04:12 14/04/2015

Ép châu Âu thuận theo ‘Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ’: Nga không nói chơi

Moskva sẽ ngừng trung chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine sau năm 2019, đó là tuyên bố của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak.

Moskva sẽ ngừng trung chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine sau năm 2019, đó là tuyên bố của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak.

Phát biểu trước báo giới ngày 13/4, ông Novak cho biết: Giám đốc điều hành tập đoàn Gazprom (Nga), ông Alexey Miller mới tiết lộ rằng, hợp đồng vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine sẽ không được gia hạn hay ký mới sau năm 2019. “Giờ mọi nỗ lực tập trung vào việc xây dựng các cơ sở cung cấp ở Thổ Nhĩ Kỳ, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp và từ đó chuyển khí đốt tới các khách hàng ở các quốc gia Trung Âu và Đông Nam châu Âu… Hợp đồng về trung chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ vẫn còn hiệu lực đến cuối năm 2019. Việc xây dựng tuyến đường ống mới nhằm mục tiêu giảm thiểu các mối đe dọa về trung chuyển, điều đã từng diễn ra trong quá khứ”, ông Novak bày tỏ.

Nga quyết không trung chuyển khí đốt qua Ukraine. Ảnh: Reuters


Sau khi phải hủy Dự án Dòng chảy phương Nam trị giá 40 tỉ USD vào cuối năm ngoái do sự phản đối của Liên minh châu Âu (EU), Moskva đang đặt rất nhiều hy vọng vào dự án khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi hoàn thành vào năm 2018 theo dự kiến, Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ có thể vận chuyển 63 tỷ m3 khí mỗi năm, cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia châu Âu.

Dự án lần đầu tiên được Tổng thống Vladimir Putin đề cập khi ông tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ (12/2014). Nhà lãnh đạo Nga cũng nói rằng một khi hoàn tất tuyến đường ống, Nga sẽ dừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine. Lúc đó, nếu muốn mua khí đốt từ Nga, EU cần phải tự bỏ tiền ra xây dựng các tuyến cơ sở hạ tầng ở Đông Nam châu Âu, đấu nối với điểm trung chuyển đặt trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp. Về phần mình, lãnh đạo EU phản đối kế hoạch này, cho rằng dự án không khả thi về mặt kinh tế, mang yếu tố tạo sức ép chính trị.

Hôm 7/4 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Hy Lạp, Hungary, Serbia, Macedonia và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhóm họp tại Budapest, cùng ký vào bản tuyên bố chung về “Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Tuyên bố nêu rõ, 5 nước nêu trên ủng hộ việc tạo lập một tuyến đường ống dẫn khí thương mại, một nguồn cung ứng đa dạng để vận chuyển khí từ Thổ Nhĩ Kỳ tới các nước ở Trung và Đông Nam châu Âu. Ngoại trưởng các nước đồng thời cũng hối thúc EU cùng đứng ra lập quỹ đối với dự án này, với lý do tuyến đường ống “sẽ có đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng của châu Âu, EU cần thể hiện trách nhiệm chung”.

Các ngoại trưởng cũng khẳng định tuyên bố chỉ “mang nội dung chính trị, sẽ cần có nhiều cuộc đối thoại, trao đổi tiếp theo”. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chỉ sau khi có dự án tiền khả thi được phác thảo, các nước mới có thể đưa ra được những tính toán về mặt định lượng, tổng mức đầu tư cho tuyến đường ống...

Khúc mắc lớn nhất hiện nay là chưa có thỏa thuận ký kết chính thức giữa các bên. Tổng thống Putin và đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mới đây đã có cuộc điện đàm về dự án, nhưng vẫn chưa thể đưa ra được kết luận cuối cùng. Giới phân tích nhận định, nội bộ Ankara vẫn còn tiếng nói phản đối, không muốn đẩy nhanh tiến trình đàm phán, vì nghi ngờ vào tiềm lực tài chính của Nga, cũng như tính kinh tế, tính khả thi của dự án, khi mà công suất vận chuyển của Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ vượt quá nhu cầu tiêu thụ của các nước trong khu vực.

Dù mới chỉ dừng ở mức sơ khai, nhưng Tuyên bố Budapest cũng đã “kịp” giáng một đòn mạnh vào tính đoàn kết của EU trong mặt trận đối trọng với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Theo tính toán, Cyprus, Hungary, Hy Lạp, Italy chính là những nước có khả năng lên tiếng phản đối việc EU gia hạn, mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva, vốn sẽ phải được quyết định sau khi hết hạn vào tháng 7 tới. Lãnh đạo 4 nước trên đều đã lần lượt có chuyển thăm tới Moskva trong thời gian gần đây.


Hoài Thanh (Theo Euobserver, Unian)