cũng sẽ xem xét hệ thống cảnh báo an ninh lương thực của khối để đảm bảo rằng các cảnh báo đưa ra là "có cơ sở khoa học và có sự kiểm chứng".

Trong khi đó, những nỗ lực của giới chức y tế Đức nhằm truy tìm nguồn lây nhiễm dịch bệnh E.coli hiện chưa đem lại kết quả. Hy vọng tìm ra thủ phạm làm bùng phát dịch E.coli vừa lóe lên, khi nhà chức trách nghi ngờ một nông trại sản xuất giá đỗ ở phía nam thành phố Hamburg là nguồn lây nhiễm, đã bị dập tắt. Hãng AFP ngày 7/6 dẫn kết quả kiểm tra ban đầu cho hay, 23 trong số 40 mẫu giá đỗ được kiểm nghiệm cho kết quả âm tính với khuẩn E.coli. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Đức vẫn khuyến cáo người dân không nên ăn giá đỗ, cũng như các loại rau quả khác như cà chua, dưa chuột và rau diếp.

Tính đến thời điểm hiện tại, dịch nhiễm khuẩn E.coli tại châu Âu đã cướp đi mạng sống của ít nhất 22 người, khiến hơn 2.300 người mắc bệnh và gây thiệt hại tới hơn 300 triệu euro/tuần cho các nông trại ở châu Âu.

Nỗi lo sợ dịch bệnh E.coli cũng bắt đầu lan sang châu Á. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản ngày 7/6 thông báo sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng thực phẩm tươi sống nhập khẩu để phát hiện và ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập của vi khuẩn E.coli đang lây lan ở châu Âu. Theo đó, Nhật Bản sẽ tăng cường công tác kiểm dịch thực phẩm tươi sống nhập khẩu như thịt, rau quả tại tất cả 37 trạm kiểm dịch trên toàn quốc.

Báo Jakarta Globe số ra mới đây cũng đưa tin, Bộ Y tế Inđônêxia đã ra lệnh cho giới chức xuất nhập cảnh tăng cường kiểm tra hành khách có triệu chứng nhiễm bệnh. Các bệnh viện tại Thái Lan cũng được đặt trong tình trạng cảnh giác với dịch E.coli.

Hồng Hạnh (tổng hợp)