04:23 09/04/2025

EU công bố kế hoạch hành động về AI

Ngày 9/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố Kế hoạch hành động vì một "lục địa trí tuệ nhân tạo (AI)", đánh dấu bước tiến chiến lược nhằm đưa Liên minh châu Âu (EU) trở thành đầu tàu toàn cầu về AI.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, được giới thiệu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động về AI tổ chức tại Paris vào tháng 2/2025, kế hoạch này phản ánh tầm nhìn đầy tham vọng của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhằm chuyển hóa thế mạnh công nghiệp truyền thống và tiềm lực nhân tài dồi dào của châu Âu thành động lực tăng trưởng đột phá cho kỷ nguyên AI.

EC đánh giá cuộc đua giành vị thế dẫn đầu về AI vẫn đang diễn ra hết sức sôi động, với sự cạnh tranh gay gắt trong phát triển mô hình nền tảng lẫn các ứng dụng chuyên biệt. Hệ sinh thái AI của EU được thúc đẩy bởi nền tảng nghiên cứu vững mạnh, công nghệ tiên tiến và mạng lưới startup - scaleup đang phát triển nhanh chóng. Để duy trì và mở rộng lợi thế cạnh tranh này, kế hoạch hành động được thiết kế xoay quanh 5 trụ cột chiến lược then chốt.

Trước hết là việc phát triển hạ tầng điện toán và dữ liệu AI quy mô lớn. Theo đó, EU sẽ thiết lập một mạng lưới các “nhà máy AI” trên toàn châu Âu, trong đó 13 cơ sở đầu tiên đã được triển khai tại các trung tâm siêu máy tính hàng đầu. Những nhà máy này sẽ đóng vai trò trung tâm hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp (startup), doanh nghiệp và giới nghiên cứu trong việc phát triển các mô hình AI tiên tiến.

EU đặt mục tiêu xây dựng các “siêu nhà máy AI”, những cơ sở có quy mô cực lớn, được trang bị khoảng 100.000 chip AI hiện đại, gấp 4 lần năng lực hiện tại, nhằm đào tạo các mô hình AI phức tạp ở quy mô chưa từng có và đảm bảo quyền tự chủ chiến lược cho châu Âu trong những lĩnh vực công nghiệp và khoa học trọng yếu.

Sáng kiến InvestAI sẽ đóng vai trò là nguồn lực tài chính chủ đạo, huy động tới 20 tỷ euro đầu tư cho tối đa 5 siêu nhà máy AI trên toàn Liên minh. Song song đó, một khung pháp lý mới cũng sẽ được đề xuất nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của điện toán đám mây và các trung tâm dữ liệu, với mục tiêu tăng ít nhất gấp 3 lần công suất xử lý dữ liệu trong vòng 5 - 7 năm tới, đồng thời ưu tiên yếu tố bền vững.

Tiếp theo, để nuôi dưỡng hệ sinh thái AI hiệu quả, việc mở rộng khả năng tiếp cận dữ liệu lớn và dữ liệu chất lượng cao là điều kiện tiên quyết. EC sẽ thành lập các “phòng thí nghiệm dữ liệu” nhằm thu thập, quản lý và xử lý dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau phục vụ cho nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp AI. Dự kiến trong năm 2025, một chiến lược toàn diện về “Liên minh dữ liệu” cũng sẽ được công bố, nhằm hình thành một thị trường dữ liệu chung trong nội khối.

Bên cạnh hạ tầng và dữ liệu, một trụ cột khác là thúc đẩy phát triển thuật toán và tăng tốc ứng dụng AI trong các lĩnh vực chiến lược. Hiện tỷ lệ doanh nghiệp EU triển khai AI vẫn còn khiêm tốn, chỉ ở mức 13,5%. Trước thực trạng đó, chiến lược “Ứng dụng AI” sẽ sớm được công bố, hướng tới hỗ trợ mạnh mẽ cả khu vực công và tư nhân trong việc tiếp cận và áp dụng công nghệ. Các nhà máy AI và mạng lưới Trung tâm Đổi mới số châu Âu (EDIH) sẽ là đầu mối then chốt trong việc hiện thực hóa mục tiêu này.

Để đảm bảo nguồn lực con người cho hệ sinh thái AI, EU cũng đặc biệt chú trọng đến việc thu hút và phát triển nhân tài. Thông qua các sáng kiến như “nguồn dự trữ nhân tài”, chương trình học bổng MSCA Choose Europe và Học viện Kỹ năng AI sắp ra mắt, EC sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các chuyên gia, nhà nghiên cứu chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng, đặc biệt trong lĩnh vực AI tạo sinh, sẽ được triển khai rộng khắp nhằm chuẩn bị cho thế hệ chuyên gia tiếp theo, cũng như giúp lực lượng lao động hiện tại thích ứng với chuyển đổi số.

Cuối cùng, việc đơn giản hóa quy định pháp lý cũng được xác định là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Luật AI của EU, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, không chỉ thiết lập khung pháp lý rõ ràng cho việc phát triển công nghệ mà còn góp phần củng cố lòng tin của người dân đối với AI. Để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ luật, EC sẽ triển khai dịch vụ trợ giúp “Pháp lý về AI”, một nền tảng trung tâm cung cấp thông tin và tư vấn pháp lý chuyên sâu, giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ một cách minh bạch và an toàn.

Đồng hành cùng các sáng kiến mang tính chiến lược nói trên, EC đã phát động hai cuộc tham vấn công khai kéo dài đến ngày 4/6 tới, nhằm lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ cộng đồng và doanh nghiệp. Cuộc tham vấn đầu tiên tập trung vào đề xuất quy định mới về phát triển điện toán đám mây và AI, trong khi cuộc tham vấn thứ hai xoay quanh chiến lược “Ứng dụng AI” nhằm thu thập ý kiến về những ưu tiên, rào cản và giải pháp thực tiễn để thúc đẩy ứng dụng AI rộng rãi. Một cuộc tham vấn thứ ba về “Liên minh dữ liệu” cũng sẽ được triển khai vào tháng 5 tới.

Song song với đó, các cuộc đối thoại sâu rộng với đại diện ngành công nghiệp và khu vực công cũng sẽ được tổ chức nhằm định hình nội dung chi tiết của chiến lược “Ứng dụng AI”. Đây sẽ là dịp để nhận diện tiềm năng chưa được khai thác trong từng lĩnh vực, đánh giá mức độ tích hợp hiện tại của AI trong sản xuất và vận hành, đồng thời mở rộng cơ hội ứng dụng AI trên quy mô toàn nền kinh tế.

Hương Giang (TTXVN)