11:13 20/11/2020

EU đau đầu tìm lối thoát hiểm

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tối 19/11 ban đầu dự kiến dành riêng để thảo luận biện pháp ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai đang diễn biến phức tạp ở khu vực, song đã phải san sẻ thời gian cho kế hoạch phục hồi kinh tế và ngân sách hơn 1.800 tỷ euro (khoảng 2.100 tỷ USD), cũng như cuộc đàm phán và quan hệ thương mại với Anh hậu Brexit.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo EU tham gia cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến tại Brussels, Bỉ ngày 19/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, hội nghị kết thúc trong bế tắc khi các nhà lãnh đạo EU không thể đạt được nhất trí về kế hoạch ngân sách và phục hồi kinh tế trị giá 1.800 tỷ euro, mặc dù nhu cầu của nhiều nước được giải ngân hàng tỷ euro hỗ trợ thúc đẩy kinh tế trong thời kỳ dịch COVID-19 vẫn hoành hành, là hết sức cấp thiết. Ba Lan và Hungary, được Slovenia hậu thuẫn, đã bác bỏ cơ chế gắn việc nhận tiền từ kế hoạch phục hồi với các nguyên tắc pháp quyền của khối. Theo cơ chế này, một quốc gia có thể bị từ chối tiếp cận các khoản tiền hỗ trợ nếu bị cho là làm suy yếu các chuẩn mực dân chủ, tự do truyền thông hay không đảm bảo tính độc lập của cơ quan tư pháp.

Kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế của EU có tổng trị giá khoảng 1.800 tỷ euro, bao gồm khoản ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 trị giá gần 1.100 tỷ euro và quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro, vốn được các nhà lãnh đạo EU thống nhất hồi tháng 7 vừa qua sau nhiều cuộc thương lượng căng thẳng từng khiến EU phải kéo dài hội nghị thượng đỉnh khi đó từ 2 ngày thành 4 ngày. Kế hoạch này phải được Hội đồng Liên minh châu Âu cũng như  Nghị viện châu Âu (EP) thông qua, trong đó EP đặt điều kiện gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn liên minh với một cơ chế yêu cầu các quốc gia tôn trọng pháp quyền EU. Tuy nhiên, Ba Lan và Hungary kiên quyết phản đối điều kiện trên và đã bác kế hoạch ngân sách của EU. Theo quy định, các kế hoạch này sẽ không thể triển khai nếu không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả các nước thành viên và EP, đồng nghĩa hàng trăm doanh nghiệp và hàng triệu lao động thất nghiệp ở châu Âu sẽ chưa được tiếp cận với nguồn hỗ trợ vào thời điểm khó khăn nhất. 

Bất đồng giữa Ba Lan, Hungary với các thành viên khác của EU về cơ chế gắn việc tiếp cận nguồn tài trợ với tôn trọng nguyên tắc pháp quyền là một vấn đề hóc búa, một cuộc họp trực tuyến là quá khó để thu hẹp bất đồng, so với những cuộc trao đổi trực tiếp song phương như hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 7. Chính vì vậy, các bên nhất trí sẽ dành thời gian để xem xét thêm.

Tuyên bố và hành động của các nhà lãnh đạo EU sau cuộc họp cho thấy dường như EU đang cố gắng kết hợp giữa "củ cà rốt và cây gậy" để tháo gỡ bất đồng. EU cam kết đối thoại với Ba Lan và Hungary, với điều kiện để hai nước này hiểu rằng "bóng đang ở trong sân" của họ. Hai quốc gia này phải đưa ra các giải pháp thực chất càng sớm càng tốt. Trong hậu trường, EU đang tính đến một tuyên bố nhằm trấn an 2 nước, đặc biệt về vai trò tương lai của Ủy ban châu Âu (EC) trong cơ chế này, bởi Hungary và Ba Lan lo ngại rằng Brussels sẽ phát triển một cách tiếp cận chính trị quá mức đối với chức năng của mình.

Mặt khác, EU cũng sẽ gây áp lực đối với Vácsava và Budapest bằng cách buộc hai nước phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ của kế hoạch vốn đang được trông đợi trên khắp EU, qua đó khiến Ba Lan và Hungary cảm thấy bị cô lập. Thậm chí, không loại trừ EU sẽ chọn giải pháp cuối cùng là bỏ qua các nước ngăn cản để thực hiện kế hoạch trên, dù đây là một lựa chọn được xem có tính chất "đe dọa", bởi việc triển khai sẽ rất khó khăn và đi kèm với hậu quả chính trị nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
 Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde trong cuộc họp báo tại Hội nghị không chính thức các Bộ trưởng Tài chính - Kinh tế Liên minh châu Âu ở Berlin, Đức ngày 11/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiệm vụ nặng nề của ngân sách 2021 là lấp khoảng trống do việc nước Anh rời EU và khôi phục kinh tế suy kiệt vì sự tàn phá của đại dịch. Hạn chót là giữa tháng 12 tới kế hoạch trên phải được thông qua, nếu không, EU sẽ không có ngân sách vào tháng 1/2021. 

