07:20 02/07/2025

EU đề xuất mục tiêu khí hậu 2040 linh hoạt hơn để xoa dịu bất đồng

Ủy ban châu Âu vừa công bố dự thảo luật mới nhằm cắt giảm lượng phát thải carbon của khối lên tới 90% vào năm 2040, thấp hơn so với mục tiêu ban đầu, trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên phản đối các quy định xanh mới.

Chú thích ảnh
Khí thải phát ra từ một nhà máy ở Scunthorpe, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Politico ngày 2/7, kế hoạch ban đầu do nhóm cố vấn khoa học của EU đề xuất yêu cầu các quốc gia phải tự thực hiện toàn bộ cam kết giảm phát thải trong khối, tương tự các mục tiêu 2030 và 2050. Tuy nhiên, trước làn sóng phản đối, Ủy ban châu Âu đã chấp thuận một số điều chỉnh nhằm tăng tính linh hoạt cho các chính phủ.

Một trong những điểm đáng chú ý là cho phép các quốc gia sử dụng tín chỉ carbon quốc tế để bù đắp một phần mục tiêu phát thải. Cơ chế này cho phép các nước tài trợ cho các dự án khí hậu tại các quốc gia đang phát triển và tính lượng giảm phát thải thu được vào chỉ tiêu của mình. Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo cách làm này có thể làm suy yếu nỗ lực cắt giảm khí thải ngay trong EU.

Phát biểu tại họp báo, Ủy viên phụ trách khí hậu Wopke Hoekstra khẳng định đây là “sự cải tiến hệ thống”, đồng thời cho biết cơ quan của ông sẽ xây dựng quy trình cụ thể để quản lý việc sử dụng tín chỉ carbon quốc tế. “Hành tinh không phân biệt khí thải được phát ra ở đâu, nên chúng tôi cho rằng việc thực hiện phần lớn mục tiêu ngay trong EU, nhưng vẫn cho phép một phần linh hoạt bên ngoài, là cách tiếp cận hợp lý”, ông Hoekstra nói.

Theo kế hoạch, các quốc gia EU chỉ được phép dùng tối đa 3 điểm phần trăm từ tín chỉ carbon quốc tế, phù hợp với lập trường của Đức. Tuy nhiên, Pháp và Ba Lan vẫn kêu gọi nới rộng cơ chế này, đồng thời đề xuất trì hoãn thỏa thuận để đàm phán thêm.

Dự thảo cũng bổ sung hai lựa chọn khác giúp các nước đạt mục tiêu dễ dàng hơn, bao gồm: tích hợp cơ chế loại bỏ CO2 vào thị trường carbon chung của EU để giảm áp lực cho các ngành công nghiệp nặng; đồng thời tăng khả năng linh hoạt giữa mục tiêu hấp thụ CO2 và mục tiêu cắt giảm phát thải của từng quốc gia.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách khí hậu và cạnh tranh Teresa Ribera thừa nhận vẫn còn nhiều hoài nghi về nguy cơ lạm dụng tín chỉ carbon. Tuy nhiên, bà cho rằng thỏa thuận mới là một bước tiến quan trọng trong bối cảnh nhiều chính sách xanh đang vấp phải phản ứng dữ dội. "Trong bối cảnh đó, một số quốc gia muốn có một cơ chế an toàn nhất định. Nhưng cam kết về mục tiêu khí hậu vẫn được giữ nguyên", bà Ribera nhấn mạnh.

Dự thảo này dự kiến sẽ tiếp tục được các nước thành viên đàm phán trước khi trở thành cơ sở cho các cam kết khí hậu dài hạn của EU trong thập kỷ tới.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc