04:15 15/04/2025

EU gặp khó trong nỗ lực lấp khoảng trống viện trợ do Mỹ để lại

Ngày 15/4, tờ Guardian đưa tin việc Mỹ giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) đã gây chú ý trên truyền thông toàn cầu.

Chú thích ảnh
Quốc kỳ Mỹ và cờ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại trụ sở của USAID ở Washington, D.C. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tuy nhiên, các nghị sĩ châu Âu và tổ chức phi chính phủ cảnh báo rằng chính các đợt cắt giảm ngân sách viện trợ của các quốc gia thành viên EU mới đang góp phần làm trầm trọng thêm khoảng trống hỗ trợ nhân đạo tại những quốc gia nghèo và dễ tổn thương nhất thế giới.

Bà Isabella Lovin, Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển của Nghị viện châu Âu, cho rằng các quyết định gần đây của nhiều quốc gia thành viên EU nhằm cắt giảm ngân sách viện trợ là “rất đáng tiếc” và “sai lầm”, trong bối cảnh việc cắt giảm của USAID đã để lại những hậu quả nghiêm trọng. Bà khẳng định EU sẽ không thể lấp đầy khoảng trống này.

“Nếu chúng ta thực sự quan tâm đến an ninh và ổn định toàn cầu, thì EU và các nước thành viên cần đầu tư vào dân chủ, xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ cộng đồng ở các quốc gia đang phát triển. Đây là cách hiệu quả để ngăn ngừa xung đột và tình trạng di cư không mong muốn”, bà Lovin nhấn mạnh.

Đức - quốc gia đóng góp viện trợ lớn nhất trong Liên minh châu Âu - đã thực hiện các đợt cắt giảm đáng kể đối với ngân sách hỗ trợ phát triển, dù từng chi tới 0,79% tổng thu nhập quốc dân cho lĩnh vực này vào năm 2023. Theo thỏa thuận liên minh vừa được công bố, chính phủ dưới sự lãnh đạo của ông Friedrich Merz sẽ không đưa ra cam kết duy trì mức viện trợ tối thiểu 0,7% theo khuyến nghị của Liên hợp quốc. Dữ liệu từ mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Concord cho biết ngân sách viện trợ của Đức đã bị cắt giảm 1,6 tỷ euro trong năm 2023 và tiếp tục giảm thêm 1 tỷ euro vào năm 2024.

Pháp, Italy và Tây Ban Nha cũng nằm trong số nhiều quốc gia thành viên EU cắt giảm ngân sách viện trợ trong năm 2024 so với năm trước. Bên ngoài EU, dự báo Vương quốc Anh sẽ hạ ngân sách viện trợ xuống mức thấp nhất kể từ khi có số liệu thống kê, với tỷ lệ dự kiến chỉ đạt 0,23% tổng thu nhập quốc dân vào năm 2027.

Bà Charlotte Slente, Tổng Thư ký Hội đồng Tị nạn Đan Mạch (DRC) - một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất châu Âu - cảnh báo rằng việc cắt giảm ngân sách viện trợ để chuyển sang tăng chi tiêu quốc phòng có thể mang lại tác động ngược. Theo bà, an ninh không chỉ dựa vào sức mạnh quân sự mà còn cần đến sức mạnh mềm và nếu các chính phủ không đầu tư vào lĩnh vực nhân đạo, thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều xung đột hơn, nhiều người bị buộc phải di dời hơn và mức độ bất ổn sẽ ngày càng gia tăng.

Theo DRC, USAID từng tài trợ cho 24 trong số 40 chương trình của tổ chức này, chiếm 20% tổng ngân sách. Các chương trình này bao gồm hỗ trợ tiền mặt cho người dân tại Sudan, điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ em tại Cameroon và rà phá bom mìn ở Colombia. Việc USAID bị cắt giảm đã buộc tổ chức này phải sa thải 1.400 nhân viên, nhiều người trong số đó sống tại các khu vực có thị trường lao động khan hiếm. Ước tính khoảng 2 triệu người sẽ không được tiếp cận dịch vụ hỗ trợ nhân đạo do tác động từ quyết định của Mỹ.

Bà Slente cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm hoạt động của DRC, tổ chức phải đối mặt với mức cắt giảm quy mô lớn như vậy. Tại Afghanistan, một số người dân bị di dời trong nước hiện không thể quay trở về quê nhà do thiếu nước sạch và hệ thống vệ sinh tối thiểu.

Ngoài ra, bà Slente cũng bày tỏ lo ngại về khoảng trống giữa viện trợ nhân đạo khẩn cấp và các chương trình phát triển dài hạn, điều này có thể khiến hàng triệu người nghèo không thuộc diện được ưu tiên hỗ trợ. Theo bà, những quốc gia dễ bị bỏ quên nhất thường không có nhu cầu cứu trợ khẩn cấp ngay lập tức, nhưng lại thiếu sự ổn định chính trị cần thiết để thu hút các nguồn đầu tư hạ tầng từ phương Tây.

Bà Isabella Lovin cũng chỉ trích việc các nước châu Âu chuyển trọng tâm viện trợ sang các lợi ích chiến lược như tiếp cận nguyên liệu thô, năng lượng và kiểm soát di cư - thông qua các sáng kiến như Global Gateway, được xem là phản ứng của EU đối với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Bà cảnh báo rằng nhiều khu vực bị xung đột hoặc kém phát triển không thể đáp ứng điều kiện đầu tư, nên các doanh nghiệp sẽ không mặn mà với những dự án ở đây.

Theo bà, EU cần quay trở lại với sứ mệnh ban đầu của hợp tác phát triển: xóa đói giảm nghèo, trao quyền cho người dân và đáp ứng nhu cầu thực sự của cộng đồng, thay vì chạy theo lợi ích của nhà tài trợ. Bà kêu gọi EU thúc đẩy dân chủ, bình đẳng giới và quyền sức khỏe sinh sản – những lĩnh vực từng bị chính quyền của ông Donald Trump phản đối về mặt tư tưởng.

Bà Lovin nhận định Mỹ đang tạo ra một tình thế bất ổn nghiêm trọng khi đồng thời triển khai các đợt cắt giảm viện trợ quy mô lớn và áp dụng các mức thuế quan được cho là phi lý đối với những quốc gia nghèo. Bà đưa ra phát biểu này trước thời điểm ông Donald Trump tạm thời dỡ bỏ thuế quan qua lại trong vòng 90 ngày, trong bối cảnh toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ hiện phải chịu mức thuế 10% và môi trường chính sách vẫn đầy rủi ro.

Trương Huyền/Báo Tin tức