Những tiến triển ít ỏi trong vòng đàm phán giữa EU và Anh cũng đang "làm khó" các nhà lãnh đạo EU. Theo kế hoạch, tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo EU sẽ đưa ra ý kiến về tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Anh sau khi nước này rời khỏi khối. 

Hạn chót là Anh và EU phải đạt được một thỏa thuận vào đầu tuần tới để có cơ hội được Nghị viện châu Âu và Quốc hội Anh phê chuẩn trước khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc vào ngày 31/12. Nếu không đạt được thỏa thuận, thương mại EU-Anh sẽ được vận hành theo các điều khoản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với những rào cản về thuế quan. Những bất đồng giữa hai bên về các vấn đề then chốt như đánh bắt cá hay sân chơi bình đẳng đang khiến "cánh cửa" để đạt một thỏa thuận ngày càng bị thu hẹp. Tại hội nghị trực tuyến này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo đã thúc giục EC đẩy mạnh kế hoạch cho một kịch bản “không có thỏa thuận”..

Bất đồng về kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế khiến các nhà lãnh đạo EU không thể "toàn tâm toàn ý" thảo luận các biện pháp phối hợp đối phó với đại dịch COVID-19. Sau vài tháng lắng dịu, châu Âu một lần nữa trở thành "tâm chấn" của đại dịch COVID-19. Làn sóng dịch thứ hai đã khiến các chính phủ bất ngờ về tốc độ và cường độ lây lan, buộc một số nước phải thực hiện những biện pháp hạn chế và tái phong tỏa. Ý thức về sự thiếu phối hợp trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng y tế, trong đợt bùng phát dịch này, các nước thành viên EU đang hết sức nỗ lực tập trung vào chính sách xét nghiệm, truy vết và phát triển vaccine, với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức châu Âu.

Giới chức EU nhận định những nỗ lực trên cấp độ châu Âu trong việc phối hợp, các sáng kiến về y tế ... đã mang lại một số tín hiệu tích cực. Trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày EU ghi nhận khoảng 265.000 trường hợp mắc mới, giảm 9% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng dịch bệnh vẫn đang rất trầm trọng. Trong bối cảnh đó, những thông báo liên tiếp về triển vọng sáng sủa của vaccine đang là nguồn hy vọng cho người dân.

Để đảm bảo người dân có thể tiếp cận vaccine, Ủy ban châu Âu đến nay đã ký 5 hợp đồng đặt hàng trước vaccine của một số hãng, như AstraZenaca của Thụy Điển-Anh, Johnson & Johnson của Mỹ, liên danh Pháp-Anh Sanofi-GSK, liên danh Mỹ-Đức Pfizer-BioNTech và CureVac của Đức. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết EU có thể phê duyệt 2 loại vaccine đang được Pfizer-BioNTech và Moderna thử nghiệm vào cuối tháng 12 tới nếu các thủ tục thuận lợi. Các cơ quan y tế cũng đang chuẩn bị cho một chiến dịch tiêm chủng lớn. Chính phủ Pháp cho biết "sẽ bắt đầu phân phối vaccine vào tháng 1 nếu vaccine được cấp phép".

Nếu tình hình dịch bệnh được cải thiện, các nước EU có thể nới lỏng một số biện pháp nhất định từ ngày 1/12, chẳng hạn như mở cửa các cửa hàng nhỏ khi ngày lễ Giáng sinh sắp cận kề. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn chưa xem xét việc dỡ bỏ phong tỏa trong ngắn hạn. Chính bà Ursula von der Leyen Ursula von der Leyen cũng nhắc lại "bài học" phòng chống dịch của EU hồi mùa Hè, khi việc vội vàng đợt dỡ bỏ phong tỏa đã gây ra hậu quả nặng nề đối với EU. 

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiệm vụ trước mắt của EU là tìm ra lối thoát khỏi tình trạng bế tắc về ngân sách. Kế hoạch phục hồi được xây dựng nhằm thúc đẩy kinh tế EU sau cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra. Việc kế hoạch này chưa được thông qua sẽ làm trì hoãn tiến độ thanh khoản hàng trăm tỷ euro vào thời điểm 27 quốc gia thành viên đang phải vật lộn với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai và kinh tế toàn khối tiếp tục đối mặt nguy cơ suy thoái trong 3 tháng cuối năm. Nhiều quan chức EU đánh giá đây là một cuộc mặc cả đầy nguy hiểm, và nếu các bất đồng không thể được giải quyết thì nguy cơ bùng nổ một cuộc khủng hoảng mới là hoàn toàn có thể.

Kim Chung (TTXVN)