06:06 21/06/2022

Ernie Pyle – phóng viên chiến trường kể sự thật về D-Day - Kỳ 1

Chiến thắng trong cuộc đổ bộ D-Day là một bước nhảy vọt quyết định để đánh bại Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nó cũng thay đổi cách mà người phóng viên chiến trường nổi tiếng và được yêu thích nhất của Mỹ tường thuật những gì ông nhìn thấy.

Chú thích ảnh
Trận Normandy là một trong những trận chiến thảm khốc nhất trong Thế chiến thứ hai. Ảnh: Getty Images

NORMANDY - CHIẾN THẮNG ĐẪM MÁU

Hầu hết những người lính trong làn sóng đổ bộ đầu tiên không có cơ hội sống sót. Trong bóng tối lúc rạng sáng 6/6/1944, hàng nghìn lính Mỹ lao xuống những con tàu đổ bộ nhằm hướng bờ biển Normandy. Các giác quan của họ nhanh chóng bị bóp nghẹt bởi mùi vải ướt, nước biển và những mảng bột có vị chát từ những khẩu súng hải quân khổng lồ bắn ngay trên đầu. Khi chiếc tàu đổ bộ tiến gần phía bờ, tiếng gầm chói tai ngừng lại, nhanh chóng bị thay thế bằng những loạt đạn pháo quân Đức xả xuống mặt nước. Da thịt bên dưới quân phục đẫm nước biển của những người đàn ông nổi gai ốc. Họ chờ đợi, bị mắc kẹt giữa cơn mưa đạn và gần như không dám thở.

Một làn khói mù mịt che đi những lô cốt phòng thủ dày đặc phía trên dải cát được đặt bí danh là “Bãi biển Omaha”. Trong các khối bê tông đó, gần 2.000 lính phòng thủ Đức nằm chờ sẵn. Các cầu đổ bộ bắt đầu dập xuống sóng biển, và một trận mưa hoả lực thảm khốc nổ ra. Cuộc tàn sát sau đó diễn ra không thương tiếc.

Nhưng quân đội Đồng minh tiếp tục đổ bộ, hết đợt này đến đợt khác, và đến giữa trưa, họ đã vượt qua bãi cát dài gần 300 mét, mở rộng các cuộc tấn công dồn dập và áp đảo các tuyến phòng thủ của Đức. Vào cuối ngày, “bãi biển Omaha” đã được đảm bảo an toàn và cuộc giao tranh khốc liệt nhất đã di chuyển vào sâu đất liền ít nhất một dặm. Trong chiến dịch đổ bộ lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử quân sự thế giới, không phải bom, pháo hay xe tăng mới áp đảo được quân Đức, mà chính là những người lính, những người đã liên tiếp vượt qua xác đồng đội, để cuối cùng thiết lập một bàn đạp vững chắc cho quân Đồng minh ở rìa phía tây của châu Âu.

Chú thích ảnh
Tàu đổ bộ của hải quân Mỹ chuyển hàng hóa, trang thiết bị và binh sĩ Đồng minh lên bãi Omaha, Normandy, ngày 9/6/1944, ba ngày sau cuộc đổ bộ đẫm máu. Ảnh: Wikipedia

Chiến thắng đó là một bước nhảy vọt quyết định để đánh bại Đức Quốc xã của Hitler trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nó cũng thay đổi cách mà người phóng viên chiến trường nổi tiếng và được yêu thích nhất của Mỹ tường thuật những gì ông chứng kiến.

Vào tháng 6/1944, Ernie Pyle, một nhà báo 43 tuổi, quê vùng nông thôn Indiana (Mỹ), đã theo chân lực lượng Đồng minh trong chiến dịch vượt eo biển Manche (giữa Anh và Pháp) đổ bộ lên bờ biển Normandy, Pháp. Đây là chiến dịch tấn công từ biển vào đất liền lớn nhất trong lịch sử, với sự góp mặt của hơn 1.200 máy bay, hơn 5.000 tàu chiến các loại và gần 160.000 binh lính Đồng minh tham gia đổ bộ.

Chú thích ảnh
Phóng viên chiến trường được người Mỹ kính trọng Ernie Pyle đã có mặt trên bãi biển Normandy vào ngày 7/6/1944.

Những gì Pyle chứng kiến ​​trên bờ biển Normandy đã dẫn tới những thay đổi bước ngoặt trong các bài báo của ông: từ đây Pyle viết về những trận chiến với sự hiên ngang, trung thực và không còn né tránh những thực tế quá nghiệt ngã.

Trong nhiều ngày sau cuộc đổ bộ D-Day, không một ai ở Mỹ có bất kỳ cảm giác thực sự nào về những gì đang xảy ra, cuộc chiến đang diễn ra như thế nào, hay có bao nhiêu người Mỹ đã tử trận. Ngày nay ta gần như không thể tưởng tượng được không có bức ảnh nào được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng ngay lập tức. Ngay từ đầu có không quá 30 phóng viên được phép đưa tin về cuộc tấn công lịch sử. Một số ít phóng viên đổ bộ cùng quân Đồng minh đã bị cản trở bởi sự nguy hiểm và hỗn loạn của trận chiến, sau đó là sự kiểm duyệt và tình trạng chậm trễ kéo dài do việc truyền tải bằng điện tín. Những bài báo đầu tiên đều dựa trên bản tin quân sự do các sĩ quan ngồi ở London viết. Mãi cho đến khi bài báo đầu tiên của Pyle được xuất bản, nhiều người Mỹ mới bắt đầu hiểu về quy mô rộng lớn và chi phí tàn khốc của sự kiện D-Day, do một phóng viên đã giành được sự tin tưởng và tình cảm của họ thuật lại.

Chú thích ảnh
Những bài báo của Pyle viết về trận Normandy đã làm rúng động độc giả Mỹ và thế giới.

Trước Thế chiến thứ hai, Pyle đã có 5 năm đi khắp nước Mỹ, và phần lớn Tây Bán cầu, bằng tàu hỏa, máy bay và một chiếc coupe mui trần, để phản ánh đời sống của những con người bình dị mà ông gặp trong các chuyến đi. Pyle đã trau dồi một phong cách viết báo chân thành và giản dị khiến người đọc thấy như thể họ đang lắng nghe một người bạn tốt chia sẻ một cái nhìn sâu sắc hoặc điều gì đó mà ông cảm nhận.

Khi Mỹ bước vào Thế chiến thứ hai, Pyle cũng sử dụng lối viết tương tự - chân tình, cởi mở, hoà hợp với những người lao động bình thường - để mô tả về các trận đánh và bom đạn. Mạo hiểm đến châu Âu cùng với lực lượng Mỹ vào năm 1942, Pyle tường thuật cuộc chiến qua con mắt của những người lính bộ binh nơi tiền tuyến. Ông viết về thức ăn, thời tiết và nỗi tuyệt vọng khi phải sống dưới chiến hào trong mùa mưa cuối đông 1943. Hàng triệu độc giả đã theo dõi chuyên mục hàng ngày của Pyle trong khoảng 400 tờ nhật báo và 300 tuần báo trên khắp nước Mỹ. Vào tháng 5/1944, Pyle được thông báo ông được trao giải thưởng Pulitzer cho những nỗ lực của mình.

Vào ngày D-Day, khi lực lượng Đồng minh chiến đấu để giành lấy bãi biển Normandy như một bàn đạp chiến lược cho cuộc giải phóng châu Âu, Pyle bị mắc kẹt ngoài khơi, trên một con tàu vận chuyển xe tăng. Ông đã lên tàu với một chiếc túi đựng đồ nghề, kèm theo vài chai rượu, lá bùa cầu may và một máy đánh chữ hiệu Remington. Háo hức muốn chứng kiến ​​cuộc đổ bộ, nhưng Pyle đã không được phép đặt chân lên “Bãi Omaha” cho đến sáng hôm sau, 7/6/1944. Trong suốt nhiều tiếng đồng hồ ngày hôm đó, ông đi bộ một mình trên bãi biển, dọc theo con đường tơi tả nơi đại dương gặp bờ cát, với đôi mắt trĩu nặng.

Chú thích ảnh
Ernie Pyle bên chiếc máy đánh chữ thân thuộc. Ảnh: New York Times

Hút nhiều thuốc lá và có lẽ đã uống một lượng rượu kha khá, Pyle dành những ngày sau đó miệt mài với chiếc máy đánh chữ. Độc giả cần những thông tin từ ông để hiểu những gì “các chàng trai nước Mỹ” đã phải chịu đựng ở Pháp. Sau khi đã viết đủ cho một vài cột báo, ông tự hỏi liệu bài báo đơn giản như thế có đủ để giúp những người ở quê nhà hiểu được cảm giác ớn ngợp đến mức nào trước quá nhiều cái chết.

Xem tiếp Kỳ cuối: NHỮNG BÀI BÁO RÚNG ĐỘNG

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)